Trên đầu mỗi người đều có một vầng sáng, nhưng độ sáng, kích thước, màu sắc mỗi người lại khác nhau. Người có quyền có thế thì đại đa số đều là vầng sáng hồng, sáng tía. Người thanh cao chính trực thì đại đa số đều là vầng sáng trắng, sáng xanh. Người tham ô bại hoại thì đại đa số đều là vầng sáng đen, xám…
Hổ thường ăn thịt người, việc này không có ai nghi ngờ gì, nhưng người như thế nào thì hổ ăn, người như thế nào thì hổ không ăn? Thượng thư Bộ Lễ, Đại học sĩ triều Thanh – Kỷ Hiểu Lam đã kể từng lại một câu chuyện trong tác phẩm Duyệt Vi thảo đường bút ký của ông như sau:
Câu chuyện hổ chọn người để ăn thịt
Trương Thái phu nhân – mẫu thân của Kỷ Quân (tức Kỷ Hiểu Lam) từng thuê một phụ nữ có tuổi về ở cùng họ để trông coi việc bếp núc, trợ giúp việc nhà. Bà lão – có cùng họ Trương này – là người Phòng Sơn, Bắc Kinh, nhà ở tận sâu trong núi.
Bà Trương nói, quê bà có một người rất nghèo, không biết lấy gì để sinh sống, đành phải tha hương cầu thực bỏ quê nhà ra đi tìm kế mưu sinh. Bởi vì anh ta chưa từng ra khỏi cổng làng nên mới đi được nửa ngày thì lạc đường. Đường núi quanh co khúc khuỷu, lại gặp mây mù che phủ, rất khó đi, cũng không biết đi về đâu. Bất lực, anh ta đành ngồi dưới một gốc cây, đợi khi trời nắng ráo sáng tỏ, nhận rõ phương hướng rồi tính tiếp.
Anh ta đang nghỉ ngơi, trong lúc đang mơ mơ màng màng thì bỗng nhiên từ trong rừng có một người đi ra, phía sau là 3, 4 người thân thể cao to đi theo. Những người kia mặt mũi hung dữ, khác hoàn toàn những người bình thường.
Anh ta hoảng sợ nghĩ rằng, họ không phải là Thần Núi thì cũng là yêu quái, bèn muốn trốn tránh mà không kịp, đành phải hướng về phía đám người rồi khom lưng bái lạy, khóc lóc kể lể về gia cảnh nghèo khổ của mình cho người cầm đầu nghe.
Người đó nghe xong, cảm thông cảnh ngộ của anh ta và nói: “Anh không phải sợ, ta không làm hại anh. Ta là Thần Hổ, hôm nay đến đây là để phân phối thức ăn cho hổ. Lát nữa hổ ăn thịt người xong, anh hãy thu lấy y phục, đồ đạc của người đó là có thể đủ nuôi sống bản thân rồi”.
Nói xong, Thần Hổ đích thân dẫn anh ta đến một nơi rồi bảo anh chờ đợi.
Sau đó Thần Hổ huýt một tiếng dài, âm thanh cao vút. Bầy hổ từ khắp nơi tụ tập về cứ như là nghe thấy khẩu lệnh vậy. Thần Hổ lại giơ tay chỉ trỏ về phía bầy hổ, trong miệng phát ra âm thanh kỳ lạ, nghe không rõ ông ta nói gì.
Một lát sau bầy hổ tản đi, nhưng chỉ có một con hổ ở lại nằm phục trong lùm cây.
Chỉ trong thoáng chốc, bỗng thấy một người gánh đồ đi xuyên núi rừng đang từ xa lại gần. Con hổ đang nằm phục trong bụi cây định nhảy ra vồ người kia, nhưng bỗng lại lùi lại nằm xuống. Người gánh đồ không cảm giác được có điều gì khác thường, vẫn nhởn nhơ ung dung bước đi.
Lại qua một lát, trên đường xuất hiện một người phụ nữ, con hổ đang nằm phục ở bụi cây kia rất nhẹ nhàng và nhanh nhẹn vồ lấy cô ta rồi ăn thịt. Thần Hổ nhặt trang phục và đồ vật của người phụ nữ, bên trong có mấy lạng bạc. Thần Hổ liền lấy bạc đưa cho người nghèo khổ kia.
Thần Hổ nói với anh ta rằng: “Hổ thực tế là không ăn thịt người, mà chỉ ăn thịt cầm thú. Những người mà bị hổ ăn thịt đều là cầm thú trong loài người”.
“Nười mà thiên lương thì trên đầu ắt có linh quang, hổ nhìn thấy ắt sẽ tránh. Người đã mất hết thiên lương thì linh quang cũng hết, không khác gì loài cầm thú, hổ sẽ vồ và ăn thịt”.
