Nguồn ảnh: Dân trí

Làm Cha Mẹ

Nàng tiên cá – cái kết đã bị thay đổi và bài học giáo dục cho trẻ

By Đăng Dũng

June 19, 2021

Ngày còn bé, tôi ấn tượng với hai truyện cổ tích của Andersen có kết thúc buồn là truyện cô bé bán diêm và nàng tiên cá. Cô bé bán diêm phải chết trong lạnh giá. Điều an ủi duy nhất là tuy phải chết nhưng lúc đó cô bé đang mơ một giấc mơ đẹp, còn nàng tiên cá tan biến thành bọt biển, sao mà thấy buồn buồn, không có một “happy ending” như những truyện khác.

Giờ đây, truyện nàng tiên cá đã được biến đổi, cả ở trên phim hoạt hình của Disney lẫn trong truyện xuất bản đang bán ngoài thị trường. Nàng tiên cá cùng hoàng tử và những người bạn của mình đã chiến đấu chống lại mụ phù thủy Ursula và đương nhiên giành thắng lợi, sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Một kết thúc cũng như những truyện cổ tích khác làm hài lòng tất cả mọi người nhưng sao tôi thấy nó cứ nhạt nhạt thế nào ấy, không đọng lại điều gì cả. Điều duy nhất đọng lại với các bé có lẽ là hình ảnh các nàng công chúa thật xinh xắn, đáng yêu, khá thụ động, khóc lóc và hay nhận được sự giúp đỡ của người khác. Hoàng tử thì luôn đẹp trai, dũng cảm, đầy vị thế.

Nhận ra lối mòn này, Disney đã thay đổi và xây dựng hình tượng các nữ nhân vật mạnh mẽ, dám đứng lên đấu tranh bảo vệ hạnh phúc của mọi người như nhân vật Moana, Elsa- Anna cũng như hình tượng nụ hôn biểu tượng, giải quyết nút thắt không phải xuất phát từ chàng hoàng tử nào đó mà từ tình yêu thuần khiết hơn như tình chị em.

Nhưng đôi khi, Disney cũng rất phóng khoáng xây dựng các nhân vật phim hoạt hình.. Nhân vật công chúa Rapunzel trong phim Công chúa tóc mây rất đáng yêu, dễ thương và kết thúc truyện nàng lấy tên trộm Rider (Rider thực ra là tên trộm của trộm, lẽ dĩ nhiên Rider biết nếu đưa vương miện vừa chôm được cho hai tên trộm thì bọn chúng cũng hớt tay trên và bỏ rơi mình nên anh ta hớt tay trên trước).

Vẻ trong sáng, thánh thiện của Rapunzel đã cảm hóa Rider và hai nhân vật đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn, yêu và cưới nhau. Nhưng liệu cuộc sống sau này của hai người có một “happy ever after – hạnh phúc mãi mãi về sau” không? Điều này có thể không rõ nhưng một điều rõ ràng những hình tượng trong phim hoạt hình, truyện cổ tích có ảnh hướng rất lớn đến tâm hồn, tính cách, thế giới quan của trẻ.

Ý nghĩa sâu sắc trong truyện cổ tích ở Andersen đã bị thay đổi quá nhiều để phù hợp với thị hiếu của khán giả, không còn nàng tiên cá dũng cảm dám đánh đổi những thứ trân quý để có được cơ hội theo đuổi tình yêu. Cô gái kiên cường thà chịu những bước đi đau như ngàn vạn kim châm mà không kêu lấy 1 tiếng, chỉ để có khoảng thời gian 3 tháng bên người mình mong nhớ…

Và chàng hoàng tử, liệu người đó có xứng đáng có được người con gái dũng cảm ấy. Chàng ta đã có tình cảm với nàng tiên cá nhưng không đủ tỉnh táo để nhận ra tình cảm thật của mình. Chỉ 1 lần gặp mặt và kí ức mơ hồ lại đủ để chàng ta gán ghép người con gái đã cứu mình với cô công chúa làng giềng kia để rồi yêu cô ta, khiến nàng tiên cá vô cùng đau khổ.

Một lần nữa đứng trước cơ hội đâm hoàng tử để được trở về với vua cha và các chị, nàng đã không làm vậy mà lựa chọn hy sinh hạnh phúc của bản thân. Nàng quả là một nhân cách cao đẹp. Và như vậy, truyện cổ tích trở nên sâu sắc, đẹp và đời hơn rất nhiều…

Thanh Tú biên tập