Nguồn ảnh: Secretchina

Văn Hóa

Nghe âm nhạc để biết nội tâm của chính con người mình

By Đăng Dũng

March 04, 2021

Văn hóa truyền thống ẩn chứa rất nhiều nội hàm văn hóa huyền bí, trí tuệ cao siêu, nó không đơn giản như những thứ bề mặt, và âm nhạc cũng là một trong số những thứ ấy.  Âm nhạc có mạch chảy  từ ngàn năm, có sự sống, có linh hồn, thông qua âm nhạc có thể phản ánh ra nhân phẩm của người sáng tác nhạc và người nghe nhạc, đồng thời cũng có tác dụng quy chính lại đạo đức con người.

Hàng ngàn năm qua âm nhạc luôn thể hiện ra vẻ đẹp tuyệt mỹ, cao thượng và trí tuệ của con người. Bao hàm sự hài hòa giữa con người vạn vật “Thiên nhân hợp nhất”. Trong âm nhạc phản ánh trong đó vũ trụ quan nhân sinh quan và đạo đức quan và sự tương thông giữa con người và đất trời.

Thông qua âm nhạc đều có thể biết được văn hóa triều đại, sự thịnh suy cũng như văn hóa từng dân tộc, vùng miền. Từ người sáng tác, cũng như người biểu diễn, đều có thể phản ánh ra những suy nghĩ vui buồn, cảnh giới tư tưởng.

Kinh Dịch có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; nghĩa là phản ánh nội tâm của một người được thông qua sự cộng hưởng bởi những âm thanh giống nhau, hương vị giống nhau và có thể tạo nên sự hòa hợp hoặc bất hài hòa. Vậy nên thông qua âm nhạc cũng phản ánh ngược lại nội tâm của người đó. 

Bản thân trong con người luôn có hai phần thiện ác, chính tà, mà chính và tà là hai nhân tố khắc nhau như nước với lửa vậy, chính có thể duy trì sự phát triển và thịnh vượng, tà khiến xã hội đấu đá và đi đến lụi tàn.

Trong âm nhạc cũng vậy nó như là con dao hai lưỡi như vậy, nên âm nhạc phóng túng sẽ gây hại đến thể xác và tinh thần của người nghe, thậm chí khiến xã hội bị suy bại. Thuận theo sự thay đổi của xã hội loài người, âm nhạc cũng không ngừng bị biến dị theo. Con người lựa chọn và sáng tác ra những tác phẩm kích thích mạnh đến tình cảm ngày càng nhiều. Ngược trở lại, “tà âm bất chính” lại tác động và khiến con người bị mê lạc hơn. Âm nhạc hiện đại ngày nay chẳng những không giúp con người nâng cao đạo đức, thanh lọc tâm tính, mà trái lại còn khiến tâm tình con người bị mê loạn, thậm chí điên cuồng.

Sự bình hòa trong âm nhạc là từ Đạo mà sinh ra. Muốn có được điều ấy thì tâm của người sáng tác phải bình hòa, thanh thản, nếu có cảm xúc quá mạnh mẽ thì cũng phải biết khắc chế, đây là điều mà Nho gia gọi là “vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. 

Do vậy người sáng tác và biểu diễn âm nhạc cần có sự tiết chế, không thể tùy tiện phóng túng cảm xúc. Bởi vậy, nghe loại nhạc gì là không thể không thận trọng lựa chọn.

 Đường Vân