Nguồn ảnh: Internet

Đời Sống

Người ác khẩu tự hại mình, lời nói gió bay nhưng nghiệp không bay

By Đăng Dũng

February 22, 2021

Trong cuộc đời mỗi con người thường có 3 loại nghiệp ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta không chỉ ở đời này mà còn ở nhiều đời sau là: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong 3 loại nghiệp đó thì có lẽ khẩu nghiệp là dễ bị nhất vì hầu như không ai có thể tránh được giao tiếp với người xung quanh, từ gia đình cho đến xã hội.

Người xưa mở miệng nói chuyện, cầm bút viết chữ không nói về ưu khuyết của người, cũng không cười người thô lỗ quê mùa, cũng không nghị luận sau lưng về khuyết điểm và chuyện nam nữ của người khác, chê bai thất bại của người khác, lại càng không gây xích mích ly gián. Cho dù là nói trúng tất cả, cũng là làm chuyện xấu, làm hại người khác, hao tổn phúc đức bản thân, hơn nữa sẽ phải chịu trừng phạt báo ứng tương ứng.

1. Câu chuyện về cái lưỡi heo

Ông phú hộ nọ đã ra lệnh cho người ở giết heo và chọn phần quí nhất của con heo làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông một món ăn được cho là quí nhất là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao thì người làm trả lời rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất, vì nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu, ích nước lợi dân và có ích cho nhân loại.

Ít lâu sau, ông phú hộ lại ra lệnh cho người ở giết heo và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông phú hộ một đĩa đồ ăn mà bộ phận xấu xa nhất lại cũng là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao, người làm bèn trả lời rằng vì cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất, tàn ác nhất làm tan nát gia đình xã hội và có thể khuynh đảo nước nhà ngay cả làm hại cho nhân loại. 

Ông phú hộ vô cùng ngợi khen sự thông minh của người ở. Thật là cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo.

 2. Ngô Huấn nói lời thị phi cuối đời nhận nghiệp quả nghèo hèn

Trong “Thái thượng cảm ứng thiên”, Trần Lương Mô tiên sinh đời Minh có nói tới một chuyện như vậy: Vào lúc Trần Lương Mô tuần sát huyện Công An, có một vị họ Bạch làm chức Giáo dụ (cơ quan giáo dục cao nhất tại một huyện), đi đến kinh thành tham gia thi Hội. Vợ Bạch Giáo rất thiện lương, có vị đạo cô núi Thái Hòa đến hoá duyên, vợ Bạch Giáo lấy danh nghĩa Bạch Giáo bố thí đạo cô một lượng bạc. Lại dùng một trượng vải lanh thêu một lá cờ phướn ghi lại thông tin quyên góp. Đúng lúc đó, Ngô Huấn là đồng nghiệp với Bạch Giáo, trông thấy cờ phướn quyên góp thì nói rằng: “Nho quan dạy học qua lại với đạo cô, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến đường quan”.

Vợ Bạch Giáo sau khi nghe, tin là thật, cho người đuổi theo đạo cô, nhưng không đuổi kịp, cho rằng đường quan của chồng từ nay về sau bị hủy, trong lòng rầu rĩ không vui bởi vậy mà treo cổ tự tử.

Về sau, Lâm Công ở Phủ viện tra xét các tập kiểm tra đánh giá Nho quan, phát hiện phần kiểm tra đánh giá Bạch Giáo có ghi: “Bạch Giáo và đạo cô có quan hệ không bình thường, vợ Bạch Giáo rất bất mãn đối với Bạch Giáo, Bạch Giáo tức giận ép vợ treo cổ tự tử”.

Trần Lương Mô đem tình huống thực tế của Bạch Giáo nói cho Lâm Công ở Phủ viện, Lâm Công tỏ ra trầm ngâm. Trần Lương Mô lại nói: “Trước khi phán đoán, xin tra rõ trước xem người kể lại có phải là người phẩm hạnh chu toàn hay không, nếu như không phải xin hãy thận trọng suy xét”. Lâm Công nghe xong bừng tỉnh đại ngộ, lập tức cho người đi kiểm tra. Quả thật phần đánh giá trước đây đối với Bạch Giáo là hoàn toàn sai sự thật.

Về sau Bạch Giáo Dụ thăng chức Trợ giáo ở Quốc Tử Giám, Trần Lương Mô đảm nhiệm chức Án sát sứ tại Phúc Kiến – chủ quản nghiệp vụ tư pháp ở Phúc Kiến. Còn Ngô Huấn, người đã nói lời không hay cho Bạch Giáo Dụ thăng chức đảm nhiệm Giáo dụ ở Bình Hương, Giang Tây, nhưng luôn bị người khác ghet bỏ, cuối cùng bị bãi chức quan, lúc đi qua hồ Bà Dương trên đường về nhà, thuyền lật, suýt nữa bỏ mạng, ngày sau cuộc sống hết sức cô độc, lạnh lẽo, và thiếu thốn.

Người xưa nói: Cố ý gièm pha hủy hoại, vu khống hãm hại người khác, ắt gặp nghèo nàn khốn cùng, tai họa bất ngờ, còn bị các loại báo ứng như rút lưỡi, địa ngục v.v…, khẩu nghiệp và giết chóc bừa bãi là có tội ngang nhau.

Cổ nhân có câu “họa tòng khẩu xuất” như muốn cảnh tỉnh, khuyên răn người đời chớ để cho cái miệng mình nói năng tùy tiện, lung tung mà có lúc tự rước họa vào thân!

Nếu cứ tạo khẩu nghiệp triền miên, con người không chỉ gây hại cho người khác, mà bản thân họ cũng không được thanh thản, thảnh thơi, thậm chí rơi vào cảnh nghiệp báo luân hồi đau khổ.

Vậy nên, mỗi người chúng ta nên nói lời hòa hợp, không nói lời chia rẽ, mất đoàn kết. Nói lời đẹp đẽ, thanh lịch, không nói lời ỷ ngữ, thêu dệt. Nói lời hiền hòa, từ bi, có lợi cho người khác, không nói lời ác độc, cay nghiệt. Cổ nhân có câu “họa tòng khẩu xuất” như muốn cảnh tỉnh, khuyên răn người đời chớ để cho cái miệng mình nói năng tùy tiện, lung tung mà có lúc tự rước họa vào thân!.

Biên tập: Thiên Hà

Nguồn: zhengjian