“Ví như người đàn ông gánh đồ kia, thường ngày xem ra cũng là phường hung dữ, thường trộm đồ của người ta, nhưng sau khi trộm đồ của người thì anh ta lại đem tiếp tế người già cô quả và trẻ mồ côi, khiến những người đó thoát khỏi đói rét, vì vậy trên đỉnh đầu anh ta vẫn còn một luồng linh quang lớn, hổ không dám tấn công anh ta”.
“Còn người phụ nữ đi sau đó, là người đã bỏ chồng theo trai, sau khi cải giá còn đối xử không tốt với con của người vợ trước của chồng. Cô ta còn lấy trộm tiền của người chồng sau, chính là số bạc cô ta giấu trong ngực đó. Cô ta luôn luôn làm những việc xấu như thế, nên trên đầu đã mất hết linh quang”.
“Hôm nay anh đã gặp được ta, cũng là do anh đã phụng sự mẹ kế rất hiếu thuận, đã không lấy vợ để dành khẩu phần lương thực đó nuôi mẹ kế. Thiện hạnh của anh khiến linh quang trên đầu anh cao hơn một thước, do đó ta gọi hổ đến giúp anh vượt qua khó nạn, mà không phải là do anh quỳ bái lạy ta, cầu xin ta. Hãy làm nhiều việc thiện, nhất định sẽ có hậu phúc”.
Nói xong, Thần Hổ bèn chỉ dẫn phương hướng để anh ta quay trở về nhà.
Anh đi một ngày một đêm mới về đến nhà. Cha của bà Trương và người này là chỗ họ hàng, do đó đã biết được nguồn gốc chi tiết của sự việc kể trên. Khi đó ở nhà bà Trương có một người vợ của một người nô bộc, người này thường đối xử không tốt với đứa cháu mồ côi mới lên năm tuổi của ả. Nghe được câu chuyện này do bà Trương kể, người này liền thay đổi thái độ đối xử với đứa cháu.
Cuối câu chuyện, Kỷ Hiểu Lam có nói: “Thánh nhân thông qua Thần, Đạo để giáo hóa dẫn dắt thế nhân, quả thực có đạo lý sâu sắc”.
Có hay không “vầng sáng” ở phía trên đầu mỗi người?
Thực ra trên thân thể người có tồn tại linh quang cũng không có gì là mê tín cả. Một bài viết của tác giả Trần Khắc Cường có tiêu đề là: Bí mật giá trị thiện ác của nhân loại có thể nhìn thấy từ “vầng sáng”. Bài viết nói tác giả khi ở tuổi thiếu niên, cả nhà sống ở Bắc Bình (Khu 6 Bắc Kinh ngày nay). Một người bạn của cha là người họ Hoàng, từ nhỏ đã nhìn thấy vầng sáng trên đầu mỗi người (Đây là một loại công năng đặc dị).
Hoàng tiên sinh nói: “Trên đầu mỗi người đều có một vầng sáng, nhưng độ sáng, kích thước, màu sắc mỗi người lại khác nhau. Người có quyền có thế thì đại đa số đều là vầng sáng hồng, sáng tía. Người thanh cao chính trực thì đại đa số đều là vầng sáng trắng, sáng xanh. Người tham ô bại hoại thì đại đa số đều là vầng sáng đen, xám. Các màu sắc khác như vàng, da cam, lục, đỏ sẫm… đều dựa vào hành vi đạo đức của mỗi người, mỗi người đều khác nhau. Cường độ và kích thước vầng sáng cũng tùy theo khí thế, vận khí mỗi người khác nhau mà có thay đổi”.
Hoàng tiên sinh còn nói: “Khí chất của con người có lúc sẽ thay đổi, ví dụ như một người trước kia là người tốt, sau này bị người xấu dụ dỗ, trở thành người xấu, thế thì vầng sáng màu trắng cao lớn trước kia sẽ biến thành màu tối, xám và thấp bé”.
Bản thân Hoàng tiên sinh cũng có duyên mấy lần gặp mặt Đại nguyên soái của Trung Hoa Dân Quốc là Trương Tác Lâm. Khi Trương Tác Lâm đang ở thời kỳ toàn thịnh, ông thấy trên đầu Trương Tác Lâm có vầng sáng đỏ cao 3 trượng. Nhưng hơn 1 tuần trước vụ ám sát Trương Tác Lâm xảy ra, thì vầng sáng trên đầu ông ta co lại chỉ cao 5, 6 thước, màu tối xám và yếu. Hoàng tiên sinh trong lòng vô cùng kinh ngạc, mãi không nói ra lời. Sau đó không lâu, Trương Tác Lâm bị đánh bom chết ở nhà ga Hoàng Cô Đồn.
Như vậy có thể thấy, những sự tình mà khoa học hiện đại chưa nhận thức được thì không thể nhất loạt phủ định, mà cần xem xét nghiên cứu tìm tòi thêm. Văn hóa truyền thống Á Đông có nhận thức rất sâu sắc, huyền diệu và tinh vi, chính xác đối với sự vật hiện tượng, nhưng lại chưa thể dùng khoa học hiện đại mà giải thích được.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: ntdvn