Nguồn: SOH

Văn Hóa

Năm kiểu người đáng để kết thâm giao, gặp được nhất định phải trân quý

By Lan Hòa

July 05, 2021

Mạnh Tử từng nói: “Bạn bè kết giao với nhau không cậy lớn bé, không cậy địa vị, cũng không cậy để có anh em gần gũi. Bạn bè là kết bạn về đức hạnh, không phải là để cậy nhờ điều gì”, con người ta sống ở đời không thể tách rời bạn bè. Tình bằng hữu với nhau chính là trái ngọt kết tinh từ những mối quan hệ giao tiếp giữa con người với con người.

Ở đời, để có một tình bạn, mối quan hệ chân chính đâu phải việc dễ dàng, bởi vậy có được người bạn tri kỉ đã là may mắn lớn của đời người. Một người nếu có những đức tính dưới đây, khi có duyên gặp mặt thì nhất định phải trân trọng, đáng kể kết thâm giao:

1. Người có thể đồng cam cộng khổ

Trong cuộc sống, “cộng khổ”, cùng nhau vượt qua nguy nan, thử thách, thường thường là việc dễ thấy. Bởi vì một khi gặp khó khăn, những người có cùng cảnh ngộ, cùng điều kiện hoàn cảnh như nhau thì nhất định sẽ muốn phối hợp với nhau để đi đến thành công.

Nhưng sau khi thành công rồi, thì “đồng cam”, cùng hưởng thành quả mình đạt được, rất nhiều khi lại là việc khó mà không phải ai cũng có thể làm được.

Có rất nhiều trường hợp, những người cùng chung chí hướng, cùng gây dựng sự nghiệp khi gặt hái được thành quả liền trở nên bất hòa và phản bội lẫn nhau. Đây không phải vì không thể “cộng khổ”, mà là không thể “đồng cam”.

Khi đối mặt với lợi ích thiết thân trước mắt, người ta thường quên mất đi khoảng thời gian cùng nhau nếm trải khó khăn vất vả, làm nên thành tựu.

Bởi vậy, có thể ở trước lợi ích mà vẫn giữ được một tâm thái bình thản, giữ cho mình một trái tim lý trí, vẫn có thể chia ngọt xẻ bùi, thì đó là người có thể tin tưởng, đáng để kết thâm giao.

2. Người không mang tâm tật đố, có tấm lòng bao dung, dễ dàng tha thứ

Tâm đố kỵ là con dao hai lưỡi, thực sự là hại người hại mình. Mỗi người đều có ưu điểm và mặt vượt trội hơn người khác. Người có tâm tật đố thấy người khác hơn mình thì luôn cảm thấy bất bình trong tâm, tâm lý mất đi sự cân bằng. Thậm chí, có người bởi vì có tâm tật đố mà sinh ra tà niệm, nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để hãm hại người khác.

Người không mang tâm so đo, đố kị khi thấy người khác được thì giống như mình được, thấy người khác mất thì giống như bản thân mình mất. Họ sẽ luôn nhìn thấy ưu điểm và những đức tính tốt đẹp của bạn, vui vẻ khích lệ để bạn tận dụng được ưu điểm mà gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Bởi vì không đố kỵ nên nội tâm họ cũng rộng rãi khoáng đạt, dễ dàng bao dung và tha thứ, khi thấy người khác gặp chuyện không vừa ý thì họ có lòng thương cảm, đồng cảm.

Lúc họ nhìn ra khuyết điểm, những thiếu sót của người khác thì họ không ghét bỏ, chê bai mà trước tiên là thiện ý chỉ ra, chân thành khuyên bảo để họ cải thiện bản thân.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta có thể kết giao với những người bạn như vậy, sẽ luôn cảm thấy ấm áp vì được họ truyền năng lượng của sự bao dung và vị tha.

3. Người biết giữ chữ tín

Khổng Tử có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã” ý tức nói, người không đáng tin cậy, chẳng làm được việc gì.

