Giàu mà có đức thì phúc lộc đầy nhà, hậu vận sẽ thịnh vượng. Nghèo mà thanh cao, có tấm lòng khoan dung độ lượng, không bị vinh hoa che mắt thì nhất định sẽ có ngày thành công phú quý.
Người xưa có câu: “Có đức mặc sức mà hưởng”, kỳ thực, có đức mới có thể có phúc, có phúc mới có thể có phú quý, cho nên chúng ta trước hết nên bồi dưỡng đức hạnh của chính mình.
Từ cổ chí kim, những người lỗi lạc không ai là không tích đức. Nhân phẩm cao quý nhất trên đời, không gì hơn đọc sách. Người đọc sách cho dù không nổi danh ở thế gian, suy cho cùng vẫn có cốt cách thanh cao, khiến người đời ngưỡng mộ.
Tu đức không truy cầu đắc được phúc báo, lấy thiện làm vui, thì trong lòng thanh thản nhẹ nhàng. Giữ một nội tâm bình hòa, không để tâm chuyện được mất thế gian, thì dù cho cuộc đời có vận đổi sao dời, vẫn sẽ giữ được nụ cười vui vẻ với đời.
Quỷ Cốc Tử chưa từng ra làm quan, lại khai đàn thu đồ đệ, muôn đời lưu danh, đó há chẳng phải là phúc phận? Người có phúc khí, trên người tự nhiên có hai đặc điểm này:
1. Nhìn người phú quý là xem phong thái của họ, nếu như là người ôn hòa hiền hậu, thì ắt vinh quang sẽ lâu dài, mà hậu vận sẽ thịnh vượng
Quan sát những người giàu có thành đạt, nên nhìn phong thái của họ. Nếu như là người ôn hòa nhân hậu, như vậy danh lợi của họ ắt hẳn dài lâu, hậu vận nhất định có thể phồn thịnh.
Quan điểm của người bình thường đối với người giàu có thường là “làm giàu thì không có nhân đức”, “mười người buôn thì có chín kẻ gian”, ví dụ như Mao A Mẫn, Lưu Hiểu Khánh, thu nhập hơn trăm triệu, còn trốn thuế, cuối cùng bị pháp luật chế tài, còn phải ngồi tù.
Kỳ thực, có rất nhiều người giàu có mà lại lễ nghĩa, hiếu học. Kiều Gia, một thương gia nhà Thanh, tự mình tạo ra gia huấn: “Một, không được nạp thiếp; hai, không được hành hạ người hầu; ba, không được gái gú; bốn, không được hút ma túy; năm, không được đánh bạc; sáu, không được say rượu”. Điều này khiến cho Kiều Gia vững mạnh suốt hai trăm năm.
Nhiều người một khi có tiền liền đánh mất chính mình, không thể kiềm chế được bản thân, kiêu ngạo xa xỉ, cuốn vào dòng xoáy tham vọng, cuối cùng lại rơi vào kết cục thê thảm.
Gia đình hòa thuận thì vạn sự hưng, hòa khí thì sinh tài, chỉ có người ôn hậu hiền hòa, mới có thể giàu có lâu dài.
2. Nhìn người nghèo khổ là xem sự độ lượng của họ, người khoan dung rộng lượng, thì phúc khí đến với người đó, gia đình ngày càng thịnh vượng
Quan sát người nghèo khó, nên xem lòng dạ của họ, nếu như là người khoan hồng độ lượng, quang minh lỗi lạc, như vậy phúc khí của họ sẽ dồi dào, gia đình sẽ ngày càng giàu có.
Mạnh Tử nói: “Nghèo hèn không thay đổi, không bị tiền bạc cám dỗ, không bị uy quyền khuất phục, đó gọi là đại trượng phu”. Vinh hoa phú quý không làm nhiễu loạn tâm trí, nghèo khó ti tiện không làm mất sự kiên cường, cường quyền bạo lực không khiến bản thân khuất phục, đây mới gọi là đại trượng phu.
Tô Thức cũng nói: “Nghèo mà ý chí kiên định, không làm mất sự thanh cao”. Năm đó Trần Thắng chỉ là đầy tớ ở nhà một địa chủ, có thể nói: “Nếu như phú quý, xin đừng lãng quên”; năm đó Lưu Bang vẫn chỉ là một đình trưởng nho nhỏ, lúc trông thấy xa giá của Tần Thủy Hoàng, dám thốt lên câu: “Ta nhất định có thể trở thành người như vậy”.
Kiều Quý Phát, thương nhân Sơn Tây người gây dựng nên Kiều Gia, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ, bởi vì bôn ba kiếm sống mà đến Nội Mông Cổ để kinh doanh nhỏ.
Kiều Quý Phát từng bán đậu hũ, giá đỗ, bánh nướng, mì sợi cho đến tạp hóa lẻ tẻ, lương thực, vải vóc, tơ lụa, thuốc, rượu, nhưng ông từ trước đến nay đều làm ăn chân chính, già trẻ không gạt, khoan hồng độ lượng, quang minh lỗi lạc, cho nên một đời làm phú thương.
Có đức mới có thể có phúc, có phúc mới có thể có phú quý, cho nên chúng ta trước hết nên bồi dưỡng đức hạnh của chính mình.
Không có khí tiết căn bản, như gã say đánh người, lúc say thì hùng hồn, tỉnh lại thì hết dám, không có chút sức mạnh. Không có hiểu biết học vấn, như đầu bếp đứng ở trước lò, trước mặt là ánh sáng, nhưng sau lưng là bóng tối.
Lý phải dùng tâm suy xét thì mới đạt được sự tinh túy, vì vậy con người phải thâm trầm sâu sắc, nếu không đạo lý chỉ là câu chuyện kể bên tai. Muốn bắt chước điển cố trong sách thì phải có kiến thức uyên bác, bằng không chỉ là phỏng đoán sai lệch.
Người xưa có câu: “Phong thủy tốt nhất của đời người là ở nhân tâm”, tâm luôn tồn thiện niệm, khiêm nhường, khoan dung và luôn biết tiết chế bản thân, thì phúc khí sẽ luôn tròn đầy, phúc lộc cũng vì thế mà dồi dào.
Nguồn: Secretchina
Chân Nhiên biên tập