Có một câu nói: “Không bưng ba bát, không kiếm ba tiền, không nợ ba khoản”. Câu này là lời nhắc nhở, khuyên nhủ của tổ tiên đối với bậc trung niên trong đối nhân xử thế, tu dưỡng đạo đức, rất đáng để học hỏi.
Vậy câu này có nghĩa là gì?
Không bưng ba bát
1. Bát của người thân và bạn bè không thể “bưng”
Có một câu nói: “người thân phải lạ, người lạ phải quen”
Càng là người thân cận thì càng cần phải chú ý đối xử sao cho phù hợp. Đặc biệt là đối với quan hệ đối tác và vấn đề tiền bạc, chúng ta phải phân biệt rõ ràng.
Chỉ cần một người không cẩn thận xử lý không đúng cách thì sẽ tạo thành khoảng cách, dễ làm rạn nứt tình cảm.
Hợp tác với người thân bạn bè cần tới sự bao dung lớn hơn, tầm nhìn lớn hơn, càng không được tính toán, chi li, vu lợi.
2. Không bưng bát nhanh gọn
Người đến tuổi trung niên, trên có người già, dưới có trẻ nhỏ,cần lấy sự ổn định làm đầu.
Bưng bát nhanh gọn lẹ chính là làm những chuyện mưu cầu lợi ích trong thời gian ngắn. Đừng tham lam kiếm tiền nhanh chóng trước mắt mà đánh mất nền tảng căn bản của mình.
Khi đến tuổi trung niên, con người ta phải bình tĩnh và chống lại sự cám dỗ.
Thu được lợi nhuận càng cao, thì đại diện cho rủi ro càng cao. Cách kiếm tiền nhanh gọn luôn đi kèm với rủi ro rất cao.
Không có chiếc bánh nào tự dưng trên trời rơi xuống, những lúc gặp được “cơ hội” không rõ ràng chắc chắn trong cuộc đời. Bạn nhất định phải chú ý phân biệt, cần phải vượt qua được cám dỗ, phải suy nghĩ bằng lý trí.
3. Không bưng bát bỏng tay
Cái gọi là “bát bỏng tay” chính là không được làm những việc vượt quá khả năng của mình.
Người đến tuổi trung niên sợ nhất là không có hy vọng thăng tiến. Lúc này, bạn sẽ muốn thử một số nhiệm vụ thử thách để có được sự ưu ái của các cấp lãnh đạo. Mục đích để đạt được lợi ích mà đi làm một số chuyện có rủi ro rất cao.
Có một số người có tiêu chuẩn rất cao nhưng bản thân lại không thực hiện được những tiêu chuẩn đó, dù đã có được một vị trí nhất định trong sự nghiệp của mình nhưng vẫn chưa hài lòng. Có rất nhiều chuyện nhìn bề ngoài tưởng rằng bản thân có thể làm được, nhưng một khi bắt tay vào làm, mới biết thật ra nó khó hơn mình nghĩ rất nhiều. Cách kiếm tiền nhanh gọn lẹ luôn đi kèm với rủi ro cao.
Bạn nên làm những việc bạn chắc chắn sẽ làm tốt, từng bước một, đó chính là lựa chọn tốt nhất.
Không kiếm ba tiền
1. Không dựa vào chức vụ để phát tài bất chính
Cố nhân có câu: “Quý nhân yêu tài lộc, phải làm một cách có đạo đức ”.
Làm người phải có lương tâm, trong mọi trường hợp, đều không thể thông qua mọi cách để kiếm tiền bất chính.
Có một số người khi đã có được thành tựu nhất định trong một công ty hoặc một đơn vị nào đó, vì muốn kiếm thêm tiền mà lợi dụng quyền hành trong tay để làm một số chuyện không chính đáng. Tuy là có kiếm được một chút tiền, nhưng nếu như xảy ra chuyện thì cũng khiến cho sự nghiệp mà mình cố gắng phấn đấu suốt nhiều năm bị hủy trong chốc lát.
