Hình tượng con hổ được phác họa là chúa tể sơn lâm. Do vậy, xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc và cả trong văn học. Các bậc anh hùng hào kiệt đều gắn với hổ. Năm Dần luận hổ – chúng ta cùng điểm lại một chút lịch sử nhé.
Vì ngoại hình của hổ to lớn, mạnh mẽ, phong cách oai vệ nên được gọi là chúa sơn lâm. Con hổ là một biểu tượng về sự dũng mãnh, bởi vậy rất tự nhiên, hổ đi vào văn chương và trở gắn liền với tên tuổi các bậc anh hùng.
1. Con hổ trong “Nhớ rừng” của Thế Lữ – mượn hổ tả tình người
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ về con hổ và tâm trạng của nó khi bị giam cầm, đã được nhà thơ Thế Lữ miêu tả trong kiệt tác “Nhớ rừng”. Đó là một con hổ với hình dáng oai hùng, đĩnh đạc:
“Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng, Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc…”
Nó là chúa tể của đại ngàn bát ngát, được những thần dân muôn loài muôn vật thừa nhận quyền uy tuyệt đối; trông sắc mặt nó mà hành động:
“Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc, Là khiến cho mọi vật đều im hơi. Ta biết ta chúa tể cả muôn loài, Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi…”
Thi hào Nguyễn Du từng viết “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, khi con hổ bị bắt về vườn bách thú, từ say sưa tung hoành chốn đại ngàn to lớn đến chán ngán vì bị giam cầm trong “những cảnh sửa sang tầm thường giả dối”, trong sự hoài công phí của mô phỏng chốn sơn lâm vĩ đại của con người; nhục nhã vì hàng ngày phải làm trò lạ mắt thứ đồ chơi cho đám người ngẩn ngơ, giương đôi mắt thiển cận khinh rẻ một vị chúa tể sa cơ; và bực dọc vì đồng hạng với những bọn gấu và cặp báo – những kẻ dở hơi, vô cảm và nhẫn nhục sống qua ngày mà không có lấy một chút hùng tâm tráng chí.
Dưới cái tựa “Nhớ rừng”, Thế Lữ đề: “Lời con hổ ở vườn Bách thú, tặng Nguyễn Tường Tam”.
Nguyễn Tường Tam là nhà báo, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập và cây bút chủ đạo của nhóm “Tự lực Văn đoàn” lừng danh, đồng thời cũng là một chính trị gia nổi tiếng. Ông là một nhân vật tài năng, có khí phách nhưng cuộc đời trải qua quá nhiều thăng trầm.
Như thế, dùng hình tượng của chúa sơn lâm để sánh với những nhân vật anh hùng. Trong văn chương, những phẩm chất về anh hùng hào kiệt được làm nổi bật lên nhờ những cuộc tranh hùng với hổ.
2. Những cuộc đấu vô tiền khoáng hậu giữa đại anh hùng – chúa sơn lâm
Võ Tòng đả hổ trên núi Cảnh Dương
“Đương khi nghiêng ngả thích tình, thì bỗng có một trận cuồng phong đưa đến, rồi nghe thấy ở đằng sau bụi cây có tiếng gầm lên dậy đất, đoạn rồi một con cọp rất lớn ở đâu xuất hiện ra…
Võ Tòng vội giật lùi lại vào khoảng hai mươi thước, vừa hay khi ấy hai chân trước của cọp ta vồ xoài xuống chỗ đất ở trước mặt Võ Tòng, chàng liền vứt văng gậy ra một bên, rồi vung hai tay ra nắm lấy bờm con hổ mà ấn xuống đất…
Hổ ta hết sức cựa dậy, song bị Võ Tòng cũng hết sức đè xuống, mà giơ gót cẳng nhè giữa mặt con hổ mà rọi lấy rọi để một hồi. Hổ tức mình kêu gầm rít lên, rồi hai chân sau cào đập cào xuống mặt đất, làm cho đống đất đằng sau lõm xuống hẳn như vũng sâu vậy. Mãi sau hổ ta mệt nhoài mệt lử không còn hơi sức nào cự lại được, Võ Tòng liền tay trái giữ chặt lấy bờm ấn xuống đất, rồi rút tay phải ra mà giơ những nắm đấm tay như sắt, hết sức bình sinh, đánh luôn cho năm bảy mươi quả đấm nữa…” (1)
Con hổ được Thi Nại Am miêu tả sống động, bút lực như thần. Suốt chặng đường vượt núi của Võ Tòng, khi thì người ta ẩn ý, có lúc công khai cảnh báo anh về con cọp dữ dã hại nhiều người. Nghe hăm dọa chưa đủ, lại đọc mấy lần yết thị của quan phủ trên đường đi mà Võ Tòng vẫn xăm xăm tiến lên núi. Danh tiếng của con cọp đi trước nó, càng làm nổi bật lên sự liều lĩnh của Võ Tòng.
