Mùa hè, thời tiết nóng nực dễ khiến cơ thể chúng ta mất nước vì vậy mà nước canh sấu là món canh được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, từ mâm cơm của người nghèo đến nhà giàu chúng ta đều dễ thấy sự xuất hiện của nước canh sấu.
Theo Trung y quả sấu có vị chua hơi chát nên thuộc âm, tính hàn, mà mùa hè nhiệt độ tăng cao nắng nóng khiến cơ thể dễ sinh nhiệt thuộc dương, tính nhiệt. Chính vì vậy mùa hè thường dùng nước canh sấu để giải nhiệt là như vậy. Âm dương cân bằng, nhiệt hàn bổ sung.
Theo khoa học, trong quả sấu có đến 86% là nước, 1% axit hữu cơ, 1.3% protit, 8.2% gluxit, 2.7% xenluloza, 100mg% canxi, 44mg% Phospho, vết sắt và 3mg% vitamin C. Sấu có rất nhiều công dụng trong bữa ăn hằng ngày hơn nữa sấu là vị thuốc chữa bệnh.
Khi quả sấu chín có vị chua tính mát. Trong Đông y liệt kê sấu có những công dụng sau: Kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, trị ho, tiêu đờm, ngứa cổ, nôn nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…
Các bài thuốc trị bệnh từ quả sấu
1/ Trị nhiệt miệng, thiếu nước, ngứa cổ, đau họng
Muối sấu cùng với đường, muối, ớt, dấm chờ trong khoảng 30 phút để hỗn hợp sấu ngấm sau đó ăn trong ngày. Hoặc lấy 4 đến 6g cùi sấu khô sắc với hai bát nước đun đến còn nửa bát thì tắt bếp để nguội, uống sau khi ăn sáng. Nếu muốn tiết kiệm thời gian thì dùng 8g cùi sấu khô hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liên bạn sẽ thấy những triệu chứng nhiệt, đau họng, ngứa không còn xuất hiện.
2/ Trị nôn nghén cho phụ nữ mang thai
Quả sấu đem nấu canh cá diếc hoặc thịt vịt có tác dụng tuyệt vời cho phụ nữ mang thai nôn nghén.
Uống nước sấu ngâm đường cũng giúp giảm nôn nghén, lưu ý không nên uống nhiều vì như thế có thể gây tăng huyết áp cho bà bầu.
3/ Chữa ho
Cách 1: Cùi sấu tươi ngâm muối, ngậm 3 đến 5 lần trong một ngày, nên ngậm vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ.
Cách 2: Cùi sấu tươi 25g sắc với 250 ml nước, cho thêm chút đường khi uống, chia làm 2 lần uống trong một ngày. Uống liên tiếp trong vòng 3 ngày.
Cách 3: Chữa ho cho trẻ em, lấy hoa sấu hấp với mật ong cho trẻ uống vài ngày sẽ thấy hiệu quả.
4/ Tăng cường tiêu hóa
Sấu đem hấp với đường rồi dùng làm nước uống giải khát trong ngày. Đem sấu nấu canh chua ăn trong bữa cơm.
5/ Chữa say rượu
Đem sấu ngâm đường và gừng để uống rất có hiệu quả chữa say rượu.
6/ Trị mụn nhọt, lở ngứa
Lá sấu tươi đun nước tắm rửa hoặc lá sấu rửa sạch dã lát bọc vải xô, băng gạc sạch đem đắp lên nốt mụn.
7/ Thanh nhiệt giải khát
Nước canh rau muống dầm sấu là món khoái khẩu của tất cả người Việt Nam trong những ngày hè nóng nực đặc biệt là được ăn cùng với vài quả cà pháo thì còn tuyệt vời hơn nữa. Canh sấu chua dịu mát có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa.
Canh sấu chua nấu với thịt nạc băm, canh sườn chua, canh thịt bò chua, canh cá chua, hay món vịt om sấu đều là những món ngon miệng lại giúp giải nhiệt mùa hè.
Quả có thể để đông lạnh và dùng quanh năm.
Cùi sấu đem trộn với đường, ớt, gừng, mắm là món ngon kích thích vị giác lại giúp tiêu thực ăn kèm cơm thì tuyệt vời.
Nước sấu, ô mai sấu, mứt sấu đều là những món đồ uống, đồ ăn vặt ngon mà mọi lứa tuổi đều yêu thức đặc biệt là trẻ con.
Những người không nên ăn sấu và uống nước sấu
Người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không nên sử dụng sấu vì sấu có vị chua, ăn vào khiến nồng độ axit trong dạ dày tăng cao. Người bệnh sẽ gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng bị đau dạ dày tuyệt đối không nên ăn các loại thức ăn chua.
Khi đói không nên ăn sấu vì đồ chua sẽ làm bạn cồn cào bụng hại dạ dày.
Trẻ em dưới 12 tháng tuổi không nên sử dụng sấu và các sản phẩm từ sấu vì hệ tiêu hóa của trẻ nhạy cảm, trong sấu có thành phần axit cao dễ gây tổn thương đường ruột của trẻ.
Những người mắc bệnh tim mạch, béo phì, huyết áp cao không nên uống nước sấu ngâm đường.
Lựa chọn sấu ngon và cách bảo quản chế biến quả sấu
Chọn quả sấu vừa già tới, vỏ còn màu xanh thẫm, cùi nhiều, vỏ sần. Không nên chọn quả sấu non, quả già.
Cách dự trữ và bảo quản, cất sấu trong ngăn đá tủ lạnh. Chọn những quả sấu bánh tẻ cạo vỏ rửa sạch rồi chia sấu làm nhiều túi buộc kín cất vào ngăn đá lạnh.
Nếu làm nước sấu thì chọn những quả to ngon lấy dao tách cùi và hạt rồi ngâm cùi với nước vôi trong hoặc phèn chua. Sau đó vớt ra ngâm nước sạch chờ cho ráo rồi đổ vào lọ. Một lớp sấu một lớp đường hoặc lớp muối đầy lọ thì đậy kín. Sau nửa tháng là có thể đem ra sử dụng.
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn: Bs.Thu Nguyệt – Viện Y học ứng dụng Việt Nam