pinterest.com

Khám Phá

Nghiên cứu của chuyên gia tình báo Mỹ: Cây có ký ức như con người, là bậc thầy phát hiện nói dối và có thể tố giác tội phạm

By Đăng Dũng

August 31, 2020

Cleve Backster là một chuyên gia người Mỹ về phát hiện nói dối. Ông là hiệu trưởng Trường Backster ở San Diego, California (Ngôi trường chuyên nghiên cứu về lĩnh vực phát hiện nói dối). Vào năm 1966, bằng cách sử dụng một máy dò nói dối, ông đã tình cờ khám phá ra rằng thực vật cũng có những hoạt động cảm xúc ở cấp độ cao và khá tương đồng với cảm tình ở con người. Ông đã thực hiện một chuỗi các nghiên cứu làm chấn động cả thế giới.

1. Thực vật cũng có cảm tình

Vào một ngày của năm 1966, trong một thí nghiệm ngẫu hứng, Backster nối các điện cực của máy dò nói dối vào lá một cây Huyết Dụ (Bull Glossa). Ông muốn biết bao lâu sau khi tưới nước vào gốc cây thì những chiếc lá sẽ có phản ứng. 

Về máy dò nói dối, khi các điện cực của máy được nối vào cơ thể người, bút điện tử sẽ vẽ ra những đường cong có hình dạng khác nhau tuỳ thuộc vào trạng thái cảm xúc của người ấy. Do vậy phân tích các đường vẽ của máy người ta sẽ biết được trạng thái tâm lý, cảm xúc thực như: nói dối, sợ hãi, vui, buồn, giận dữ…của đối tượng nghiên cứu.

Trên lý thuyết, một cái cây khi hút nước sẽ tăng độ dẫn điện tức điện trở trong nó sẽ giảm xuống. Điều đó dẫn tới đường cong được ghi lại trên biểu đồ của máy dò sẽ có hướng lên. Nhưng kết quả thực nghiệm lại ngược lại, máy cho đường cong đi xuống. Nó tương đồng với đường cong đo được từ con người khi vui vẻ hưng phấn. Sự phản ứng của cây Huyết Dụ cũng biểu hiện như là tâm trạng con người. Dường như nó vui vẻ hứng khởi khi được uống nước. Backster vô cùng kinh ngạc, ông dường như muốn chạy ra đường hét lớn: “Thực vật cũng có cảm tình!”  Xuất phát từ thí nghiệm ngẫu hứng này, ông đã nhanh chóng triển khai một chuỗi các thí nghiệm khác mà kết quả của nó làm chấn động thế giới.

 Backster thực hiện một trong những thí nghiệm trên thực vật (Ảnh: Tạp chí New York Times)

2. Thực vật có khả năng nhận thức!

Backster muốn biết liệu thực vật có thể có phản ứng nào khác không. Theo kinh nghiệm của mình, Backster biết rằng có một cách tốt để gây ra phản ứng mạnh mẽ từ một đối tượng đó là đe dọa nó. Vì vậy, Backster nối máy dò nói dối vào một chiếc lá cây và nhúng một phần lá vào dung dịch cà phê nóng. Không có phản ứng nào xảy ra. Ông nghĩ ra một cách đáng sợ hơn: Đốt chiếc lá. Với ý nghĩ này, ngay cả khi ông còn chưa kịp đi lấy diêm, một đường cong lập tức được vẽ lên giấy. Khi ông trở lại với một bao diêm, ông thấy một đường cong khác còn rõ nét hơn xuất hiện. Hình dạng các đường cong này tương đồng đường cong khi một người sợ hãi kêu cầu cứu mạng sinh ra. Dường như khi cái cây biết ông quyết tâm đốt nó, nó đã rất sợ hãi. Nhưng khi ông do dự hay ngập ngừng muốn đốt, phản ứng được ghi lại bởi máy dò nói dối là không rõ ràng. Và khi ông giả vờ đốt chiếc lá, cái cây hầu như không có phản ứng gì. Cái cây thậm chí còn có thể phân biệt được ý định thực sự hay là sự giả vờ. Với khám phá đáng kinh ngạc này, cuộc sống của ông đã thay đổi mãi mãi.

Sau này, Backster và đồng nghiệp đã làm các thí nghiệm trên khắp nước Mỹ với các dụng cụ khác nhau và trên các loại cây khác nhau, họ đã thu được những kết quả tương tự. Họ khám phá ra rằng ngay cả với lá cây đã bị ngắt ra hay thậm chí đã bị cắt thành từng mảnh, phản ứng tương tự cũng vẫn vẫn xảy ra với những mảnh lá đó. Khi một con chó hay một người thiếu thân thiện thình lình bước vào, cái cây cũng có phản ứng.3. Thực vật là chuyên gia về phát hiện nói dối

Thông thường, khi tiến hành thí nghiệm với máy dò nói dối, các cực của máy được nối vào người bị tình nghi và người này bị hỏi các câu hỏi đã được thiết kế tỉ mỉ. Ai cũng có một phần minh bạch của mình, thường được gọi là “lương tâm”. Vì vậy, cho dù có bao nhiêu lý do mà người ta đã vận dụng để bao biện, thì khi nói dối hay thực hiện một hành vi xấu, bản thân người đó đều biết rõ rằng đó là một sự lừa dối, hay một hành vi xấu. Do đó, điện trường  trên thân thể người đó thay đổi, sự thay đổi này có thể đo được bởi các thiết bị.

