Con người nếu chẳng trải qua sóng gió cuộc đời, vượt qua khó khăn trắc trở, đứng dậy sau những lần vấp ngã, thất bại thì cũng giống như hòn ngọc thô xấu xí, để lẫn với đám sỏi đá thì chẳng ai nhìn thấy, chẳng thể nhận ra.
Trong cuộc sống có nhiều người có đường học vấn rất cao, bằng cấp rất nhiều nhưng trong cuộc sống lại gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Có nhiều người không chấp nhận được số phận mà gục đầu ủ dột, cho rằng mình có học vấn, bằng cấp cao hơn người khác sao người ta lại không trọng dụng mình.
Tuy nhiên, trên thực tế “trường học không bằng trường đời”, có nhiều người không được học hành tử tế nhưng họ vẫn có thể thành công là bởi vì họ có kinh nghiệm cuộc sống, trải qua nhiều va vấp, rèn luyện ý chí, họ sẵn sàng chấp nhận những khó khăn và thất bại.
Ngược lại, người chưa trải qua trường đời, không hiểu rõ đạo lý của cuộc sống, thường hay dễ lầm tưởng về khả năng của bản thân, cho rằng mình giỏi hơn người khác, bản thân mình phải làm chính những gì mình mong muốn, muốn người khác phải theo ý mình.
Những người như thế này thường gặp chút khó khăn, trở ngại là thoái chí, coi những thất bại trong cuộc đời là bất công đối với mình, từ đó suy sụp, tuyệt vọng và không thể đứng dậy nổi.
Có một câu chuyện như thế này: Có chàng trai trẻ tự cho rằng mình là người đa tài, nhưng sau khi tốt nghiệp lại liên tiếp gặp trở ngại bế tắc, mãi vẫn chưa tìm được công việc như ý.
Anh cảm thấy mình thân mang tuyệt kỹ mà không gặp thời, hoặc có gặp thời lại không gặp được người biết trân trọng tài năng, do đó dần dà cảm thấy rất thất vọng với xã hội.
Nhiều lần công việc thất bại, bế tắc khiến anh tổn thương và tuyệt vọng. Anh cảm thấy, trên đời này không có Bá Nhạc để nhận biết anh là thiên lý mã. Đau khổ tuyệt vọng, anh lang thang cho khuây khỏa.
Một hôm anh đến bên bờ biển, dự định cũng sẽ kết thúc cuộc đời ở đây. Đúng lúc anh tự sát, thì một ông lão ở gần đó chạy đến, trông thấy và cứu anh. Ông lão hỏi anh tại sao phải tìm con đường chết, anh nói, anh không được mọi người và xã hội thừa nhận, không có ai hiểu và trọng dụng anh…
Ông lão nhặt từ dưới chân lên một hòn sỏi, để chàng trai trẻ nhìn xem, sau đó ném trở lại bãi sỏi đá, rồi nói với anh: “Cậu nhặt giúp tôi viên sỏi tôi vừa ném đi đó”.
“Không thể được”, anh trả lời.
Cụ già chẳng nói năng gì, móc từ trong túi mình ra một viên ngọc lóng lánh, rồi ném xuống bãi cát sỏi, sau đó lại nói với anh: “Cậu có thể giúp tôi tìm lại và nhặt viên ngọc đó không?”.
“Đương nhiên rồi”, anh nói.
“Thế thì có lẽ anh đã biết tại sao rồi nhỉ? Anh nên biết, hiện nay anh vẫn chưa là viên ngọc, nên anh không kể yêu cầu người khác lập tức thừa nhận anh được. Nếu anh muốn người khác thừa nhận mình, anh phải nghĩ cách để khiến mình trở thành viên ngọc mới được”.
Anh nghe rồi, cúi mặt chau mày, chẳng biết nói năng chi, quay trở về nghĩ suy về nhân thế, đời người, về ý nghĩa sinh mệnh.
Hòn ngọc thô vốn không khác gì viên sỏi, hòn đá, cũng bề ngoài thô ráp, tầm thường, nhưng sau khi mài giũa thì mới hiện ra vẻ đẹp sáng óng ánh.
Cũng như cuộc đời một con người, nếu chẳng trải qua sóng gió cuộc đời, vượt qua khó khăn trắc trở, đứng dậy sau những lần vấp ngã, thất bại, thì sao có thể rèn luyện ý chí, nuôi dưỡng tài năng, thành tựu nhân cách được.
Cổ nhân có câu “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là một hòn ngọc thô nếu không không được mài giũa thì cũng chẳng thành món món đồ trân quý được, cũng như một người nếu không được học hành, không trải qua nghịch cảnh của cuộc sống thì sẽ không hiểu được đạo lý làm người.
Sống ở trên đời không ai tự nhiên mà có được tài năng, tự nhiên trở thành con người hữu dụng cho xã hội được. Muốn đạt được thành công đó, bạn phải có một thời gian rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng bản thân, cũng như ca dao có câu: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”.
Chỉ cần bạn sống hướng đến Chân Thiện Nhẫn (chân thành, thiện lương và luôn nhẫn nại) thì chính là bạn đang mài giũa viên ngọc quý cho cuộc đời mình, kiên trì nhẫn nại chính là cách để một người có thể vượt qua mọi khó khăn cuộc sống.
Chân Kiến biên tập