Nguồn: Internet

Văn Hóa

Muốn sống trọn tuổi Trời trong an lạc thì cần hiểu phép dưỡng sinh, mà phép dưỡng sinh là thuận lẽ Trời

By Lan Hòa

June 12, 2021

Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Câu nói tuy ngắn ngọn nhưng hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc.

Con người trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, bỗng có lúc chợt nhận ra những cố gắng, phấn đấu thật sự không đem lại sự thảnh thơi mãn nguyện thực sự. Nhìn lại tuổi thơ vô tư vô lo, nô đùa bất giác lại làm chúng ta bùi ngùi tiếc nuối. Phải chăng được tự tại thong dong, thuận theo tự nhiên lại là một niềm hạnh phúc?

Cuộc sống của con người vốn bộn bề với những lo toan, suy tính ngược xuôi. Con người luôn mong muốn làm sao để có thể sống hạnh phúc. Chuẩn mực hạnh phúc của mỗi con người lại khác nhau. Nên ta cứ mãi chạy theo cái truy cầu của riêng mình.

Việc đời vô cùng phức tạp, những việc ta tính chưa hẳn đã đúng. Cái ta muốn chẳng bao giờ dễ dàng có được. Nhưng nếu cứ chạy theo sự xô bồ đó thì ta vô tình là kẻ đuổi bóng bắt hình. Vậy làm sao để có thể tự tại mà thong dong?

Trang Tử viết:

“Đời người thì có hạn mà tri thức thì vô cùng. Đem cái có hạn mà đuổi cái vô cùng thì tinh thần sẽ mệt mỏi; đã mệt mỏi mà không ngừng nữa thì sẽ chết mất. Làm điều thiện thì bị lụy vì danh tiếng, làm điều ác thì chịu khổ vì hình phạt. Chỉ người nào giữ được đạo trung là bảo toàn được thân, mệnh, mà phụng dưỡng được cha mẹ, sống được trọn tuổi trời’’.

Đạo trung mà ông nhắc tới đây chính là ở trong Đạo mà hiểu Đạo. Cũng có một vài lí giải đến đây ý nói tới đạo lí đời người. Nhưng cũng có ý cho rằng vì Trang Tử đã từng nói rằng: “Vạn vật đều ở trong Đạo là mang hàm nghĩa tới việc hiểu được nguyên lí biến hóa và vận hành của vạn vật, hiểu được cái lẽ tự nhiên chính là nằm trong Đạo mà thuận theo quy luật tự nhiên mà sống.”

Trang Tử ví tri thức là những nguyên lí, đạo lí ở đời. Ai có thể hiểu hết được đạo Trời. Có lẽ con người đi hết đời này tới đời khác cũng không thể thấu hiểu được những đạo lí ấy. Chính những phức tạp mà có phần là bí ẩn ấy mà con người cứ mãi chạy theo mà mưu cầu. Phải chăng đó chính là chuốc lấy muộn phiền trong tâm. Những thứ không có được thì nỗ lực để đạt cho bằng được, những sự tình xảy ra thì gắng sức thao túng và điểu khiển nó, vậy nên đời người là mệt mỏi tới kiệt sức. Tinh thần hao mòn, suy giảm nhuệ khí.

Trang Tử cho rằng, làm người cần học và cần hiểu về Đạo, trung dung hài hòa và thuận theo Đạo đó chính là thuận theo dòng chảy của tự nhiên, hay còn gọi là thuận theo mệnh Trời. Nếu con người chân chính hiểu được mọi sự ở đời xảy ra không hề ngẫu nhiên, đều chứa phía sau đó là nguồn gốc nguyên do, từ đó mà đi theo thiên ý chính là cách giúp con người có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình, và biết cách làm cho mình hạnh phúc.

Khi con người hiểu được nguyên do của mọi sự thì phải chăng sẽ chẳng phải đau khổ mà bi lụy, chẳng phải nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí. Như vậy chính là đạt được trạng thái an hòa trong tâm, khi tâm thong dong tự tại, thì thân không mang bệnh, thân chẳng già nua như thế mà kéo dài tuổi thọ. Với Trang Tử đó là một bí quyết của dưỡng sinh.

Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên

Trang Tử cho rằng, con người là do ông Trời đặt mệnh, mà ông Trời lại thuận theo nhân quả.