Giả như Võ Tòng khi đó không uống say khướt, chẳng biết anh có ngại ngần trước một đối thủ siêu hạng như thế? Nhưng khi thật sự giáp mặt với một ác thú vậy thì có say ngất người cũng phải tỉnh dậy. Lúc này là cuộc chiến bất đắc dĩ một mất một còn trong trận tranh hùng có một không hai. Hùm thiêng càng dũng mãnh, Võ Tòng càng oai hùng. Võ Tòng không chủ động đi tìm diệt hổ để dương danh, nhưng con hổ dữ đã khiến danh tiếng của anh vang khắp giang hồ.
Cái đáng ca ngợi của Võ Tòng không phải chỉ ở chỗ diệt hổ dữ mà còn ở sự khiêm tốn không nhận công lao, không nhận phần thưởng, mà chia hết tiền thưởng cho cánh thợ săn đã bấy lâu hao xương tốn máu bởi con ác thú này.
Trong danh tác “Thủy Hử”, chẳng phải chỉ có Võ Tòng đánh hổ. Một hảo hán Lương Sơn khác là Lý Quỳ cũng đả hổ. Nhưng khác với Võ Tòng tay không đấm chết một mãnh hổ, Lý Quỳ dùng đôi song phủ chém chết đến bốn con cọp liền. Võ Tòng bị hổ chặn đường khi say rượu lơ mơ, còn Lý Quỳ uất hận vì mẹ bị cọp bắt ăn thịt mà lùng sục tìm diệt lũ ác thú.
Nhưng diệt hổ xem ra còn dễ hơn diệt lũ tham quan ô lại, con ác thú ngoài chốn hoang sơn dã lĩnh chẳng đáng sợ bằng ác thú chốn công đường, hổ dữ trong lòng người ta mới khiến Võ Tòng phải lao đao tù tội, cuối cùng lên Lương Sơn là giải pháp duy nhất:
“Đã sinh ra kiếp đa tài Đem thân đảm lấy việc đời mới cam Những khi thú độc sơn lâm Ở đời hổ dữ lang tham còn nhiều…” (2)
Cuộc đấu của Lưu Bá Khâm núi Lưỡng Giới với cọp dữ
Đường Tam Tạng sau biến cố đầu tiên trên đường đi lấy kinh, chưa kịp hoàn hồn vẫn buộc phải một mình một ngựa vượt núi Lưỡng Giới. Đang khi tăng nhân phát khiếp vì các loại quái thú, trùng độc, trăn lớn, mãnh hổ… thì một vị oai phong như sơn thần xuất hiện khiến lũ thú vật chạy mất và Tam Tạng thở phào vì có một người hộ tống thật dũng mãnh, tên tráng sĩ là Lưu Bá Khâm:
“Vượt qua sườn núi, bỗng nghe thấy tiếng gió rít ào ào, Bá Khâm nói: – Trưởng lão hãy dừng lại, ngồi tạm vào đây. Chỗ gió nổi ấy là có hổ báo đến đấy. Đợi tôi đi bắt nó mang về thết đãi ngài. Tam Tạng nghe nói, sợ hãi không dám cất bước. Thái Bảo tay cầm xoa sắt, bước nhanh lên đón đầu. Một con hổ đi đến trước mặt. Thấy Bá Khâm, nó quay đầu bỏ chạy. Thái Bảo hét một tiếng vang như sấm: – Nghiệt súc, chạy đi đâu!
