Lịch Sử

Một thời để nhớ: Ký ức tươi đẹp về Tết Sài Gòn xưa

By Đăng Dũng

January 31, 2022

Bài viết của một tác giả đã gắn bó với Sài Gòn suốt một quãng đời. Tác giả sẽ đưa chúng ta quay ngược dòng về quá khứ của dân tộc – Tết Sài Gòn xưa, người Sài Gòn trước năm 1975 đã từng đáng yêu, dễ thương như thế. Hồi tưởng một thời để nhớ đã qua… chuẩn bị đón Tết này.

Tôi là người có quãng đời sống ở Sài Gòn nhiều hơn các nơi khác, dù hồi nhỏ cha mẹ đã cho tôi học hành ở Rạch Giá quê cha. Ngoài Rạch Giá, tôi còn học ở Vĩnh Long, nhưng cũng chỉ là thời gian ngắn. Nói vậy để thấy dù từ quê lên Sài Gòn, nhưng gia đình tôi đã khá sớm trở thành dân Sài Gòn. Tôi lớn lên ở Sài Gòn, ăn học tại Sài Gòn, đi lính từ Sài Gòn, dạy học tại Sài Gòn, đi tù từ Sài Gòn, đi Mỹ cũng từ Sài Gòn.

Người Sài Gòn những năm trước 1975

Mở đầu câu chuyện này, tôi không có ý phân biệt vùng miền, chỉ muốn viết lên những gì mình từng biết, từng thấy, và nhất là từng sống qua. Tôi chưa từng sống ở miền Bắc, hay miền Trung nên không dám mạo phạm viết về những vùng đất ấy.

Ngay từ những năm đầu tiên của bậc trung học đệ nhất cấp, học trò lứa tuổi chúng tôi bắt đầu đã có cảm nhận đất nước mình đang trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, nền giáo dục thời đó đến với chúng tôi ngay từ tiểu học bằng toàn những giáo huấn rất nhân bản, dựa trên nền tảng chúng tôi luôn được học từ đạo đức trong gia đình, gọi dạ bảo vâng, tôn kính, lễ phép cùng ông bà, cha mẹ.

Khi còn là một em bé chỉ đang ngồi ghế nhà trường bậc tiểu học thôi, chúng tôi đã luôn thực hành nhuần nhuyển cung cách đi thưa, về trình. Gặp người lớn luôn biết vòng tay, cúi đầu, một lời cũng dạ, cũng thưa. Chúng tôi cùng lúc được dạy từ trong gia đình cho đến học đường, và ngoài xã hội. Lên xe bus luôn biết đứng lên nhường chỗ ngồi của mình cho người lớn, nắm tay dắt người lớn tuổi qua đường. Ở ngoài đường, đang đi thấy xe tang sắp đến, chúng tôi đã được dạy phải dừng lại bên đường, đứng yên ngả nón chào người quá cố khi xe tang đi qua. Ở trong trường, với tình đồng môn, chúng tôi luôn được thầy cô dạy phải đối xử chân thật, thẳng thắn và giúp đỡ bạn bè để cùng thăng tiến.

Dù miền Nam hàng ngày vẫn luôn bị tổn thất bởi chiến tranh, chết chóc, đổ nát, tang thương…nhưng chúng tôi chưa bao giờ được dạy phải căm thù, phải cầm súng, phải giết chóc bất cứ một ai, chỉ biết tất cả là đồng bào. Tâm hồn chúng tôi luôn trong sáng, sống hồn nhiên, điều đó có thể chứng minh được qua các tạp chí dành cho thiếu nhi, hay lứa tuổi học trò thời đó mang tên : Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, hay các trang báo dành cho tuổi thơ với tên gọi là các Búp Bê…

Tết Sài Gòn xưa mang ý nghĩa thiêng liêng vô bờ

Riêng với cái Tết Nguyên Đán, một cái Tết đối với đời sống của người dân Sài Gòn luôn là thời gian đặc biệt không thể thiếu. Cả một năm trời lam lũ làm ăn kiếm sống. Tết ta là thời gian để nghỉ ngơi, để chăm chút cho nhà cửa, cho gia đình và con cái. Tết là dịp để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, là dịp để lo dãy mã, sửa sang, quét vôi lại mồ mã ông bà; chuẩn bị khoác cho ông bà một tấm áo mới để ông bà cùng ăn Tết với con cháu.

