Chưa được phân loại

NẾM ĐỦ 3 VỊ ĐẮNG NÀY, TRẺ SẼ NHẤT ĐỊNH HƯỞNG PHÚC

By Đăng Dũng

August 17, 2020

Cha mẹ luôn mong muốn con cái khi lớn luôn may mắn, hạnh phúc nhưng làm thế nào để trẻ có được điều đó thì một phần quan trọng lại phụ thuộc vào chính cách giáo dục của cha mẹ. Bạn có dám để con chịu khổ để rồi hưởng phước lành? Và  làm thế nào để con “khổ” đúng phương cách?

Muốn trẻ trưởng thành thì trẻ bắt buộc phải “nếm” những vị đắng của cuộc sống. Bởi chả có con đường nào dẫn đến thành công được trải bằng hoa hồng cả. Chúng cần phải được tôi luyện cho đến trưởng thành giống như câu nói của Mạnh Tử: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho một người, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy”.

Nếm đủ khổ rồi thì sẽ có hạnh phúc, nếm được vị đắng thì mới thấy trân quý vị ngọt. Vì vậy nhất định cần cho trẻ trải qua những đắng cay này để tương lai trẻ thật sự xuất sắc.

Chăm chỉ đọc sách và lao động

Lợi ích của việc đọc sách đem lại đã quá rõ: Nâng cao kiến thức, nhìn xa trông rộng, tìm ra được lối thoát trên con đường nhân sinh, thay đổi vận mệnh con người. Do đó hãy để con bạn đọc sách hàng ngày.

Một cuốn sách có thể chứa kho tàng kiến thức của hàng thập kỷ, đọc một ngày có lợi một ngày. Nhưng thiên tính trẻ con thường thích chạy nhảy vui chơi và chúng chưa thể biết được lợi ích to lớn của việc đọc sách nên cha mẹ hãy giúp con bằng cách làm gương để hình thành cho trẻ văn hóa đọc, giải thích cho trẻ lợi ích của việc đọc sách.

Nhưng đừng biến trẻ thành con mọt sách, chỉ biết đọc và đọc. Hãy giúp trẻ định hướng, phân loại theo sở thích của con và nó thực sự tốt cho con , bước này đòi hỏi cha mẹ cần kiên nhẫn để dẫn dắt con. Khi trẻ đã hình thành được thói quen này bạn sẽ phát hiện tiềm năng vô hạn của con.

Giống như Gia Cát Lượng đã nói: “Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi”. Ý tứ là khi còn trẻ cần cố gắng nỗ lực tự cường nếu không về già sẽ sẽ hối hận đau thương. Vậy nên cần cho trẻ lao động và hình thành văn hóa đọc ngay khi còn nhỏ.

Trải nghiệm cuộc sống khó khăn để con hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Xã hội hiện tại, đa phần trẻ em có đời sống tốt, không còn cảnh chỉ cần ăn đủ no, mặc đủ ấm. Mà ăn cho ngon mặc cho đẹp. Tuy nhiên nhiều trẻ em hiện nay, thường kén chọn đồ ăn và không biết quý đồ ăn. Có đồ ăn, trẻ thích thì lấy, thậm chí không ăn cũng lấy dẫn đến lãng phí đồ ăn vì trẻ chưa nếm trải được những vất vả, khó khăn trong đời sống của cha mẹ là như thế nào. Chúng đã quen với cuộc sống đầy đủ mà cha mẹ cấp cho. Vì vậy cha mẹ cần cho con trải nghiệm một chút gian khổ của cuộc sống. Khổ ở đây không phải để trẻ đói, khát mà hãy chỉ con con biết tiết kiệm đồ ăn để trẻ biết cách làm việc, làm người có chừng mực. Con có thể sẽ không trở thành người vĩ đại phi thường, nhưng con cần hiểu được làm thế nào để không phô trương, lãng phí và trở thành người hạnh phúc. Khi trẻ trải qua khó khăn, cay đắng một thời gian, chúng sẽ dễ dàng đứng lên từ thất bại, còn nếu để chúng sợ khổ, thì chúng sẽ đau khổ suốt đời. Bài học tiết kiệm, trân quý hiện tại tuy đơn giản nhưng mang lại những giá trị thiết thực cho tương lai của trẻ.

Để trẻ chịu khổ về tiền bạc để khi chúng lớn lên sẽ hiểu rằng tiền kiếm được không dễ

Ngày nay, việc trẻ con có tiền tiêu vặt là chuyện khá phổ biến. Nhiều bậc cha mẹ cho con cái tiêu tiền không tiếc tựa như tiền của chúng tự làm ra vì mong muốn con được bằng bạn bằng bè. Thậm chí còn so sánh con cái của nhau, trở thành một “cuộc chạy đua về tiền bạc”. Trẻ thì chắc chắn chưa thể hiểu được cha mẹ đã vất vả như thế nào mới kiếm được tiền. Chúng chỉ biết xin tiền của cha mẹ. Chúng quen xin tiền, xin tiền mà không biết nỗ lực và lao động là gì… và chính những đồng tiền này dễ khiến trẻ sa ngã.

Vì vậy về mặt tiền bạc cha mẹ cần đặc biệt nghiêm khắc với trẻ. Giúp con hiểu được khó khăn và ý nghĩa của đồng tiền kiếm được. Hãy nói với con về cách mà bạn chi tiền. Bạn dùng tiền để đầu tư, hay tiết kiệm, hay chỉ chi vào những thứ thật sự cần thiết? Cùng trẻ trò chuyện và để trẻ tham gia vào quá trình đưa ra quyết định của bạn. Có lẽ khi bạn đi rút tiền, con bạn sẽ chỉ nhìn thấy tiền từ trong cây ATM rơi ra và nghĩ rằng cha mẹ được cho tiền. Vậy nên hãy chia sẻ với trẻ về việc ngân hàng cầm tiền giúp bạn và bạn đã kiếm tiền khó khăn như thế nào. Khi con lớn hơn, cha mẹ hãy chú ý đến sự thay đổi suy nghĩ của trẻ về tiền bạc, để chúng sẽ không bị trói buộc và “hoa mắt” vì tiền, cũng không sẵn sàng liều mạng để kiếm tiền. Hãy cho con hiểu rằng, tiền cần có nhưng không phải tất cả việc kiếm tiền không dễ nhưng có nhiều cách để kiếm, còn sinh mệnh này thì chỉ có một mà thôi.

Nếu trẻ đã nếm trải 3 cái khổ kể trên thì thật tuyệt vời vì nó chỉ có lợi cho trẻ mà không có điều hại nào. Có bao nhiêu cha mẹ đã cho con “trải nghiệm cay đắng” này?

Biên tập: Tiểu Liên

Nguồn: bannedbook.org