Có đứa trẻ nào là không cần những người cha người mẹ có tố chất giáo dục đây? Tình hình phổ biến trong xã hội bây giờ lại ngược lại, phụ huynh đối với con cái hết lòng nhưng không dùng đúng phương pháp, chủ yếu quản giáo là chính, chỗ nào cũng can thiệp hết sức trầm trọng, cái mà trẻ lĩnh hội được chỉ là sự cưỡng chế, chứ không phải là giáo dục.
Trong trường học và trên giảng đường, người thầy là người dẫn đường, chỉ đạo cho con trẻ thậm chí còn là tấm gương và hình mẫu về hành vi, sự quan trọng của người thầy là lẽ đương nhiên. Trong công cuộc giáo dục con trẻ, phụ huynh có một vai trò quan trọng, không thể thay thế.
Tôi đã từng đọc một câu chuyện ngụ ngôn. Một người nông dân có một khối ngọc, muốn điêu khắc nó thành một tác phẩm tuyệt đẹp, nhưng trong tay ông ta chỉ có một dụng cụ là cây cuốc. Chẳng mấy chốc, khối ngọc này đã biến thành khối ngọc nhỏ hơn, nhưng hình dạng của nó vẫn giống như hòn đá, đồng thời càng ngày càng mất đi giá trị.
Các bậc phụ huynh trẻ cũng đã có được một khối ngọc – đứa con đáng yêu – kết quả sau nhiều năm là, một số người đã có được tác phẩm rất hài lòng, một số người nhìn sự thay đổi của khối ngọc và ngày càng thất vọng. Sự khác biệt giữa hai kết quả này, chính là do những người bố, người mẹ càng ngày càng thất vọng kia thường sử dụng cây cuốc để chế tác ngọc.
Nhưng có ai nghĩ mình lại ngớ ngẩn như vậy? Con người thời hiện đại đều rất tự tin.
Tôi có quen một anh bạn tiến sĩ, dù là trong lĩnh vực học thuật, công tác hay đối nhân xử thế anh đều rất xuất sắc. Đến tuổi trung niên mới sinh được một mụn con trai, anh yêu con hơn báu vật. Anh biết làm người quan trọng hơn làm học thuật, chính vì thế đặc biệt chú trọng đến vấn đề bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho con. Cậu con trai của anh vừa mới hai tuổi, thường xuyên tự chơi một mình, không để ý gì đến những lời hỏi chuyện của người lớn đối với cậu.
Người bố cho rằng, ngay từ nhỏ cần dạy cho trẻ biết phép lịch sự, nhìn thấy con trai như vậy, rất sốt ruột, liền bước đến giằng lấy món đồ chơi con đang chơi, nghiêm giọng nói với con rằng, người lớn hỏi chuyện con, con buộc phải trả lời. Cậu bé không hề để tâm đến những lời dạy của bố, khóc một hồi, lần sau lại “tái phạm”; anh cứ kéo con ra khỏi trò chơi, giáo dục, phê bình con trẻ hết lần đến lần khác. Anh nói rất quả quyết rằng, tôi buộc phải sửa cho con trai tật xấu này.
Vị tiến sĩ này không biết rằng, một đứa trẻ mới hai tuổi chưa hiểu khái niệm giao tiếp. Nói chuyện lịch sự với một đứa nhỏ như thế này, chẳng khác gì đàn gảy tai trâu, không những trẻ không hiểu, mà còn cảm thấy sợ. Điều quan trọng nhất là, đây là thời kỳ quan trọng để trẻ bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh, hiếu kỳ trước tất cả mọi thứ, một mẩu giấy nhỏ, nửa điếu thuốc lá cũng có thể khiến trẻ đam mê.
Hoạt động phát triển trí tuệ, bồi dưỡng khả năng chú ý, phát triển niềm say mê cho trẻ đều không thể tách khỏi niềm “đam mê” đó. Những trò chơi nhìn có vẻ như vô vị này chính là “công tác chuẩn bị” của trẻ đối với công việc học tập, nghiên cứu đích thực trong tương lai. Thường xuyên phá rối con trẻ một cách vô cớ sẽ khiến trẻ mất đi sự chú ý, làm cho chúng sau này rất khó tập trung công sức để làm một công việc, đồng thời cũng mất đi niềm hứng thú nghiên cứu đối với sự vật.
Ngoài ra, “giáo dục phép lịch sự” thường xuyên gây ra mối xung đột giữa bố mẹ và con cái, đồng thời còn khiến con trẻ không biết đâu mà lần trong vấn đề nhận thức, đảo lộn trật tự phát triển tâm lý bình thường của trẻ, khiến trẻ cảm thấy bực bội, đối địch với môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhân cách.
