Ảnh: SOH

Văn Hóa

Đằng sau “nam nữ thụ thụ bất thân” còn một vế câu mang hàm nghĩa thú vị

By Lan Hòa

March 21, 2022

Người xưa hay nhắc đến câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” khi nhìn thấy nam nữ có cử chỉ thân mật quá mức. Nghĩa là, nam nữ nên giữ khoảng cách thích hợp, nếu không phải nam nữ có cùng huyết thống hoặc vợ chồng, thì không được tùy ý tiếp xúc thân thiết.

Ngày nay có người sẽ cười và cho rằng: “Bây giờ là thời đại nào rồi mà còn lấy câu này ra để nói?”, cho rằng đó là lạc hậu, lỗi thời nhưng đây lại là lễ nghi vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống, như một bức tường thành vững chắc, duy trì nền tảng đạo đức của người xưa.

Nguồn gốc của “Nam nữ thụ thụ bất thân”

Câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” xuất phát từ ghi chép trong “Mạnh Tử – Ly Lâu thượng”.

Mạnh Tử là một học giả, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những luận bàn giữa học giả với học giả. Nước Tề có một người biện luận tên là Thuần Vu Khôn, ông ta rất thích tìm ai đó để thảo luận về một số chủ đề.

Một lần, ông đến thăm Mạnh Tử và hỏi: “Thưa ngài, một số người nói rằng đàn ông và phụ nữ không thể trực tiếp trao và nhận vật phẩm bằng tay, đó là một hành vi đúng đắn. Điều đó có đúng không?”

Mạnh Tử đáp: “Đúng, đây là một cách cư xử đúng mực”.

Thuần Vu Khôn hỏi tiếp: “Vậy nếu chị dâu của tôi chẳng may rơi xuống sông, tôi có thể dùng tay cứu chị ấy được không?”

Mạnh Tử đáp: “Nhìn thấy chị dâu rơi xuống nước mà không cứu, thì thật là độc ác và tàn nhẫn. Giữa nam và nữ không nên trực tiếp trao và nhận vật phẩm bằng tay là lễ nghi, nếu chẳng may chị dâu rơi xuống sông thì hãy dùng tay để cứu. Bởi vì giải cứu là một biện pháp khẩn cấp, cần biết rằng trong tình huống đó tính mạng con người đang bị đe dọa”.

Thuần Vu Khôn lại hỏi Mạnh Tử: “Khi ngày nay thiên hạ bách tính đang chìm trong dòng nước dữ của bạo quyền, vậy tại sao ông không đứng ra cứu vãn? Lẽ nào ông vẫn còn cố chấp với cái gọi là đạo lễ thông thường, và bị kìm hãm bởi tiết độ của văn nhân? Không chịu diện kiến chư hầu, thờ ơ nhìn dân chúng đau khổ?”

Mạnh Tử mỉm cười và đáp: “Để cứu dân chúng bị mắc kẹt trong bạo quyền, ngươi phải dùng đạo lý về nhân nghĩa để cảm hóa quân vương mà cứu giúp dân chúng. Nếu chị dâu của ngươi bị chết đuối, ngươi có thể gạt phép xã giao sang một bên và ra tay cứu giúp. Nhưng ngươi không bao giờ có thể bảo ta từ bỏ đạo lý.”

Phía sau “nam nữ thụ thụ bất thân” còn một vế câu

Tương truyền Khổng Tử là người sáng lập ra Nho giáo, rất coi trọng lễ giáo. Mạnh Tử đã kế thừa, phát triển những tư tưởng của Khổng Tử, và trở thành thế hệ bậc thầy của Nho giáo chỉ đứng sau Khổng Tử. Ông được gọi là Mạnh Á thánh, hay là Mạnh Tử lâm, kết hợp với Khổng Tử thì được gọi thành “Khổng Mạnh”.

“Nam nữ thụ thụ bất thân” là lễ nghi trong gia đình quyền quý, được quy định trong kinh điển của Nho giáo, dùng để chỉ việc đối xử giữa nam và nữ mà không cùng huyết thống hoặc không phải là vợ chồng. Ban đầu là chỉ nam nữ không có quan hệ hôn nhân thì không được giao vật phẩm cho nhau, sau này là chỉ giữa người khác giới nên giữ một khoảng cách nhất định.

Tuy nhiên, tư tưởng Nho giáo cho rằng “Nam nữ thụ thụ bất thân” có thể được dung thứ trong những hoàn cảnh đặc biệt. Ví như, khi một người nam nhìn thấy một nữ tử bị đuối nước, thì anh ta nên đưa tay ra giúp đỡ, không cần câu nệ lễ giáo và không được tiếp xúc thân thể quá mức, vì đây là đạo lý cơ bản liên quan đến sự nguy hiểm tính mạng.

Lời của Mạnh Tử: “Thiên hạ đang chìm đắm, dùng Đạo để giúp đỡ; chị dâu bị chìm đắm, tự tay cứu giúp”. Được dịch sang từ ngữ hiện đại chính là: Tình hình không yên ổn của thế giới nên được giải cứu bằng đại Đạo, chị dâu rơi xuống nước, chỉ cần đưa tay ra là có thể cứu được. Đó chính là ý nghĩa câu tiếp theo của “Nam nữ thụ thụ bất thân” – “Tẩu nịch viên chi dĩ thủ”.

Có điều, cùng với sự phát triển của xã hội, con người ngày càng thờ ơ với lễ giáo của Nho gia, khoảng cách giữa nam và nữ cũng ngày càng buông lỏng. Nên đối với những câu nói người xưa truyền lại, nhiều người hiện nay chỉ biết câu thứ nhất mà không biết câu thứ hai.

Xã hội hiện nay đối với lễ nghi giữa nam nữ

Thời đại hiện nay, đại đa số đều không muốn có một sự câu thúc gò bó nào, luôn thích một cuộc sống “tự do”, đương nhiên cũng bao gồm luôn cả mối quan hệ nam nữ trong đó.

Trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài, “Nam nữ thụ thụ bất thân” đã duy hộ cho quan hệ nam nữ trong xã hội không sớm bị bại hoại, khởi tác dụng chính diện trong việc ổn định kết cấu gia đình của xã hội. Mặc dù trong một số trường hợp, nó đã gây ra các nhận định và thói quen cứng nhắc, nhưng cốt lõi của quy tắc này lại không hề sai lầm.

Xã hội ngày nay, nếu lại khởi xướng lễ nghi về “nam nữ thụ thụ bất thân” thì có lẽ đã không còn có cách nào thực hiện được, nhưng nếu có thể lý giải được những tinh túy trong lễ nghi này, đối với việc điều chỉnh và uốn nắn lại sự tùy tiện giữa nam và nữ hiện nay thì chắc chắn sẽ khởi được tác dụng rất tích cực, bởi vậy mới thấy, cổ nhân xưa đối đãi với nghi lễ giữa nam và nữ quả thực sâu sắc.

 

Lan Hòa tổng hợp/biên tập