Con hổ thấy Bá Khâm đuổi kịp, quay người tung vuốt chồm tới. Thái Bảo múa cây xoa ba mũi đến đánh. Tam Tạng sợ quá nằm dí xuống bãi cỏ. Từ khi mới sinh ra, Tam Tạng đã bao giờ trông thấy trận đánh nhau dữ dội như thế này đâu. Thái Bảo quần nhau với hổ trên sườn núi, người và hổ đấu nhau, thật quyết liệt:
Khí giận bừng bừng, Cuồng phong cuồn cuộn Khí giận bừng bừng, Thái Bảo ra oai khoe sức lực; Cuồng phong cuồn cuộn, hùm vằn trổ sức thổi mù tung. Bên này, nhe nanh múa vuốt, Bên kia, chuyển vuốt quay lưng, Xoa ba mũi tung hoành ngang dọc, Tựa nghìn hoa lấp lánh không trung Bên này, nhằm ngực đâm tới. Bên kia, vỗ mặt cắn vung. Đánh cho không đường về dương thế. Đánh cho hồn phải xuống âm cung … Hai bên đánh nhau một hồi lâu, con hổ đuối sức chùn vuốt, sụn lưng, bị Thái Bảo giơ mũi xoa đâm thẳng vào ức. Than ôi, mũ xoa sắt đâm thấu tim gan. Trong giây lát, máu chảy lênh láng. Thái Bảo tóm tai, lôi thẳng đến trước mặt Tam Tạng, mặt không biến sắc, miệng không thở dốc, thật là một trang hảo hán…” (3)
Trận đấu của Bá Khâm cũng gây khiếp đảm như trận đấu của Võ Tòng. Song nó chẳng phải ngẫu nhiên xuất hiện. Đường Tam Tạng đi đường là có Thần âm thầm bảo hộ. Sự xuất hiện của Bá Khâm là an bài của cõi trên để Đường Tăng vượt núi Lưỡng Giới, cho đến khi gặp được đệ tử đầu tiên: Tôn Đại Thánh đang bị đè dưới núi Ngũ Hành – chính là tay bảo vệ hàng long phục hổ thần thông quảng đại nhất suốt chặng đường lấy kinh. Tay này cũng đánh hổ, nhưng chỉ hời hợt một gậy là xong, chẳng mất đến nửa ngày như Lưu Bá Khâm. Vì người phàm dẫu mạnh đến đâu cũng còn cách quá xa so với năng lực của các Thần.
Hảo hán Trung Hoa đả hổ như thế, còn các hào kiệt nước Việt hàng phục cọp dữ ra sao?
Phùng Hưng làng Đường Lâm đánh hổ
“Bỗng vụt một cái, đất đá bay rào rào, sau một tiếng gầm inh ỏi, nó chồm tới vồ Phùng Hưng. Chỉ đợi có thế, nhanh như cắt, Phùng Hưng nghiêng người vung tay phóng mạnh cây lao. Ngọn lao phóng hết đà tay, bay vụt, sáng loáng như một ánh chớp, cắm ngập vào giữa ức hổ đang lù lù như một trái núi đổ tới. Hổ gào thét, mất đà rồi chúi đầu xuống sát ngay mặt Phùng Hưng. Thuận tay, Phùng Hưng túm chặt lấy đầu, rút nhanh con dao, xả một nhát chí mạng vào gáy nó. Trúng hai vết thương hiểm ác, hổ rống lên giãy giụa, cố chổm dậy. Nhưng Phùng Hưng cũng mang hết sức mình, ghì chặt đầu nó xuống đất. Người và thú dữ giằng co, quần thảo dữ dội…
Lúc dân làng nghe tiếng hổ gầm thét, hốt hoảng đốt đuốc rùng rùng kéo nhau chạy ùa ra rừng, thì trận đấu gần kết thúc.
Dưới ánh đuốc lập lòe, con hổ vằn lớn như con bò mộng đang nằm phủ phục, bốn chân giãy đành đạch lần cuối cùng. Và Phùng Hưng, mắt long sòng sọc như tướng nhà trời, tay nổi gân cuồn cuộn, xoạc chân ấn chắc đầu nó như đóng đinh xuống đất. Cây cỏ một vùng đổ nghiêng ngả, nát nhừ.” (4)
Phùng Hưng là vị thủ lĩnh của làng Đường Lâm, cầm đầu cuộc khởi nghĩa của người Việt chống lại sự đô hộ của nhà Đường. Câu chuyện ông đánh hổ căn cứ trên tài liệu văn sử trong cuốn cổ thư “Việt Điện U Linh tập” của Lý Tế Xương, là nguồn tham khảo chính của “Đại Việt sử ký toàn thư” phần ghi chép về Phùng Hưng:
“Xét Giao Châu Ký của Triệu Vương chép rằng: Vương họ Phùng tên Hưng, thế tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan Lang (man tục nay còn). Vương gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu; người em tên là Hải cũng có sức mạnh kỳ dị, vác được một tảng đá nặng mười nghìn cân, hay một chiếc thuyền con chở nghìn hộc mà đi hơn mười dặm; mọi người thấy vậy đều kinh hãi…” (5)
Phùng Hưng đánh đuổi người phương Bắc, đem lại độc lập trong 7 năm cho nước Nam cho tới khi ông mất. Khi mất rồi vẫn thường hiển linh bảo hộ dân chúng, sau lại điều khiển âm binh trợ giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Xem ra nước Nam thời xưa cũng có lúc nảy sinh ra các vị hào kiệt oai hùng kém gì đất Bắc.