Quân tử chỉ thích tiền của kiếm bằng con đường chính đáng. Kiếm tiền một cách đường hoàng chính đáng, tuyệt đối không được chấp nhận rủi ro mà đi làm một số chuyện nguy hiểm.
Người đang làm, trời đang nhìn, trên đầu ba thước có Thần linh. Nếu làm những điều không tốt thì sớm muộn cũng sẽ bị trừng phạt.
2. Không phát tài bằng việc làm điều không tốt cho người khác
Phát tài bằng việc làm điều không tốt cho người khác chính là thông qua việc làm gây tổn hại lợi ích của người khác để làm giàu cho bản thân.
Đừng làm những chuyện hại người lợi mình, bởi vì cuộc đời còn rất dài, lúc lên voi lúc xuống chó, nói không chừng đến một lúc nào đó bạn rơi vào trong tay của người ta thì sao? Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.
3. Không phát tài với ba loại tình cảm
Không phát tài vượt mức ba loại tình cảm nghĩa là không vì làm giàu mà bỏ mặc tình cảm của người thân, bạn bè và gia đình.
Văn hóa truyền thống luôn dạy chúng ta rằng, phải hiếu kính với người nhà, phải kính trọng người thân, phải chân thành với bạn bè, ba loại tình cảm này là thứ vô cùng quý giá, bao nhiêu tiền cũng không thể sánh bằng. Vì vậy hiếu thảo với gia đình, kính trọng người thân, chân thành với bạn bè là điều mà ai cũng cần phải trân quý.
Không nợ ba khoản
1. Không mắc nợ con cái
Sau khi sinh con bạn phải có trách nhiệm với con cái. Đối với chuyện học hành của con cái bạn nhất định phải lưu tâm, không thể để đứa trẻ mãi tự túc mà không quản lý.
Nếu việc học hành của con trẻ có vấn đề, thì đến khi bạn về già chính là bản thân bạn – cha mẹ phải là người ghánh chịu.
Cho nên bố mẹ không được nợ con cái “trách nhiệm nuôi dưỡng”.
2. Không mắc nợ cha mẹ
Người ta vẫn nói: Nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Khi đến tuổi trung niên, thì cha mẹ cũng đã già, chính lúc này cần thấu hiểu cha mẹ, quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn, làm tròn đạo hiếu.
Tục ngữ nói: “Con muốn nuôi mà cha mẹ không còn”, đây là sự hối tiếc của người con vì đã không làm tròn bổn phận với cha mẹ, cũng là mắc nợ cha mẹ.
Khi chúng ta bận rộn với công việc, thông thường sẽ quên đi việc hiếu kính với cha mẹ mình, mọi người đều nghĩ rằng: đợi qua thời gian bận rộn này rồi sẽ quay về nhà thăm cha mẹ, kiếm đủ tiền rồi sẽ hiếu thảo với cha mẹ…
Nhưng không hay biết rằng, trong lúc bạn đang bận rộn kiếm tiền cũng chính là lúc cha mẹ bạn đang từ từ già đi.
Cùng lúc đó, bạn cũng đang làm gương cho con cái bạn thấy, bạn đối xử với cha mẹ mình như thế nào, tương lai con cái của bạn cũng sẽ đối xử với bạn như thế.
Cho nên khi Cha mẹ còn ở đây, chúng ta cần cố gắng hết sức để báo đáp, để họ an nhàn tuổi già.
3. Không được nợ ân nhân
Để được sống trên thế gian chúng ta cần phải biết ơn.
Những người thầy giáo cũ của mình, có một số ân nhân chính là bạn bè của mình, có một số ân nhân lại chính là cấp trên của mình v…v…
Có rất nhiều cách để báo đáp ân nhân của mình, có thể là sự trưởng thành của chính bản thân mình, cũng có thể là một lời thăm hỏi ấm áp, hoặc sự quan tâm, hoặc là sự giúp đỡ…
Một người luôn biết ơn với người khác thì luôn nhận được sự yêu thương và kính trọng của mọi người.
Đăng Dũng biên tập
Nguồn: Secretchina