Nhưng thế gian con người vốn vì cái tình mà bi lụy. Khi con người hết mệnh lìa đời, thân quyến đau đớn mãi không thôi, có người muốn quyên sinh vì chẳng thiết sống để rồi lãng phí mệnh Trời, phạm tội to lớn. Nếu cái chết là do ai làm hại thì lập tức báo thù báo oán. Nhưng nếu ai đó đột nhiên mà qua đời thì luyến tiếc mà đớn đau. Tâm can đều khổ bởi không hiểu được mệnh đời người là do an bài từ trước:

‘‘Lão Đam chết, Tần Dật lại điếu khóc ba tiếng rồi ra. Một môn sinh của Lão Đam hỏi:

– Ông phải là bạn của thầy tôi không?

– Phải.

– Điếu như vậy coi được sao?

Tần Dật đáp:

– Được chứ. Mới đầu ta tưởng những người khóc toàn là người thân cả, bây giờ thấy là không phải. Khi tôi vô điếu, thấy có những người già khóc ông như khóc con, có những người trẻ khóc ông như khóc cha.

Ông ấy cư xử với người khác, chắc không cầu họ khen mà họ vẫn khen, không cầu họ khóc mà họ vẫn khóc, như vậy là họ trốn đạo Trời, trái chân tình, quên cái bản chân của ông ấy; cổ nhân bảo thế là bị hình phạt của Trời. Thầy anh sinh ra là ứng với thời, rồi chết đi là thuận lẽ Trời. Vui với thời, thuận đạo Trời, thì không bị vui buồn làm dao động trong lòng. Người xưa bảo như vậy là được Trời giải phóng cho’’.

Trang tTử cho rằng, nếu coi cái chết là nhẹ nhàng, là thuận theo thiên ý thì sẽ hiểu được rằng, ta tự tại biết bao nếu sống nay chết mai bởi đời người là ngắn ngủi. Vui buồn sinh tử chẳng làm tâm động niệm khổ đau. Như vậy có phải là thuận theo đạo trời mà an nhiên tự tại.

Buông bỏ tham chấp tiền bạc, tâm thân tự nhiên đạm bạc thanh thản

Con người vì lòng tham về tiền bạc mà lao tâm khổ tứ. Coi trọng giá trị tiện nghi và vật chất mà coi nhẹ tinh thần. Đêm nằm trăn trở lo toan, mưu tính mà chẳng thể ngủ ngon. Lòng tham ấy khiến con người làm việc đêm ngày, sống như thể chẳng bao giờ phải chết. Phung phí sức khỏe, coi thường sinh khí. Làm việc cật lực tới lao lực để rồi có được gì. Phải chăng đó chính là đi ngược với tự nhiên, bất tuân thiên ý.

Con người giàu sang quyền quý hay nghèo hèn, ương nghiệp đó đều có trong mệnh. Mệnh không có thì làm gì cũng không thể có, cố nữa cũng chỉ tạo thêm ác nghiệp.

Phải chi ta học con chim trĩ:

‘‘Con trĩ trong chằm, cứ mười bước lại mổ một thức ăn, trăm bước lại uống, không chịu bị nhốt để người ta nuôi, vì được nuôi, tuy không phải khó nhọc, nhưng không thích’’.

Thuận theo tự nhiên, hiểu đạo mà ung dung tự tại, tâm thân khoáng đạt tự do. Mọi sự ở đời rối ren phức tạp, coi nhẹ nó mà thanh thản thong dong. Hiểu được lẽ đời thân nằm trong Đạo, ác nghiệp không tạo, thiện nghiệp kết duyên. Bất hạnh khổ đau đều có nguyên do. Nên ông viết:

‘‘Công Văn Hiên thấy viên hữu sư, ngạc nhiên hỏi kẻ tả hữu:

– Ai đó? Sao hắn chỉ có một chân? Do trời hay do người đấy?

– Do trời chứ không phải do người. Trời sinh ông ấy có một chân còn những người khác thì có hai chân. Vì vậy mà biết là do trời chứ không phải do người’’.

Việc đời vô cùng phức tạp, nhưng cứ theo tự nhiên mà thích ứng với nó, điều khiển nó thì không mệt sức, không thương tổn tinh thần. Sống chết, tai nạn là lẽ tự nhiên, là mệnh trời, đừng buồn vì những cái đó. Đừng trọng vật chất mà trọng tinh thần, phải giữ tinh thần tự do, thư thái. Sau cùng phải giữ đạo trung, đừng làm quá sức mình.

Bởi vậy, muốn sống trọn tuổi trời trong an lạc thì cần hiểu phép dưỡng sinh, mà phép dưỡng sinh là thuận lẽ trời.

 

Chân Nhiên biên tập