Hổ được mượn hình tượng để làm nổi bật lên sự dũng lược quả cảm của các anh hùng hào kiệt, nhưng hóa ra hổ cũng được thơm lây. Ngược lại, có lúc e rằng hổ dữ cũng phải “xấu hổ” nếu nó biết bị so sánh với một số người khác về độ dữ dằn.
Hổ dữ không ăn thịt con, nhưng…
Dân gian có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”. Loài hổ dữ tợn, là nỗi khiếp đảm của nhiều người và động vật, nhưng đa phần nó chỉ giết chóc vì nhu cầu sinh tồn chứ hiếm khi lấy tàn sát làm vui. Và dù có hung dữ thế nào đi nữa, thì loài hổ vẫn yêu thương và bảo vệ con nhỏ của nó. Đến con hổ còn như vậy, chắc hẳn con người phải hết lòng yêu thương, chăm sóc và bảo vệ con mình.
Vậy mà buồn thay, ngày nay không hiếm người làm cha mẹ vì ích kỷ tư tâm hoặc lấy con cái làm chỗ trút nỗi hận cuộc đời, mà phá thai, bỏ rơi con cái, đánh đập hành hạ con như đòn thù, thậm chí có người bao che cho nhân tình giết hại con mình v.v. Điều gì đã xui khiến họ làm những việc bất nhân thất đức như vậy? Và làm sao để con người khởi lên được lòng tốt, lòng nhân ái trong xã hội ngày nay?
Nhân Quả báo ứng xưa nay chỉ có nhanh chậm chứ không thể không đến, loài hổ cũng biết chọn lựa người thất đức để ăn thịt, còn người lương thiện thì chúng bỏ qua.
3. Câu chuyện về hổ dữ không hại người lương thiện
Thượng thư Bộ Lễ, Đại học sĩ triều Thanh – Kỷ Hiểu Lam đã kể lại một câu chuyện trong tác phẩm “Duyệt Vi thảo đường bút ký” của ông. Chuyện này ông nghe được từ một người giúp việc lương thiện tên là bà Trương. Chuyện như sau:
Bà Trương có một người họ hàng rất nghèo khổ, phải bỏ quê hương đi cầu thực. Anh ta bị lạc trong núi, gặp một đám người hình dáng dữ tợn hung ác, sợ quá bèn vái lạy khóc lóc kể rõ hoàn cảnh. Người cầm đầu nghe xong thông cảm, nói rằng: “Anh không phải sợ, ta không làm hại anh. Ta là Thần Hổ, hôm nay đến đây là để phân phối thức ăn cho hổ. Lát nữa hổ ăn thịt người xong, anh hãy thu lấy y phục, đồ đạc của người đó là có thể đủ nuôi sống bản thân rồi”.
Sau đó ông ta ra hiệu tập hợp một bầy hổ, phát ra khẩu lệnh kỳ lạ, rồi bầy hổ tản đi, nhưng có một con được lệnh nằm phục trong bụi cây. Một người gánh đồ tiến đến, con hổ định vồ nhưng lùi lại, người kia không hề biết vẫn nhởn nhơ quẩy đồ đi tiếp. Sau đó xuất hiện một người phụ nữ, con hổ lanh lẹ vồ lấy cô ta rồi ăn thịt, và người nghèo kia được Thần hổ cho hưởng số bạc của người phụ nữ.
Thần hổ giải thích rằng: “Hổ thực tế là không ăn thịt người, mà chỉ ăn thịt cầm thú. Những người mà bị hổ ăn thịt đều là cầm thú trong loài người”.