Nhân sinh tại thế, thủ tín là quan trọng nhất, làm người cần phải thiết thực, phải có trách nhiệm với lời nói cũng như hành vi của mình, nói chuyện phải nói lời Chân thật, làm việc cũng cần đến nơi đến chốn, cho dù nghèo khổ cũng không thể đánh mất chữ tín, không có tín thì chỉ có thể giữ được lợi ích nhất thời nhưng nhất định sẽ không có được lợi ích bền lâu.

Chữ tín luôn là cái vốn ở đời, làm người không có chữ tín hỏi liệu có ai muốn kết giao? Bởi vậy, tín chính là tài sản lớn nhất của đời người, có thể lấy được sự tín nhiệm, lòng tin của mọi người chính là tài sản vô giá.

4. Người có nhân phẩm tốt

Nhân sinh vô thường, con người sống ở thế gian, tiền tài, danh lợi, quyền uy đều không phải là vị trí số một, nhân phẩm cốt cách làm người mới là quan trọng nhất.

Ở đời, làm bất kể sự việc gì, có thể nhận được sự tín nhiệm của đối phương hay không đều do nhân phẩm quyết định, một người có nhân phẩm tốt, luôn hết mình giúp đỡ người khác bằng tấm lòng thiện tâm chân thành, người xem trọng thành tín, thường nhận được sự tín nhiệm của người khác, người có nhân phẩm kém thì luôn xem lợi ích là trên hết, sống ích kỉ vị tư, chỉ biết đến bản thân mình, nói một đằng làm một nẻo.

Nhân phẩm là xuất phát từ nội tâm bên trong, hành vi là bên ngoài, bên trong phải tốt tự nó sẽ tôn lên vẻ bề ngoài, cuộc sống sẽ càng có thêm nhiều lựa chọn, suy cho cùng con người không có nhiều tiền bạc vẫn không phải vấn đề lớn, có câu: “nghèo thì lâu, giàu mấy chốc”, nhưng nếu như không có nhân phẩm, vậy thì ai cũng sẽ xem thường và không muốn kết giao.

5. Người biết cho đi mà không cần nhận lại

Có câu: “Người biết cho đi là người hạnh phúc nhất”.

Những người không nỡ cho đi bất cứ thứ gì, cuối cùng họ cũng sẽ chẳng có được gì, thậm chí còn đánh mất đi những thứ quan trọng hơn, đó là tình cảm và những mối quan hệ thâm giao.

Ngược lại, người biết cho đi, chắc chắn chúng ta sẽ nhận lại sự đền đáp ngay lập tức, đó là sự thanh thản, niềm hạnh phúc, vui vẻ trong tâm hồn.

Những người biết cho đi có thể sẽ phải chịu một chút thiệt thòi, thậm chí đôi khi là một chút tổn thương, nhưng từ trước đến giờ họ chưa bao giờ hối hận, bởi vì họ hiểu được một đạo lý nhân sinh bất biến: “Cho đi chính là nhận lại”.

Có thể, họ không nhận được sự báo đáp, thậm chí có người còn vong ân bội nghĩa song những việc này chẳng ảnh hưởng đến lòng tốt và sự lương thiện cũng như sự “cho đi” của họ, bởi đối với họ, cốt cách và nhân phẩm làm người là tài sản quý giá nhất trong đời.

Những người biết cho đi bởi vậy thường sẽ có nhiều mối quan hệ, thứ họ nhận được là số lượng bạn bè “chất lượng” tăng lên từng ngày.

Họ thực sự là những người tử tế, có thể gặp được và kết giao trong đời, đó là thiện duyên, và là điều may mắn nhất trong đời, chúng ta cần nâng niu trân trọng. Làm bạn với những người như thế, họ sẽ giúp cho ta sống biết yêu thương, cuộc sống nhờ vậy mà đẹp đẽ muôn phần.

 

Lan Hòa tổng hợp và biên tập