Tết là thời gian thật cần thiết để người nông dân, thương buôn, thợ thuyền có dịp bình tâm nhìn lại công việc đã làm suốt một năm qua, nhờ vào đâu mà thành công, bởi vì đâu mà thất bại. Từ đó mỗi người có thì giờ suy nghĩ về hướng phát triển mới cho năm sau. Nói theo giới bình dân của Sài Gòn thời đó, Tết là dịp để mọi người được xả hơi trước khi tiếp tục lao vào chặng đường làm ăn mới. Do vậy Tết Nguyên Đán đối với người dân miền Nam nói chung, hay dân Sài Gòn nói riêng là không thể thiếu, hoặc không thể bỏ được.

Các khu chợ Sài Gòn những ngày cuối năm nhộn nhịp như trẩy hội.

Nghèo, và chiến tranh triền miên nhưng người dân Sài Gòn thời đó ai cũng luôn trông mong tới Tết. Bởi vì người buôn bán có dịp buôn bán đắt hàng, công nhân và thợ thuyền luôn được lãnh thêm tháng lương thứ 13. Dân Sài Gòn từ xa xưa vốn đã luôn có truyền thống nghèo thì nghèo, nhưng luôn sống hào sảng, phong lưu, luôn rộng lòng chia sớt với nhau trong cuộc sống. Người Sài Gòn luôn có tập quán làm quần quật cả năm trời gom tiền, rồi bung ra chơi láng cóng ba ngày Tết, sang năm mới tính sau.

Nếu để viết một bài tổng quan về Tết, không giấy mực nào mô tả đủ. Hôm nay trước không khí Tết đang gần đến trên quê hương vừa tạm thoát khỏi đại dịch, như một con bịnh vừa mới tỉnh dậy. Tôi bỗng nhớ đến một vài “ngôn ngữ” ngày Tết. Hay nói đúng hơn, tôi muốn nhắc lại giọng người Sài Gòn xưa, thời tôi mới lớn, vẫn thường nghe vào những ngày Tết. Người Sài Gòn, ông bà chúng ta thời xa xưa ấy luôn xem Tết là một giai đoạn rất thiêng liêng trong năm. Ngày Tết người ta luôn sắm quần áo mới để đi cúng chùa, cúng lăng, cúng đền, đi nhà thờ, hoặc đi thăm viếng nhau. Tết là dịp hướng về tổ tiên nhiều nhất.

Người theo Phật Giáo, hay đạo thờ cúng ông bà thường long trọng cúng cơm nước, lễ vật, bông hoa, trái cây thật đầy đủ ngay từ trưa 29 hoặc 30 âm lịch, họ gọi đó là bữa cúng cơm rước ông bà về nhà ăn Tết cùng con cháu. Do vậy, mỗi sáng hoặc trưa mùng 1, mùng 2 âm lịch đều có cúng cơm cho ông bà tổ tiên về hưởng. Đặc biệt bữa cơm trưa mùng ba, cúng con gà được gọi là bữa cơm tiễn ông bà ra đi. Từ đó ba ngày Tết đối với mỗi gia đình đều rất thiêng liêng và trang trọng.

Tết cũng là dịp để con cháu về thăm ông bà, cha mẹ và họ hàng. Là dịp để tập cho các cháu còn nhỏ biết được truyền thống của gia đình. Và Tết là dịp để con cháu chúc Tết và mừng tuổi người lớn, sau đó con cháu sẽ nhận được bao đỏ lì xì tiền từ người lớn để lấy hên. Lâu dần, miệng đời dân gian đã bắt đầu truyền khẩu nhau những nhóm từ ngữ dùng trong dịp lễ thiêng liêng này như: “Ba ngày Tết”, “Ba ngày này”, Tết nhứt”, hay gọn hơn là: “ Tết mà”!…

Những chữ đơn giản ấy, vậy mà ở khắp nơi trên đất Sài Gòn xưa, đi đến đâu cũng nghe người ta nói liền miệng vào mỗi dịp cận Tết. Nhất là nhóm chữ: “Ba ngày này”. Thoạt đầu, “ba ngày này” do những người thương buôn ngoài chợ nói, có lẽ là 3 ngày buôn bán, bao gồm từ tờ mờ sáng 27, 28 đến trưa 29 âm lịch (những năm không có ngày 30). Còn những năm có tháng chạp đủ, ba ngày này có thể là: từ tờ mờ sáng 28, 29, đến trưa 30, vì trưa 29 hoặc trưa 30 chợ bắt buộc phải dẹp để các công nhân vệ sinh lo dọn dẹp sạch sẽ chợ búa đón Tết. Nhưng sau này nhóm chữ “Ba ngày này” đã được dùng rộng rãi, và không còn hạn chế ngày nào trong toàn xã hội, nhất là người Sài Gòn luôn ăn Tết trong tinh thần: Tháng giêng là tháng ăn chơi…

Ngôn ngữ Tết Sài Gòn xưa – ấm tình người, đầy lòng vị tha

Giờ đây xin các bạn đi một vòng Sài Gòn xưa với tôi để cùng nghe lại “ngôn ngữ Tết” ở vùng đất thân thương muôn thuở của chúng ta.