Anh bạn tiến sĩ không nghi ngờ mình là một cao thủ điêu khắc ngọc, nhưng lại không biết rằng lúc này đây anh đang sử dụng cây cuốc – sai lầm trong giáo dục gia đình đã xuất hiện mà mọi người không để ý tới, khiến kết quả và nguyện vọng thường đi ngược với nhau, đây là điều khiến người ta cảm thấy đáng tiếc và đau lòng nhất.
Mấy năm nay tôi được tiếp xúc với không ít bậc phụ huynh, chủ yếu là phụ huynh của những em được coi là “có vấn đề”. Từ những ví dụ khác nhau tôi đã phát hiện ra một hiện tượng chung là: Những lỗi nhỏ mà bố mẹ vô tình mắc phải, tích tụ theo tháng ngày, dần dần sẽ hình thành nên một vấn đề lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến con trẻ, gây ra nỗi đau sâu sắc cho trẻ, thậm chí còn bóp méo tâm hồn trẻ. Không phải tình yêu của bố mẹ không bao la, mà chỉ là do họ không biết rằng một số cách làm của mình là sai lầm.
Phương Tây có câu ngạn ngữ nói rằng: “Con đường vào địa ngục có những lúc do những ý đồ tốt tạo ra”. Đúng vậy, có ý đồ giáo dục của bậc phụ huynh nào là không tốt? Khi ý đồ tốt và kết quả khiến người ta phải thất vọng tạo nên sự đối nghịch lớn, rất nhiều bố mẹ đều trách móc con mình, nói con trẻ không có chí tiến thủ, ngay từ lúc sinh ra đã là một khúc gỗ mục không thể điêu khắc – đây là cách nói rất hồ đồ – nếu vấn đề bắt nguồn từ chính bản thân con trẻ, gọi là những cái bẩm sinh, thì bản thân trẻ biết phải làm thế nào – điều này giống như việc một người có đôi mắt quá nhỏ không thể trách được mình; nếu vấn đề chỉ có thể thông qua biện pháp tự nhận thức mình, tự thay đổi mình để giải quyết, thì cái gọi là chức năng của “giáo dục” sẽ nằm ở đâu?
Cũng có người đổ lỗi một số vấn đề gặp phải trong giáo dục cá thể cho các nhân tố vĩ mô như “xã hội”, “chính sách”, “thời đại”. Thói quen đổ lỗi này, điển hình nhất là vài năm gần đây, bất luận trong trường cấp một, cấp hai hay cấp ba, xảy ra chuyện tiêu cực gì, mọi người đều đi tìm nguyên nhân trong “thể chế giáo dục”, đến cuối cùng, về cơ bản mọi gậy gộc đều được giáng vào vấn đề “thi đại học”. Thi đại học – chính sách giáo dục công bằng nhất ở Trung Quốc hiện nay đã biến thành kẻ chịu tội thay, trở thành “kẻ tội đồ” của mọi vấn đề giáo dục.
Trên thế giới không có thể chế giáo dục của quốc gia nào tuyệt vời đến mức có thể giải quyết từng vấn đề cá nhân cho mỗi học sinh. Mỗi đứa trẻ đều là một thế giới riêng biệt, sự trưởng thành của trẻ được quyết định bởi “môi trường giáo dục nhỏ” mà bố mẹ và thầy cô giáo – những người tiếp xúc với em hàng ngày tạo dựng cho em. Trạng thái sinh thái của môi trường nhỏ này mới là nhân tố mang tính quyết định, ảnh hưởng thực sự đến quá trình trưởng thành của trẻ.
Với vai trò là người quan trọng nhất, người tiếp xúc sớm nhất, dài nhất với trẻ, bố mẹ là người quan trọng để tạo dựng lên “môi trường nhỏ” – trong cuộc sống thường nhật, trong mỗi chuyện nhỏ, bố mẹ định hướng cho trẻ như thế nào, giải quyết mối quan hệ với con trẻ như thế nào, gần như mỗi chi tiết đều hàm chứa một yếu tố giáo dục nào đó. Trình độ xử lý chi tiết tạo nên sự khác biệt giữa việc bố mẹ cầm cây cuốc hay dao khắc trong tay – nó khiến thế giới và tương lai của con trẻ hoàn toàn khác nhau.
Cho dù những “phương pháp” này khác nhau đến đâu, thực ra chúng đều được xây dựng trên một số phương châm giáo dục chung. Cố nhiên, “phương pháp” là rất quan trọng, nhưng phương pháp dù nhiều đến đâu cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề mà một người gặp phải trong quá trình giáo dục; phương châm giáo dục đúng đắn giống như một chiếc chìa khóa vạn năng, có thể mở ra mọi ổ khóa.
Bồi dưỡng tốt một đứa trẻ không những là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với gia đình mà cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm với sự phát triển của dân tộc và xã hội tương lai. Phương pháp giáo dục đúng đắn là một con dao khắc xinh xắn; phương pháp giáo dục sai lầm là một cây cuốc – khi trong tay chúng ta có một khối ngọc, chúng ta buộc phải thực hiện đúng.
Nguồn: Gacsach