Nguồn: ST

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Nghe giọng nói, biết người thành đạt

By Lan Hòa

August 30, 2021

Thông qua giọng nói của một người, có thể biết được mức độ thành công của người ấy. Điều này nghe có vẻ thiếu công bằng và chủ quan, nhưng các nhà khoa học cho rằng, việc sử dụng một số kiểu giọng nói nhất định sẽ giúp chúng ta có được sự suôn sẻ, thành công trong cuộc sống và công việc.

Kì thực, giọng nói bạn đang sử dụng, có thể không phải là giọng nói thật của bạn, mà là cùng với sự trưởng thành mà dưỡng thành nên. Mỗi chúng ta còn có một “giọng nói chân thực” khác, giọng nói này thể hiện sự tự tin, không lo lắng, bất an.

Các yếu tố hình thành và ảnh hưởng đến giọng nói

Các yếu tố ảnh hưởng đến hình thành giọng nói bao gồm văn hóa, dân tộc và giới tính của chúng ta. Ví dụ, giọng của các bé gái thường nhỏ và nhẹ nhàng hơn; ngược lại, các bé trai thường được dạy nói to hơn.

Ngoài ra, có những người hoặc những thứ ảnh hưởng đến việc hình thành nên giọng nói của chúng ta, bao gồm: cha mẹ, nơi ta lớn lên, ngôi trường chúng ta học, sự yêu thương hay bắt nạt của những người xung quanh. Thậm chí, giọng nói còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, xã hội hoặc các áp lực mà chúng ta đang gặp phải.

Giọng nói kết hợp cùng các yếu tố khác sẽ hình thành nên mỗi chúng ta, như thân thể và tâm hồn, giọng nói của bạn cũng cần được nuôi dưỡng, nhưng đây thường là phần hay bị bỏ qua.

Vấn đề không phải là chúng ta nói gì, mà là chúng ta nói như thế nào.

Người khác nghĩ gì về giọng nói của bạn

Giọng nói và cách nói đóng một vai trò quan trọng, nó quyết định cách mọi người nhìn nhận chúng ta và cũng quyết định chúng ta có thể thành công hay không.

Chúng ta thường không biết rằng cách giao tiếp của mình sẽ để ấn tượng gì trong tâm trí của người khác, có một số thói quen nói phổ biến nhất, để xem nó có thể làm yếu đi hoặc cải thiện hiệu quả nói của bạn như thế nào.

Nói nhanh: Truyền tải sự căng thẳng

Khi bạn nói nhanh, nó sẽ giống như bạn đang vội vàng để nói. Điều này sẽ khiến mọi người nghĩ rằng, bạn không muốn chiếm quá nhiều thời gian của họ vì bạn cảm thấy điều mình muốn nói không quan trọng lắm.

Nếu bạn nói nhanh, bạn có nhiều khả năng nói sai điều gì đó. Bạn có thể nói những lời mà mình chưa kịp suy nghĩ thấu đáo và phải hối hận sau khi nói ra.

Nói chậm: Truyền tải sức mạnh

Khi bạn nói chậm lại, bạn có thể cho mình thêm thời gian để suy nghĩ. Điều này không chỉ cho phép người nghe theo dõi và hiểu được những gì bạn đang, nói mà còn giúp bạn có thời gian để sắp xếp các suy nghĩ của mình và nói chúng một cách có trật tự.

Nói chậm cũng có thể truyền tải thông điệp “ý kiến của tôi là quan trọng”. Nó có thể truyền tải sự tự tin, khiến mọi người cảm thấy rằng những gì bạn muốn nói là quan trọng và bạn đáng để người nghe dành thời gian.

Sử dụng ít từ lắp hơn, tăng hiệu quả giao tiếp

Những từ lắp ví dụ như: “Ờ”, “ờm”, “ý tôi là”, “bạn biết đấy”, “đại loại thế”, “giống như là”, “thực ra thì”…

Chúng ta thường sử dụng chúng khi không biết phải nói gì tiếp theo. Những từ này giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ, nhưng nó cũng sẽ làm giảm sức nặng lời nói của bạn. Nếu bạn muốn mọi người tôn trọng mình, bạn nên nói sao cho lời nói của mình xứng đáng được tôn trọng, có thể hạn chế sử dụng những từ phụ như “ờ”, “ờm”…

Nếu bạn nói chậm lại, có thể bạn sẽ không cần những từ lấp ấy.