Một cháu bé đánh giày trên đường Tôn Thất Đạm vừa được ông khách trả tiền, cháu nài nỉ: “Ba ngày này mà chú, cho con xin thêm chút đỉnh đi chú!”

Một bà vừa xuống xích lô ở Lăng Ông Bà Chiểu dúi tiền vào tay cậu thanh niên: “Ba ngày này cầm thêm chút đỉnh cho vui nhe con!”

Một ông đang ngồi quán cà phê nhìn thấy người bạn trong xóm bước ra liền kêu: “Tết nhứt đi đâu sớm vậy anh Sáu? Ghé uống cái cà phê rồi đi”.

Bà Bảy trong hẻm nhỏ bến Bình Đông hổng biết giận ai mà đay nghiến: “Tết, liệu hồn đừng chọc tao nhe mậy! Mần ơn tránh xa tao ra ba ngày này nhé!”

Bà Năm bên Phú Nhuận thấy ông Năm giận con quá bèn ra can: Thôi ông ơi! Tết mà! Xí xóa đi cho yên nhà yên cửa ông ơi!

Một gốc phố Sài Gòn những năm trước 1975.

Bà Chi ở xóm Tân Bình khuyên đứa cháu ở xa mới ghé thăm: “Tết nhứt tới nơi rồi con ơi!. Coi đi xưng tội nhé con!”

Bà Tám ở quận tư vừa tụng kinh xong bước ra cửa sau oang oang: “Mô Phật! Mẹ bà nó! Ba ngày này để tao tu đừng chọc tao nhe!”

Dì Ba ở xóm cầu Trương Minh Giảng vừa đi đâu về bằng taxi, dúi tiền vô tay cậu tài xế nói: “Chút đỉnh này là lấy hên nhe con. Tết nhứt mà, nhiều nhỏ gì đâu!”

Mấy anh em con chú Tư ở Phan Văn Trị quánh bầu cua cá cọp, thằng em dọng vô mặt thằng anh, chú Tư ra can: “Thôi con! Tết nhứt nhịn nó đi cho yên nhà yên cửa nhe con!”

Anh Bảy ra đầu hẻm đường Trương Minh Giảng mua phong pháo Điện Quang, thằng nhỏ không có bốn đồng lẻ để thối, anh Bảy cầm phong pháo vừa đi vừa nói: “Thôi được, Tết mà! Coi như chú lì xì con đầu năm đó nhe!”

Má Tư Hóc Môn nhai miếng trầu miệng đỏ tươi cầm bao lì xì đưa cho đứa cháu ngoại: “Tết nhứt rồi! Năm tới xui đi hên tới. Thôi lo mần ăn nuôi vợ con nhe con!”

Dì Ba nhà ở Cây Thị dặn con cháu: “Ba ngày này có quét nhà thì quét vô nhe con. Đừng quét lộc ra, năm tới đói nhe con!”

Dì Sáu nhà ở Hóc Môn lì xì cho thằng cháu ở ngoài Sài Gòn mới ghé : “Ba ngày Tết tao lì xì lấy hên nè! Để dành mua gạo, đừng quánh bài nhé!”

Đứa con dâu xin phép cha mẹ chồng: “Sau ba ngày Tết , con xin phép cha má cho con dìa quê thăm cha má con”.

Thấy chồng mình giận thằng con quá xá, bà vợ ra khuyên can: “Thôi ông! Tha cho nó đi mà! Ba ngày này ông đuổi nó biết đi đâu”… ———– Trên đây là một số hoạt cảnh Tết xưa xin gửi các bạn từng là dân Sài Gòn, các bạn khắp cả nước… cùng hồi tưởng lại ký ức một thời của Tết Sài Gòn trước năm 1975, nhớ lại để cùng vui Tết Nhâm Dần 2022.

Bài viết của tác giả: Chu Thụy Nguyên (23.01.2022)