Backster đã làm một thí nghiệm, trong đó ông nối máy dò nói dối vào một cái cây và rồi hỏi một người vài câu hỏi. Kết quả là, Backster đã khám phá ra rằng cái cây có phản ứng khi người ấy nói dối. Ông hỏi người đó năm sinh, đưa cho anh ta bảy phương án và hướng dẫn anh ta trả lời “không” với tất cả số đó, trong đó có một phương án đúng. Khi người đó trả lời “không” với phương án đúng này, cái cây có phản ứng và một hình chóp nhọn trên giấy được vẽ ra. Nó rất nhạy cảm với các tín hiệu nói dối phát ra từ trường vật chất của một con người. 

Tiến sĩ Aristide Esser, trưởng nhóm nghiên cứu y tế thuộc Bệnh viện Rockland tại New York, đã làm lại thí nghiệm này bằng cách hỏi một người đàn ông một câu hỏi mà có câu trả lời không chính xác ở phía trước một cái cây mà anh ta đã chăm sóc nó từ khi nó mới nảy mầm. Cái cây đã không bao che cho người chủ của nó chút nào. Câu trả lời không chính xác đã bị phản ánh ở biểu đồ trên giấy. Ông Esser, một người ban đầu vẫn cười nhạo các khám phá của Backster, đã tận mắt chứng kiến lý thuyết của Backster là hoàn toàn đúng đắn.

4. Thực vật có kí ức và có thể nhận ra con người

Để kiểm tra xem liệu một cái cây có thể nhận ra một người quen hay không, Backster đã gọi tới sáu sinh viên, bịt mắt họ, và yêu cầu mỗi người rút một lá thăm từ một chiếc mũ. Một trong 6 lá thăm đó yêu cầu sinh viên này phải nhổ một trong hai cái cây trong phòng và dẫm đạp cho chết trước mặt cây kia. “Kẻ sát nhân” phải làm điều đó một mình, và không ai biết được danh tính của thủ phạm, bao gồm cả Backster. Bằng cách đó, cái cây còn lại không thể cảm nhận được ai là “kẻ giết người” từ ý nghĩ của mọi người. Thí nghiệm được thiết kế để cái cây sẽ là nhân chứng duy nhất.

Khi cái cây còn lại được nối vào một máy dò nói dối, mỗi sinh viên được yêu cầu phải đi qua nó. Cái cây không có phản ứng gì với năm sinh viên. Khi người sinh viên đã thực hiện hành vi “tội ác” đi ngang qua, bút điện tử bắt đầu vẽ một cách hoảng loạn. Phản ứng này chỉ ra cho Backster rằng những cái cây có kí ức và nhận ra con người hay đồ vật đã làm hại chúng.

5. Thực vật có thể cảm nhận từ cự ly xa

Cây cối có một mối liên hệ mật thiết với chủ nhân của chúng. Lấy ví dụ, khi Backster từ New Jersey trở về nhà ở New York, ông thấy trên biểu đồ ghi lại rằng tất cả những cái cây của ông đều đã có phản ứng. Ông tự hỏi liệu những cái cây đó có cảm thấy “vui vẻ” hay “chào đón” khi ông trở về hay không? Ông để ý rằng thời gian mà những cái cây phản ứng là thời điểm mà ông mới chỉ quyết định trở về nhà từ New Jersey. Ngoài ra, khi Baxter giới thiệu thí nghiệm tình cờ của mình vào năm 1966 trong các bài giảng ở nhiều nơi. Bất cứ khi nào ông sử dụng trình chiếu để hiển thị hình ảnh cây Huyết Dụ, cây Huyết Dụ để lại trong văn phòng cũng hưởng ứng theo. Những khoảng cách đó có thể lên đến 700 dăm. 

6. Cây có trí nhớ dài hạn

Khởi đầu từ những nghiên cứu của Cleve Backster, Những thí nghiệm nghiên cứu về thực vật được tiến hành trên nhiều quốc gia. Tiến sĩ Monica Gagliano là người đứng đầu công trình nghiên cứu của trường Đại học Tây Úc (UWA) được công bố trên tạp chí Oecologia.

