Nguồn ảnh: Epochtimes

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Muốn thành danh trước hết phải thành nhân, muốn làm quan trước tiên phải làm người tốt

By Lan Hòa

June 10, 2021

Cổ ngữ có câu nói rằng: “Muốn làm nên sự nghiệp thì trước hết phải biết làm người”. Vậy làm người như thế nào? Con người cần phải có những tố chất nào để trở thành một người chân chính, làm nền tảng cho thành công, thành tựu sự nghiệp? Câu chuyện dưới đây sẽ mang đến cho chúng ta những bài học sâu sắc.

Uông Huy Tổ là người nhà Thanh, tên chữ là Long Trang, hay Hoán Tằng, sau cùng gọi là Lư. Người Tiêu Sơn (nay thuộc tỉnh Chiết Giang).

Ngày trước, khi cha của Uông Huy Tổ là Uông Giai dạy con nếu muốn sau này làm quan, trước tiên cần phải biết làm người, do đó ông luôn khắc ghi những lời chỉ dạy của cha mình và nghiêm túc thực hiện điều đó trong từng lời nói hành động của bản thân.

Uông Huy Tổ khi còn nhỏ gia đình vô cùng nghèo khó, cha của ông là Uông Giai cả đời vất vả ngược xuôi không thực hiện được chí nguyện của mình, nhưng lại hết sức chú ý tới việc giáo dục cho con trai.

Có một lần Uông Giai phải đi Quảng Đông để tìm kế mưu sinh, cậu bé Uông Huy Tổ ở trên thuyền đưa tiễn. Lúc ấy đúng lúc mưa phùn giăng như tơ, rả rích không ngừng. Uông Giai bèn hỏi con trai: “Con có biết cha lần này ra ngoài là vì sao không?” Uông Huy Tổ nhất thời không biết trả lời cha như thế nào, Uông Giai nói tiếp: “Tuổi tác lớn như thế này rồi, còn muốn đi đến nơi đất khách quê người hay sao, đây không phải là ý nguyện của cha! May mà cha hiện giờ thân thể còn khỏe mạnh, không dựa vào một chút kế sinh nhai này, chỉ sợ con khó mà sống được đó!” Nói đến đây, cả hai cha con cùng nổi lên một nỗi thương cảm bi ai.

Một lát sau, Uông Giai lấy ra một đoạn văn cổ bảo Uông Huy Tổ học thuộc. Đợi con học xong, ông hỏi cậu: “Con thử nói xem, đọc sách là để làm gì?” Uông Huy Tổ trả lời: “Là vì để sau này có thể làm quan.”

Uông Giai nghe xong, lắc đầu nói: “Con nói sai rồi! Làm quan đương nhiên cũng là một mục đích của việc đọc sách, nhưng làm quan thì không thể cầu mà được. Cầu được làm quan rồi thì chưa hẳn có thể làm người tốt; nếu như truy cầu làm người tốt, thì dù không được làm quan, cũng vẫn có thể làm một người tốt. Nếu như may mắn, sau này con có thể làm quan, lúc ấy nhất định phải làm một vị quan tốt, nhất định không thể để cho dân chúng thóa mạ, nhất định không thể làm tổn hại thanh danh đến thế hệ mai sau, những lời này con ngàn vạn lần phải nhớ kỹ đấy!” 

Cả hai cha con họ lúc đó đều không nghĩ đến là, Uông Giai lần này ra ngoài rồi, thì cũng không thể trở về nhà được nữa, ngày 31 tháng 01 năm 1741, Uông Giai 46 tuổi, chết tha hương tại Quảng Châu. Lúc đó Uông Huy Tổ chưa tròn 11 tuổi.

Uông Giai qua đời để lại phía sau một thê một thiếp, vợ lớn là Vương Thị, vợ nhỏ là Từ Thị đều là người Tiêu Sơn. Uông Huy Tổ là con trai của Từ Thị. Sau khi chồng chết, Vương Thị và Từ Thị khổ cực chèo chống cho gia đình, vất vả sống qua ngày. Uông Giai vừa mất xong, một số chủ nợ rối rít tới nhà đòi nợ, Vương Thị đành phải bán ruộng đất, y phục và của hồi môn của mình để trả cho họ.

Em trai của Uông Giai là kẻ không ra gì, thường bám theo chị dâu đòi tiền đi đánh bạc. Có lúc không xin được tiền, hắn liền bắt cậu bé Huy Tổ làm con tin để uy hiếp, đợi đến khi có tiền rồi mới thả Uông Huy Tổ về với gia đình. Nhưng mà ngay cả trong hoàn cảnh nghèo khổ và khó khăn như vậy, Vương Thị và Từ Thị vẫn không lơi lỏng việc giáo dục cậu bé Huy Tổ.

Có lúc dạy con trai học tập, Uông Huy Tổ không đạt được yêu cầu, mẹ ruột Từ Thị trong tay cầm gậy bắt Uông Huy Tổ phải quỳ xuống tiếp thu chỉ dạy, xử phạt, Vương Thị ở kế bên, nước mắt lưng tròng mà phân tích điều hay lẽ phải cho cậu.

Đến lúc sau, thông thường ba mẹ con họ vứt gậy đi, nước mắt tuôn trào. Khi trong nhà đến độ cùng cực không có đủ thức ăn, Vương Thị và Từ Thị đều nói rằng thân thể họ có bệnh, không ăn được thức ăn, đều dành đồ ăn tiết kiệm được mang cho cậu bé Huy Tổ dùng.