Im lặng đúng lúc

Hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu với sự im lặng. Nhưng nếu được sử dụng đúng cách, im lặng có thể là một trong những công cụ hữu hiệu nhất. Nó có hai chức năng:

Thứ nhất, nó cho bạn thời gian để suy nghĩ trước khi nói, để bạn có thể tạm dừng và chọn từ, câu một cách hiệu quả. Điều này sẽ làm cho bài phát biểu của bạn nghe có vẻ chu đáo và được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Thứ hai, là cho người nghe thời gian để tiếp thu những gì bạn nói, thay vì bị choáng ngợp bởi những suy nghĩ ngẫu nhiên của bạn.

Nói to và rõ ràng

Nếu bạn đang mở lời hay đang nói chuyện nhưng không ai có thể nghe thấy giọng nói của bạn, thì lời nói của bạn có ý nghĩa gì?

Giọng quá nhỏ có thể khiến người nghe cảm thấy khó chịu hoặc khiến bạn ngại nói ra những điều mình nghĩ. Ngược lại, nếu bạn nói to và rõ ràng, thông điệp được truyền tải là: “Tôi xứng đáng được lắng nghe”.

Chúng ta không dám nói to, thường là do những trở ngại về mặt cảm xúc. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng đây là một thử thách, có lẽ bạn nên dành chút thời gian để tìm hiểu lý do tại sao mình không dám nói to và xem liệu bạn có thể giải quyết được vấn đề cảm xúc ấy không.

Giọng nói của bạn như thế nào

Hãy ghi âm giọng nói của bạn và nghe lại nó. Giọng nói của bạn nghe như thế nào? Có cao độ quá không? Có quá nhẹ nhàng? Bạn có cải thiện ngữ điệu của mình ở cuối mỗi câu không? Bạn có nói với sự nhiệt thành hay uy nghiêm không? Bạn có vẻ tự tin hay tỏ vẻ khó chịu?

Nếu có điều gì đó bạn không thích trong giọng nói của mình, hãy ghi âm lại và cố gắng nói theo cách khác. Hãy tìm ra những điểm bạn muốn thay đổi, nhưng hãy thực hiện từng bước một.

Việc thay đổi giọng nói thực ra cần rất nhiều nỗ lực, vì hầu hết những hành vi này đều xuất phát từ bản năng hoặc tiềm thức, và có lẽ bạn đã duy trì cách nói này từ rất lâu rồi. Vì vậy, hãy chọn một điểm cần cải thiện và bắt đầu.

Giọng nói có thể được đào tạo

Hầu hết mọi người hiếm khi luyện giọng nói của mình. Vì vậy, những thói quen giao tiếp chủ yếu nằm trong tiềm thức. Ngôn ngữ bao gồm: trọng âm, cao độ, trường độ, tốc độ nói và âm lượng mà chúng ta sử dụng.

Bạn đã bao giờ thử thu âm giọng nói của chính mình chưa? Khi bạn nghe lại, liệu bạn có nghĩ “Ồ, nghe có vẻ không giống như giọng của tôi”? Đây có thể không phải là giọng nói thật của bạn, nhưng có thể nó đã được hình thành từ nhỏ.

Nếu bạn muốn giao tiếp thành công, điều đầu tiên cần làm là xác định: Bạn có thói quen phát âm thanh nói từ đâu:

Những người nói bằng âm mũi thường phát tiếng nói từ khoang mũi.

Nếu âm thanh được tạo ra từ sâu trong cổ họng, nó sẽ nghe có vẻ trầm và lắng.

Nếu là từ khoang ngực, âm thanh phát ra sẽ to hơn và kèm theo tiếng thở.

Một số người phát ra âm thanh từ khoang bụng, âm thanh sẽ to hơn và âm vang mạnh hơn.

Bạn có thể thử các bài tập sau: Nói lần lượt từ khoang mũi, cổ họng, ngực và bụng; rồi xác định âm thanh nào giống giọng nói thông thường của bạn nhất. Sau đó, xác định âm điệu bạn cảm thấy tốt nhất và luyện nói từ nơi đó. Nhờ vậy, bạn có thể tạo nên uy lực từ giọng nói có kiểm soát của mình.

Có đôi khi, vấn đề không phải là chúng ta nói gì, mà là chúng ta nói như thế nào, thông qua giọng nói và cách biểu đạt ra sao. Đó cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công việc, giao tiếp cũng như trong cuộc sống của chúng ta.

 

Nguồn: Sound Of Hope

Lan Hòa biên tập