Nguồn ảnh: https://m1.aboluowang.com/uploadfile/2018/0112/20180112115710585.jpg

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Muốn đánh giá nhân cách của một người, nên nhìn vào sự hiếu hạnh của họ đầu tiên

By Đăng Dũng

June 23, 2021

Càng lớn chúng ta sẽ càng thấm một điều, chỉ có cha mẹ mới yêu thương ta vô điều kiện, và chỉ có nơi nào có cha mẹ, nơi đó mới là nhà. Người biết hiếu thảo với cha mẹ, là một bậc đại đức hạnh, khiến trời đất cũng phải động lòng. 

Đức Phật đã dạy, trong tất cả các đức hạnh của con người thì đạo Hiếu là hàng đầu. Muốn đánh giá nhân cách của một người, nên nhìn vào sự hiếu hạnh của họ đầu tiên. Vì nếu một người mà ngay cả những người đã cất công nuôi dạy thương yêu họ, thế nhưng người đó cũng không chịu báo đáp kính trọng, thì dù có tài giỏi đến đâu, giàu có đến đâu, cũng đều sẽ tan biến theo mây khói, vì vốn dĩ chẳng còn phước phần để hưởng.

Câu chuyện cảm động về người con có hiếu sau sẽ phần nào khơi gợi lại lòng hiếu thảo trong tâm bạn. khi cha mẹ còn sống trên đời thì chúng ta phải biết thương yêu, phụng dưỡng, để làm gương cho những người xung quanh noi theo.

Người con trai sau bao năm tháng lao động ở xa trở về thăm gia đình, anh ta đưa cha già vào nhà hàng ăn tối. Người cha già nua yếu ớt khi ăn cứ làm rơi vãi đồ ăn lên quần áo. Khách các bàn ăn chung quanh ai cũng liếc nhìn ông ta không dấu vẻ ghê tởm, nhưng chàng trai vẫn điềm tĩnh như bình thường.

Ăn xong, anh con trai không một chút lúng túng, lặng lẽ đưa cha mình vào phòng vệ sinh, lau sạch các mẩu đồ ăn, các vết dơ, chải lại mái tóc bạc cho cha, sửa lại cặp kính lão cho ngay ngắn trên sống mũi cha. Khi họ trở ra, cả nhà hàng im phăng phắc nhìn hai cha con họ, không hiểu sao lại có người có thể làm cho tất cả mọi người đều ngượng nghịu chung như thế.

Người con trai trả tiền bữa ăn xong, rồi dìu cha ra về.

Lúc ấy, một người đàn ông lớn tuổi trong số các thực khách buột miệng gọi với theo người con, ông ta hỏi: “Anh bạn trẻ này, anh có nghĩ là anh để quên lại cái gì ở đây không vậy ?”

Chàng trai liếc nhanh chỗ ngồi ban nãy rồi trả lời: “Dạ thưa ông không, cháu không có để quên lại cái gì ở đây cả ạ…”

Người đàn ông nhẹ nhàng bảo: “Có, anh đã để lại nơi đây một bài học cho tất cả những ai làm con, và để lại niềm hy vọng cho tất cả những ai làm cha”.

Cả nhà hàng chìm vào im lặng.

Cha mẹ là người duy nhất sẽ chấp nhận hy sinh mọi thứ, kể cả sinh mạng chỉ đổi lại một điều tốt cho con mình. Ngoài xã hội bao nhiêu người, đi làm hay đi học, ai nấy cũng tranh đua nhau, có đối xử tốt với mình thì cũng là vì có mục đích nào đó, nên càng đi xa cha mẹ, con người ta mới càng hiểu được tấm lòng của họ.

Khi bạn còn rất nhỏ… Bố mẹ dành rất nhiều thời gian, dạy bạn cầm thìa, dùng đũa, nên ăn như thế nào… Dạy bạn mặc quần áo, đeo tất, buộc dây giày… Dạy bạn rửa mặt, dạy bạn chải đầu… Dạy bạn đạo lý làm người… Bạn có còn nhớ chăng thường xuyên ép hỏi bố mẹ, bạn từ đâu ra? Cho nên… Cho nên, đến một ngày bố mẹ già đi… Xin đừng trách tội họ… Khi họ bắt đầu quên cách buộc dây giày, quên đeo tất… Khi đôi tay chải đầu của họ bắt đầu run rẩy không ngừng… Xin đừng thúc giục họ, bởi vì khi bạn đang từ từ trưởng thành, thì họ lại dần dần già đi… Chỉ cần bạn luôn ở trước mắt họ… Trái tim của họ sẽ thực sự ấm áp… Nếu có một ngày, khi họ không còn đứng vững, muốn đi cũng không được… Xin bạn hãy siết chặt lấy tay họ, ở bên cạnh họ chậm rãi bước đi… Tựa như năm đó bố mẹ nắm lấy tay bạn.

Dù cha mẹ có làm điều gì không phải đi nữa, thì cũng chớ vội giận hờn quát mắng họ, bởi họ làm điều đó cũng là vì nghĩ sẽ mang lại sự tốt đẹp nào đó cho con mình mà thôi. Nên bất luận cha mẹ là người như thế nào, con cái đều phải tôn kính và yêu thương họ. Một người con bất hiếu, sẽ mãi mãi là không thể làm trọn chữ nhân được, dù có làm bao nhiêu điều tốt đẹp cho thiên hạ, cũng chỉ là giả dối vô nghĩa mà thôi.

Muốn sống tử tế, rèn luyện tài năng và đức hạnh, thì điều đầu tiên cần làm chính là làm tròn chữ hiếu với cha mẹ mình. Khi một người biết sống hiếu kính với bậc sinh thành, thì trời đất tự khắc cảm thấy hài hòa, phúc khí cao dày, làm điều gì cũng sẽ dần dần mà thành toại.

Chân Kiến biên tập