Cách đây hàng nghìn năm, cổ nhân đã biết vượt qua cái nắng nóng của mùa hè bằng nhiều phương pháp độc đáo. Ngày nay, khi nghiên cứu lại tài liệu cũ, người ta vẫn không khỏi thán phục trí tuệ của người xưa. Trong khoảng thời gian 5000 năm không có máy điều hòa, cuộc sống của cổ nhân vẫn rất thanh thản dễ chịu.
1. Trở về với thiên nhiên
Thời Bắc Tống, trong cuốn “Hạ Nhật” của Cát Nguyên Hoài có ghi lại: “Dưới tán cây thường râm, gió cạnh nước là mát nhất”. Ở cạnh sông ngòi tự nhiên sẽ mát mẻ, cho nên mỗi dịp đến mùa hè, các quý tộc trong hoàng cung cũng di chuyển đến nơi có non xanh nước biếc mà nghỉ mát.
Ví dụ như triều đại nhà Thanh, bên ngoài Tử Cấm Thành có Tây Uyển, Nam Uyển, Sướng Xuân Viên, Viên Minh Viên được gọi là “Hạ Cung”, còn có sơn trang Thừa Đức là nơi nghỉ mát nổi tiếng nhất.
Dân chúng cũng biết đi vào rừng dưới tán cây mà hóng mát, thả câu, chèo thuyền du ngoạn, thưởng thức phong cảnh, thuận tiện ngâm thơ đối câu.
2. Chất liệu quần áo mát mẻ
Trang phục của người Trung Hoa cổ chủ yếu là áo dài tay, quần dài. Nhưng yếu tố quyết định tính mát mẻ hay ấm áp của trang phục không nằm ở độ dài tay áo, ống quần, mà nằm ở chất liệu.
Thời xưa, vào mùa hè, người giàu có thường mặc các trang phục được làm từ những loại vật liệu “phi tơ luạ”. Người nghèo thì mặc áo quần làm từ sợi gai.
Bên cạnh áo quần, người thời xưa còn chế tạo ra một kiểu giày vừa làm thoáng mát đôi chân, lại vừa tránh nắng. Đó chính là giầy rơm.
Trong một ngôi mộ thời nhà Hán được khai quật, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã từng tìm thấy chiếc áo đơn mỏng của một vị quan Hán triều. Chiếc này này có chiều dài lên tới 2,6m, nhưng lại chỉ nặng có 49g.
3. Sử dụng vật liệu mát mẻ cho giường ngủ
Thời cổ đại có rất nhiều ghi chép về việc dùng đá làm giường, trên giường còn dùng gối bằng sứ, trên mặt gối có thêm một lớp men sứ, khi nằm ngủ sẽ thấy mát lạnh. Triều đại Nam Tống, Lý Thanh Chiếu từng ghi lại trong “Túy hoa âm”: “Ngọc chẩm sa trù, bán dạ lương sơ thấu”, ý rằng gối ngọc màn the, nửa đêm lạnh thấu.
Nếu muốn thoải mái thêm một chút, trên giường cũng có thể trải chiếu. Tương truyền vào thời nhà Đường, các quý tộc trong cung sử dụng chiếu làm bằng ngà voi. Người dân thì thường dùng lá cỏ lau hoặc tre trúc để dệt thành chiếu, vừa tiện nghi lại dễ sử dụng, thói quen này vẫn duy trì cho tới hôm nay.
Thời cổ đại sử dụng gối sứ và chiếu ngà voi để cho giấc ngủ mát mẻ thoải mái dễ chịu. (Ảnh: Epoch Times)
4. Thiết kế kiến trúc nhà phù hợp
Các ngôi nhà cấp bốn thời xưa ở Bắc Kinh đều rất đáng nghiên cứu, nhà ở phía Bắc, hướng phía Nam, để phòng ngừa bị ánh nắng chiếu rọi. Hơn nữa nóc nhà và tường đều rất dày, mùa đông có thể chắn gió tránh rét, mùa hè có thể ngăn cản khí nóng.
Sau khi nhà Minh dời kinh đô về Bắc Kinh, mái hiên trong cung có chiều dài và góc độ đều được thiết kế một cách thống nhất, để mùa hè trước sau đều có thể che nắng, đến mùa đông trước sau ánh sáng mặt trời rọi khắp phòng, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát.
5. Đào đất sâu ba thước
Còn có một biện pháp gọi là “đào sâu ba thước”. Bởi vì tầng nông ở dưới mặt đất có nhiệt độ tương đối ổn định, cho nên có thể đạt được mùa đông ấm, mùa hè mát một cách tự nhiên.
Bởi vậy thời Tiên Tần lưu hành những căn phòng dưới đất, giống huyệt động vậy. Thời Minh cũng có “giếng điều hòa”, ở ngay trong nhà đào một cái giếng rất sâu, bên trên dùng nắp có lỗ đạy lại cẩn thận, mùa hè thì có hơi lạnh từ dưới mặt đất đi lên.
Vào triều Minh, văn sĩ Cao Liêm trong “Tuân sinh bát tiên” có miêu tả: “Biệt thự Hoắc đô, trong một căn nhà đào bảy cái giếng, đều được điêu khắc, dùng bàn đậy lên. Vào mùa hè, bảy cái giếng đem đến hơi lạnh, không còn biết đến thời tiết nóng”.
Hơn nữa, giếng điều hòa ngoài việc có thể hạ nhiệt độ phòng, còn có thể giống như “tủ lạnh” ở dưới mặt đất, có thể trữ băng để ướp lạnh thực phẩm ở trong giếng.
6. Tâm an nhiên tự nhiên thấy mát mẻ
Tâm yên tĩnh khiến cho người tự nhiên cảm thấy mát mẻ, đạo lý này hẳn mọi người đã nghe qua. Thi sĩ đời Đường Bạch Cư Dị có đoạn thơ: “Người người tất bật đi nghỉ mát/ Duy chỉ có thiền sư không ra khỏi phòng/ Không phải thiền phòng không bị nóng/ Là người tâm yên tĩnh thân tự mát”.
Liệu chuyển biến về tâm thái có thể ảnh hưởng tới thân thể? Xã hội phương Tây đã dùng phương pháp khoa học để chứng thực; người Trung Quốc thường nói “phát hỏa”, nổi giận ảnh hưởng tới gan, thực sự rất có đạo lý. Những mặt trái cảm xúc của con người đều khiến thân thể biểu hiện ra những trạng thái bất thường như tức giận, kiêu ngạo, xem thường, đố kỵ,… sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên. Nếu như có thể bảo trì một tâm tính bình thản, tĩnh lặng, thì thân thể tự nhiên sẽ mát mẻ.
(Ảnh: Tinhhoa)
Triều đại nhà Thanh có Hoàng đế Khang Hy rất chú trọng tu thân dưỡng tính, những ngày hè nóng nực ông không dùng quạt, không bỏ mũ, thậm chí không cần mở cửa sổ, bởi vì nội tâm thanh tịnh, cũng không cảm thấy nóng. Hơn nữa ông còn nói mùa hè không thể cứ cầu sự mát mẻ, nhiệt khí của ngày hè bị phong tỏa trong thân thể, không nên phát ra, bởi sẽ làm cho dạ dày không được điều hòa vào mùa thu.
Tránh nóng là có diệu pháp, không phải ở cạnh suối đá. Tâm yên tĩnh vô sự, thì tự nhiên cảm thấy mát lạnh như ở trên núi.
Lan Hòa tổng hợp