Vị pháp sư nghe danh Vô Tương thiền sư là cao tăng đời Đường, muốn tới đàm đạo cùng ông, nhưng đến cổng mới đối đáp với sư tiểu 4 câu đã sợ hãi vội quỳ xuống, hành lễ 3 lần, rồi vội vã quay đi. Nguyên nhân phía khiến người ta phải suy ngẫm.
Vạn dặm cầu đạo
Vô Tương thiền sư là một cao tăng đời Đường, trú tại chùa Tịnh Chúng, Thành Đô, Trung Quốc. Đường Huyền Tông khi lánh nạn tới vùng Tứ Xuyên vô cùng kính trọng ông.
Có một vị pháp sư vân du khắp nơi, nghe danh Vô Tương thiền sư thiền đạo cao siêu, muốn tới đàm đạo cùng ông.
Đúng lúc đó thiền sư ra ngoài, vị tiểu sư phụ theo hầu thiền sư tới tiếp đón, nói: “Thiền sư không có nhà, có việc gì xin cứ nói với tôi.”
Pháp sư trả lời: “Không được đâu, tuổi thầy còn nhỏ quá.”
Tiểu sư đáp lời: “Tôi tuy còn nhỏ, nhưng trí tuệ không nhỏ.”
Đối đáp với chú tiểu
Pháp sư vừa nghe xong, cảm thấy không tầm thường chút nào, bèn dùng tay ra dấu một vòng tròn nhỏ, chỉ về phía trước. Tiểu sư phụ liền dang hai tay, ra dấu một vòng tròn to.
Pháp sư giơ một ngón tay, tiểu sư phụ giơ năm ngón tay.
Pháp sư lại giơ ba ngón tay, tiểu sư phụ dùng tay ra hiệu vào mắt.
Pháp sư sợ hãi vội quỳ xuống, hành lễ 3 lần, rồi vội vã quay đi.
Lý giải thâm sâu của pháp sư
Trên đường đi, pháp sư nghĩ bụng: “Mình dùng tay ra dấu một vòng nhỏ, rồi chỉ về phía trước, là muốn hỏi tấm lòng tiểu sư phụ rộng lớn bao nhiêu? Cậu ấy mở rộng hai tay, ra hiệu một vòng tròn lớn, ý nói rộng bằng biển cả;
Mình giơ một ngón tay hỏi cậu ấy đến từ đâu? Tiểu sư phụ giơ 5 ngón tay, nói mình thụ trì Ngũ giới;
Mình lại giơ ba ngón tay hỏi tiểu sư phụ Tam giới ra sao? Tiểu sư phụ chỉ chỉ vào mắt mà nói Tam giới ở ngay trong mắt.
Mới là một tiểu sư phụ đã cao minh như vậy, không biết Vô Tương thiền sư tu hành còn thâm sâu tới mức nào, nghĩ một hồi vẫn thấy đi là thượng sách.”
Và sự thuần phác vô tư của chú tiểu
Không lâu sau, Vô Tương thiền sư trở về, tiểu sư phụ thuật lại câu chuyện trên cho thầy:
“Thưa sư phụ! Chẳng hiểu sao mà vị pháp sư kia biết con khi còn chưa xuất gia đã làm nghề bán bánh mưu sinh.
Ông ta dùng tay ra hiệu một vòng nhỏ, ý nói bánh nhà cậu chỉ có to có thể này. Con lập tức dang hai tay mà nói, to bằng này này!
Ông ta giơ một ngón tay đáp, 1 cái 1 đồng tiền à? Con giơ 5 ngón tay trả lời, 5 đồng mới mua được 1 cái.
Ông ta lại giơ 3 ngón tay nói, 3 đồng được không? Con thấy ông ta thật là không có lương tâm, bèn chỉ vào mắt, trách ông ta không biết xem hàng. Nào ngờ, ông ta bị dọa chạy mất luôn!”
Lời bình
Những hành động vô tư của tiểu sư phụ lại bị vị pháp sư nghĩ rằng đó là sự tu hành thâm sâu, dọa ông ta tới nỗi không dám ở lại lâu, đây chính là ý của câu nói của cổ nhân xưa: “Người nói vô tâm, người nghe hữu ý.”
Trong giao tiếp, nên chăng chúng ta cứ thẳng thắn nói rõ với nhau cho cặn kẽ, để không xảy ra những hiểu lầm?
Ai cũng đúng
Có một vị hòa thượng già ngồi nhàn rỗi trong phòng, sau lưng là một tiểu hòa thượng đang đứng chờ hầu hạ. Khi đó, ngoài cửa có hai vị hòa thượng đang tranh cãi một vấn đề, đôi bên đều không ai chịu ai.
Lát sau, hòa thượng A hồng hộc chạy vào phòng, nói với lão hòa thượng: “Sư phụ, con thấy việc này cần phải như thế này, nhưng B lại bảo con nói không đúng. Thầy xem rốt cục con đúng hay cậu ấy đúng?”
Lão hòa thượng nói với A: “Con nói đúng!” Hòa thượng A rất vui vẻ đi ra ngoài.
Vài phút sau, hòa thượng B lại đùng đùng chạy vào phòng, chất vấn lão hòa thượng: “Sư phụ, con và A vừa mới tranh luận, quan điểm của cậu ấy về cơ bản là sai. Con nói là có căn cứ vào kinh Phật, ý của con là như thế này, thầy xem con đúng hay cậu ấy đúng vậy?
Lão hòa thượng trả lời: “Con nói đúng!” Hòa thượng B vui vẻ đi ra.
Sau khi B đi khỏi, tiểu hòa thượng đứng phía sau từ tốn nói vào tai lão hòa thượng: “Sư phụ, hoặc là A đúng, hoặc là B đúng. Nếu A đúng thì B sai; nếu B đúng thì chắc A sẽ không đúng; Tại sao thầy lại nói với cả hai người họ đều đúng được?”
Lão hòa thượng ngoảnh đầu lại, nhìn tiểu hòa thượng một lúc, đáp: “Con cũng đúng!”
Lời bình
Đây là một câu chuyện thú vị, nhưng cũng cực kỳ sâu sắc, minh họa một cách sinh động một cảnh giới không vướng bận bất kỳ điều gì.
Vạn sự, vạn vật trên thế gian, vốn dĩ nhìn ngang thành dãy, nhìn nghiêng thành chỏm. Cùng một sự việc, người khác nhau nhìn từ những góc độ khác nhau, tự nhiên sẽ đưa ra những kết luận không giống nhau. Giống như câu chuyện về thầy bói xem voi, có ai đúng hết, có ai sai hoàn toàn?
Khi gặp vấn đề, chúng ta không nên cực đoan, cũng như có cái nhìn tuyệt đối hóa về một sự việc. Biết nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ, từ nhiều vị trí, trên nhiều lập trường, tự khắc chúng ta sẽ giác ngộ được sự huyền diệu trong đó.
Thái An biên tập
Nguồn: cafef