Nguồn ảnh: VĐH

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Người tài hoa có đức lớn và tài năng thiên bẩm, ắt phải có đất dụng võ ở đời

By Lan Hòa

April 10, 2022

Trời phú cho họ tài năng thiên bẩm thì nhất định phải có “đất dụng võ”. Nếu như bạn có tài năng mà người khác không có, nhưng lại không dùng tài năng ấy vào việc gì cả thì cũng là lãng phí, là cô phụ “món quà” của Đấng Tạo Hóa.

Gần đây có nhiều bạn bè xung quanh đến than vãn với tôi rằng: Tại sao cùng được trả mức lương như nhau, nhưng mình lại bị phân công nhiều việc, chịu trách nhiệm nhiều hơn so với người khác. Tâm lý bất bình vì bị đối xử bất công này khiến người ta cảm thấy thống khổ hơn nhiều so với áp lực công việc bản thân phải chịu. Hiện tượng này cũng là thường thấy trong xã hội, trước những trăn trở của họ, tôi chỉ có thể an ủi họ rằng: Năng giả đa lao (Người có năng lực phải làm nhiều việc hơn).

Trước đây khi chưa có cái nhìn rõ ràng về quan niệm đúng sai, tốt xấu, tôi vẫn luôn cho rằng câu này mang nghĩa xấu, cho rằng “năng giả đa lao” có nghĩa là người có năng lực thường phải làm nhiều việc không tên hơn.

Sau này khi trưởng thành hơn, tôi mới dần dần minh bạch ra: “Năng giả đa lao” thực ra là mang nghĩa ca ngợi những người có tài năng, một người nếu có tài năng hơn người khác về mặt nào đó thì nên chủ động đi làm những việc liên quan đến sở trường của mình. Chính là “năng lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn”, đó là sứ mệnh của họ trong đời này.

Vì sao người tài giỏi phải làm nhiều việc? Trời phú cho họ tài năng thiên bẩm thì nhất định phải có “đất dụng võ”. Nếu như bạn có tài năng mà người khác không có, nhưng lại không dùng tài năng ấy vào việc gì cả thì cũng là lãng phí, là cô phụ “món quà” của Đấng Tạo Hóa.

Người giàu mà có đức, cứu người giúp đời, người thích làm việc thiện, vui một mình không bằng vui chung với mọi người, đều là những người biết dùng năng lực của bản thân vào việc thích hợp. Thời nhà Tần có một điển cố như sau: Trong những năm loạn lạc, có người họ Mặc một mình hành hiệp trượng nghĩa, bạn của Mặc Địch hỏi anh ta: “Ngày nay thiên hạ không ai vì nghĩa, ngài một mình hành nghĩa mà tự chuốc lấy cái khổ, chi bằng hãy đừng làm vậy nữa”.

Nhưng Mặc Tử trả lời: “Nếu hiện nay có người có 10 người con, nhưng chỉ có một người cày cấy, còn chín người con khác không làm gì, vậy thì người cày cấy kia không thể không khẩn trương cho được. Tại sao vậy? Bởi vì người ăn cơm thì nhiều mà người cày cấy thì ít. Hôm nay, thiên hạ không có người hành nghĩa thì anh nên động viên tôi hành nghĩa, cớ chi lại ngăn cản tôi?”

Tư tưởng chủ đạo của Mặc gia là tương thân, tương ái, không tranh giành, chính vì tấm lòng đại nhân đại nghĩa này nên Mặc Tử mới có trách nhiệm hơn người, ông gánh vác trách nhiệm gìn giữ công bằng, đạo lý và chính nghĩa trong thiên hạ, mục đích để người dân thường có được cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không phải vì hạnh phúc của bản thân. Người như vậy chắc chắn là người có năng lực khác với người bình thường.

Nhưng xã hội ngày nay đã ở tình trạng “kẻ ăn thì nhiều mà kẻ làm thì ít”, nguyên nhân là có nhiều người không có năng lực và người có năng lực nhưng không làm. Nhưng số người không có năng lực không nhiều, còn người có năng lực mà không làm lại nhiều không xuể. Vậy phải chăng phần lớn người không làm đều là người không có năng lực? Chưa hẳn là vậy!

Sự thực chứng minh, có rất nhiều người rất có năng lực, trong khi mưu cầu lợi ích cá nhân họ thể hiện ra “năng lực” và “trí huệ” khiến người khác phải kinh ngạc, nhưng khi đối diện với trách nhiệm và lợi ích chung thì họ lại thể hiện ra sự “vô năng” (không có năng lực), kiểu vô năng này thực ra không phải là không có năng lực, chỉ là bản thân họ không coi đó là việc của mình mà thôi.

Căn nguyên của việc này chính là tâm ích kỷ, tự tư, không muốn chịu thiệt, không có tinh thần trách nhiệm. Những người này thích chọn việc nhẹ, tránh việc nặng, cảm thấy bản thân mình làm nhiều hơn người khác một chút đã so đo tính toán, oán hận, bất bình; có được chút lợi nhỏ liền an phận, chỉ biết thỏa mãn lợi ích bản thân, không muốn quan tâm đến người khác và các vấn đề xã hội; lười suy nghĩ, không dám nhìn thẳng vào hiện thực, trốn tránh sự thực; vì của cải mà bất nhân, trọng danh lợi, khi tranh giành quyền lợi cho bản thân thì biết rõ không thể làm mà vẫn làm, còn khi thực hiện nghĩa vụ lại giả như không thấy.

 

Lan Hòa biên tập

Nguồn: Chánh Kiến Net