Đức hạnh là việc trọng yếu nhất của con người, già trẻ lớn nhỏ ai cũng phải rèn đức hạnh và nó là trụ cốt của đạo làm người. Tử Lộ cho rằng: “Người trí tuệ là người có thể hiểu rõ bản thân. Người nhân đức là người có thể khiến người khác yêu quý mình”.
Người có đức hạnh nếu thông minh, thường rủ lòng thương những người kém hơn mình, tìm cách dạy dỗ khiến họ được mở mang kiến thức kịp thời. Người có đức hạnh, lời ăn tiếng nói của họ lúc nào cũng dịu ngọt với người đối thoại.
Lòng tốt và đức hạnh
Lòng tốt của mỗi người ấy là đức; nết tốt của mỗi người ấy là hạnh. Lòng tốt ấy được mang đi khắp mọi nơi, nết tốt ấy làm gương mẫu cho xã hội. Tuy nhiên có được nết tốt mới làm được việc lành.
Thế nên cả đức lẫn hạnh phải khắng khít không để rời bỏ nhau. Người có đức hạnh giống như người dựng ngôi nhà có được cái nền móng cẩn thận, chắc chắn sẽ được bền lâu và vững vàng.
Đã cho đức hạnh là nền móng thì lúc nào chúng ta cũng cần có nó và trau luyện thường ngày, đến khi nào chúng ta thấy đức hạnh nơi mình được đầy đủ nghĩa là không còn chỗ thiếu sót lỗi lầm.
Chẳng những đối với ông bà cha mẹ và thân quyến trong gia đình mà còn đối với người ngoài xã hội cũng vậy; họ có những giọng nói hiền hòa do lòng họ thốt ra, không giống người xảo quyệt chuyên nói dối trá. Hơn nữa những lời của người có đức hạnh nói ra đều lợi ích, chẳng những lợi trong gia đình mình mà còn lợi ích cho những người xung quanh. Và lời nói của họ có hương vị thơm tho khiến người nghe không chán.
Người có đức hạnh, đáy lòng của họ lúc nào cũng tiềm ẩn sự mong muốn các việc nhân từ hòa nghĩa. Nhân là tha thứ người lỗi lầm; từ là giúp đỡ kẻ khác cùng được sống đầy đủ; hòa là liên kết mọi người gây lấy hạnh phúc; nghĩa là quên mình để cứu người lâm cơn nguy nàn, như là cứu kẻ thân quyến của họ vậy.
Người có đức hạnh, lòng họ luôn luôn khoan dung. Khoan dung là bản tính của họ có sẵn trong từng nhịp thở. Họ khoan dung tha thứ tất cả loài người đến loài vật; họ không khi nào vô cớ làm cho kẻ khác chịu đau khổ hay giết chết loài vật một cách quá đáng. Con người ấy luôn luôn có trung hậu, cư xử trong gia đình hiếu thuận, tình nghĩa đượm đà; còn đối với người ngoài thì ăn ngay ở thật.
Đức hạnh và trí tuệ
Nếu chúng ta không có trí huệ và những ý nghĩ tốt trong tâm, nó giống như một nhà máy không có tài nguyên và nhiên liệu, bởi vậy nó cũng không thể sản xuất ra một loại nhiên liệu tốt.
Nếu tâm chúng ta chứa đầy phúc đức và suối nguồn của sự thông minh, chúng ta sẽ có thể liên tục sản xuất ra được những sản phẩm trí tuệ và có ích cho nhân loại.
Tâm hồn của mỗi người được chăm sóc và nuôi dưỡng mỗi ngày bằng những việc làm có ý nghĩa. Hàng ngày xung quanh ta có biết bao nhiêu điều tốt đẹp, chỉ cần tỉnh táo nhận ra và chọn lựa, chúng ta không thiếu những hạt giống tốt đẹp để gieo trồng.
Làm người nếu biết lấy đức làm gốc rễ ấy là bậc minh trí, bởi đức hạnh chính là đại biểu cho kết quả hàm dưỡng của một người. Nếu một người không ngừng tu tâm tích đức ắt sẽ gia tăng trí huệ, ngộ đạo nhân sinh, tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn cho chính mình.
Tử Cống nói: “Người trí tuệ là người có thể hiểu rõ người khác. Người nhân đức là người có thể yêu quý người khác”.
Nhan Uyên cho rằng: “Người trí tuệ là người sáng suốt tự biết mình. Người nhân đức là người có thể tự trọng tự yêu quý mình”.
Do đó có thể thấy, người trí tuệ là người hiểu rõ người khác, biết rõ bản thân, khiến người khác hiểu mình.
Khổng Tử nói: “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ”, nghĩa là “Người trí tuệ thì không nghi hoặc điều gì, người nhân đức thì không lo lắng điều gì, người dũng cảm thì không sợ điều gì”.
Mạnh Tử đã từng nói: “Cái tâm biết phân biệt đúng sai là khởi đầu của trí tuệ”. Bất kể là trí tuệ của người nhập thế hay là đại trí huệ của Phật gia xuất thế, thì trí tuệ của lòng thiện lương luôn luôn là đức tính tốt đẹp của nhân loại. Dù bất kỳ dân tộc nào, thời kỳ lịch sử nào thì trí tuệ này vẫn mãi tỏa sáng rực rỡ.
Hằng Tâm biên tập