Uông Huy Tổ dưới sự giáo dục và yêu thương của Vương Thị và Từ Thị cứ như vậy mà lớn lên. Sau khi trưởng thành, Uông Huy Tổ ra ngoài làm quan ở huyện, phụ trách các việc về tư pháp hình sự.

Lúc này, Vương Thị luôn dặn đi dặn lại con trai rằng: “Cha của con những năm còn sống từng nói rằng, trong đời người, điều bi thảm nhất đáng thương nhất không gì sánh bằng chính là bị nhốt vào trong ngục. Do vậy lúc đó mỗi khi cha con xử phạt một người, trong lòng không vui đến mấy ngày, ông nói: “Người ta chẳng lẽ không oán hận khi bị xử phạt sao!” Bây giờ con ra ngoài phụ trách về tư pháp hình sự, nhất định phải hiểu được tấm lòng khoan dung độ lượng của cha con khi còn sống.”   

Mỗi ngày khi Uông Huy Tổ xử lý xong công việc trở về nhà, Vương Thị và Từ Thị luôn hỏi con trai: Có ai bị xử tội chết không? Có gia đình nào tan vỡ không? Nếu như Uông Huy Tổ trả lời không có, cả hai người họ đều vô cùng vui mừng; nếu như Uông Huy Tổ lựa lời giải thích nói với mẹ, quả thật là có người bị xử tử, vì thế mà dẫn đến tan cửa nát nhà, nhưng đó cũng là căn cứ theo pháp luật chứ không thể tránh được. Mặc dù như thế, Vương Thị và Từ Thị trong tâm vẫn cảm thấy rất buồn, luôn luôn rơi lệ thương xót. Vương Thị đặc biệt không vui khi nói về sai lầm của người khác.

Có lần Uông Huy Tổ nói về chỗ còn thiếu sót của người khác, Vương Thị liền nói: “Chỉ cần con có thể không phạm những lỗi lầm này là được rồi. Sai lầm của họ có liên quan gì đến con cơ chứ?” Không cho phép con trai mình nhắc lại lỗi lầm của người khác.

Từ Thị ngày thường luôn mặc áo giản dị, tự mình làm mọi việc. Gặp những năm thiếu thốn thức ăn, mỗi ngày đều tự mình dệt vải đem đổi được ba đấu gạo để làm kế sinh nhai cho cả nhà, cho dù bản thân mắc bệnh sốt rét cũng không chịu dừng lại. Một chiếc chăn bông dùng trên hai mươi năm vẫn chưa từng thay đổi.

Uông Huy Tổ chính là lúc nào cũng ở trong môi trường giáo dục, cảm hóa như vậy. Sự giáo dục của cha và mẹ đối với Uông Huy Tổ tạo nên ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc.

Năm Càn Long thứ hai mươi mốt (1756), Uông Huy Tổ thi đậu tiến sĩ, đảm nhận chức vụ tri huyện huyện Ninh Viễn Hồ Nam. Ông vừa là một vị quan thanh liêm hiền hậu, vừa thông thuộc sử sách, khi xét xử các vụ án thường rất thỏa đáng và công bằng.

Mặt khác ông lại vô cùng quan tâm đến nỗi khổ và sinh kế của dân chúng, luôn suy nghĩ cho bá tính, trở thành một vị quan nổi tiếng yêu dân. Nhớ lại những năm trước khi cha của ông Uông Giai dạy ông rằng muốn làm quan, thì trước tiên phải học làm người, xem ra ông vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của cha, và thực hiện chúng trong từng lời nói và việc làm của bản thân mình.

Trước kia, nhờ Vương Thị và từ Thị luôn nỗ lực đốc thúc con trai đọc sách, khiến cho Uông Huy Tổ về sau trở thành một học giả, được sách sử ghi nhận là “Bác văn thông thức” (kiến thức sâu rộng).

Ông thường nghiên cứu về các nhân vật nổi tiếng, soạn “Sử tính vận biên” (biên soạn lịch sử) sáu mươi bốn quyển, đem hai mươi bốn bộ sử tập hợp lại, kèm theo tên của nhân vật, bố trí theo mục lục, thuận tiện cho người đời sau tra cứu.

Còn có các tác phẩm như “Liêu Kim Nguyên tam sử đồng danh lục” (Ghi chép về ba triều đại Liêu Kim Nguyên), “Nguyên sử bản chứng” (Lịch sử triều Nguyên)…. Còn tham gia biên soạn cuốn “Tứ khố toàn thư tổng mục” (Bách khoa toàn thư về các lĩnh vực học thuật của Trung Quốc), thu thập các tác phẩm của người đi trước, được hơn bốn nghìn năm trăm loại, biên soạn tóm tắt ra những điểm trọng yếu, nộp lên cho người tổng phụ trách bộ “Tứ khố toàn thư” là Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam, được Kỷ Hiểu Lam đánh giá rất cao. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Thanh.

Người xưa có câu, Đạo là gốc để làm người. Hết thảy công danh, tài vận và phúc báo đều từ Đức mà sinh ra. Bởi vậy, muốn làm quan, muốn thành danh thì trước tiên cần phải học cách làm người tốt, thấu luật nhân quả, tích đức, hành thiện. Ông Trời luôn mang lại phúc báo cho người lương thiện, học cách chân chính “làm người”, không ngừng hoàn thiện bản thân, cuối cùng sẽ gặt hái được quả ngọt.

Nguồn: Epochtimes

Chân Nhiên biên tập