Bà cùng các cộng sự đã thả rơi chậu cây Trinh nữ (miền bắc gọi là cây Xấu hổ) xuống một miếng mút từ độ cao đủ để gây sốc cho cây, nhưng không làm hại chúng. Các nhà nghiên cứu lựa chọn cây Trinh nữ, bởi chúng sẽ khép lá lại khi bị đe dọa, do đó rất dễ quan sát phản ứng của cây khi bị kích thích.

Các nhà nghiên cứu muốn biết: Liệu thực vật có thể học được rằng cú sốc sẽ không làm chúng tổn thương hay không. Họ cũng muốn xem liệu thực vật có thể nhớ được sự kiện đã qua trong một khoảng thời gian dài không.

Cây Trinh nữ đã ngừng phản ứng sau một vài lần thả rơi, điều này cho thấy chúng biết rằng hành động đó không gây nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu chắc chắn rằng, điều đó không đơn giản là do cây đã ‘mệt mỏi’ và không thể phản ứng nữa; Để kiểm chứng điều này, họ đã thực hiện nhiều kích thích khác nhau và những cái cây này ngay lập tức có phản ứng.

Thử nghiệm đã được thực hiện trên nhiều loại cây và trong các thời kỳ khác nhau. Một số cây được để trong tình trạng yên tĩnh suốt 28 ngày sau những lần thả rơi trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Rất nhiều ngày sau đó, cây vẫn nhớ được bài học mà chúng đã trải qua và không có phản ứng gì với việc này nữa, mặc dù chúng vẫn phản ứng trước những kích thích khác. Làm sao cây có thể tư duy khi không có bộ não?

Mặc dù thực vật không có não bộ và hệ thống thần kinh như các sinh vật có khả năng tinh thần cao hơn, nhưng các nhà nghiên cứu đã bắt đầu đưa ra giả thuyết về ‘những hệ thống thay thế’. Ví dụ, tờ Economist giải thích thực vật có hệ thống mạch dẫn tốt, qua đó chúng có thể vận chuyển thông tin dưới dạng các tín hiệu điện từ.

7. Xúc cảm với đời sống ở mức vi quan

Quay trở lại với các nghiên cứu của Backster, ông đã phát hiện ra rằng cây cối rất nhạy cảm khi mọi sinh vật gần chúng bị hại. Cho dù những sinh vật bị chết ấy nhỏ bé như là tế bào, vi khuẩn…Một loại đường cong tương tư nhau sẽ xuất hiện khi cây cối cảm nhận được có sinh mệnh nào đó bị giết chết. Ông tình cờ chú ý đến điều này khi ông trộn mứt vào sữa chua mà ông định ăn. Dường như, chất bảo quản có trong mứt đã giết chết một số vi khuẩn lên men trong sữa chua, và những cái cây có thể cảm thụ được điều này. Cũng như vây, cây cối có phản ứng khi ông đổ nước nóng vào bồn rửa. Dường như chúng cảm thụ được cái chết của những vi khuẩn ở trong đường ống nước. Để kiểm nghiệm giả thuyết này, Backster làm một thí nghiệm và thấy rằng khi tôm biển được cho vào nước sôi thông qua một cỗ máy tự động và không cần con người tham gia, cây cối có một phản ứng rất mạnh mẽ.

Tiến sĩ HOWARD MILLER, một nhà tế bào học ở New Jersey, khẳng định có ý thức trong cuộc sống ở cấp độ tế bào. Backster đã tiến hành các thí nghiệm kiểm nghiệm điều này.  Ông kết nối các điện cực với các dung dịch tế bào khác nhau, chẳng hạn như amip, vi khuẩn, nấm men, máu, tinh trùng v.v… ông nhận thấy rằng nếu người hiến tặng có mặt, tinh trùng sẽ phản hồi. Điều khiến ông ngạc nhiên là thực vật cũng có khả năng nhận thức được sự sống ngay cả với những sinh mệnh nhỏ bé như vậy. Điều này cho thấy tư duy của một cá thể sống cũng tồn tại trong mỗi tế bào cấu thành nên cá thể ấy. Bộ não không nhất thiết phải là nơi lưu trữ trí nhớ như chúng ta thường nghĩ, nó có thể chỉ là một cỗ máy gia công chuyển đổi thông tin. Backster nói rằng không chỉ tế bào có khả năng nhận thức, mà các phân tử, nguyên tử và thậm chí các hạt trong nhân đều có thể có ý thức và nhận thức được.

Những khám phá của Backster  và các nhà sinh vật học khác theo phương pháp của ông làm thay đổi quan niệm của chúng ta về thực vật nói riêng và về sự sống nói chung. Sinh mệnh thật huyền diệu và đáng quý. Đồng thời chúng ta cũng nhận thấy tri thức của mình thật nhỏ bé và nông cạn trong trí tuệ bao la của tạo hoá.  

Dương Tử biên dịch từ zhengjian.org

Tham khảo: 

  1. Chanhkien
  2. DKN.tv
  3. nytimes