Đại để người mà thiên lương chưa mất thì trên đầu ắt có linh quang, hổ nhìn thấy ắt sẽ tránh. Người đã mất hết thiên lương thì linh quang cũng hết, không khác gì loài cầm thú, hổ sẽ vồ và ăn thịt.
Ví như người đàn ông gánh đồ kia, thường ngày xem ra cũng là phường hung dữ, cũng cướp đồ của người ta, nhưng sau khi cướp đồ của người thì anh ta lại đem tiếp tế người già cô quả và trẻ mồ côi, khiến những người đó thoát khỏi đói rét, vì vậy trên đỉnh đầu anh ta vẫn còn một luồng linh quang lớn bằng viên đạn, hổ không dám tấn công anh ta.
Còn người phụ nữ đi sau đó, là người đã bỏ chồng theo trai, sau khi cải giá còn ngược đãi con của người vợ trước của chồng, thường xuyên đánh cậu bé rách da nát thịt khắp người. Cô ta còn lấy trộm tiền của người chồng sau, chính là số bạc cô ta giấu trong ngực đó. Cô ta luôn luôn làm những việc xấu như thế, chỉ tích tồn tội ác, nên trên đầu đã mất hết linh quang, do đó hổ nhìn thấy người này không còn là con người nữa, lẽ đương nhiên sẽ vồ ăn thịt.
Hôm nay anh đã gặp được ta, cũng là do anh đã phụng sự mẹ kế rất hiếu thuận, đã không lấy vợ để dành khẩu phần lương thực đó nuôi mẹ kế. Thiện hạnh của anh khiến linh quang trên đầu anh cao hơn một thước, do đó ta gọi hổ đến giúp anh vượt qua khó nạn, mà không phải là do anh quỳ bái lạy ta, cầu xin ta. Hãy làm nhiều việc thiện, nhất định sẽ có hậu phúc”.
Nói xong, Thần Hổ bèn chỉ dẫn phương hướng để anh ta quay trở về nhà. Bà Trương được nghe anh ta kể lại câu chuyện. Khi đó ở nhà bà Trương có một người vợ của một người nô bộc, người này thường ngược đãi đứa cháu mồ côi mới lên năm tuổi của ả. Nghe được câu chuyện này do bà Trương kể, người này liền thay đổi thái độ đối xử với đứa cháu.
Cuối câu chuyện, Kỷ Hiểu Lam có nói: “Thánh nhân thông qua Thần, Đạo để giáo hóa dẫn dắt thế nhân, quả thực có đạo lý sâu sắc”.
4. Con hổ Nhâm Dần ắt hẳn cũng không làm hại người lương thiện
Những năm Nhâm Dần trong lịch sử nước ta thường gắn với những sự kiện quan trọng. Những năm cải cách trong hòa bình độc lập, có những năm binh đao loạn lạc; lại có năm mở đầu một thời đại khổ đau như năm Nhâm Dần 42 sau công nguyên, khi cuộc nổi dậy của hai chị em Trưng Nữ Vương bị Mã Viện dẹp tan, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2 của xứ Giao Chỉ.
Năm Nhâm Dần 2022 cận kề khi thế giới vẫn đang chìm trong khủng hoảng với nhiều đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống loài người; từ dịch bệnh, thiên tai, nạn đói, chiến tranh, kinh tế khủng hoảng v.v. Liệu có thể hy vọng con hổ Nhâm Dần 2022 là một con hổ an lành được không? Thực ra, điều ấy phụ thuộc vào chính mỗi chúng ta.
Những con hổ vừa kể trên không thể làm hại được người có Thần Phật bảo hộ. Thiển nghĩ, muốn được Thần Phật bảo hộ thì hoặc phải là người can đảm trọng nghĩa khinh tài như Võ Tòng, Lưu Bá Khâm; người anh hùng hết lòng vì quốc gia, bách tính như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; người có tín ngưỡng, đức tin mạnh mẽ vào Thần Phật như Đường Tam Tạng; hay dù là người thường cũng phải là người lương thiện, những người có quầng sáng trên đầu như những nhân vật trong câu chuyện của Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam.
Có câu, “văn dĩ tải Đạo”, văn chương không chỉ để giải trí mà nhiệm vụ trước tiên và trên hết là truyền tải đạo lý, giúp con người hướng thượng, sống tốt hơn. Hình tượng con hổ trong văn sử thật sống động hấp dẫn thú vị, nhưng cũng nhiều điều đáng suy ngẫm lắm thay.
(Nguồn: NTD VN)