Nguồn ảnh: https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2019/03/a13b7a4e1aa0ad4bb20395e29cde73a4ff29502f.jpg

Đời Sống

Người thông minh không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn

By Đăng Dũng

July 21, 2021

Người trí tuệ, bậc quân tử có tấm lòng trong sáng vô tư, dù bên ngoài là biến nghịch gì cũng không thể đụng chạm tới tâm linh họ. Làm người nếu có thể thanh tâm quả dục, không quan tâm nhiều đến được mất hơn thua thì tự nhiên có thể đạt được cảnh giới “Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn”. 

Tâm của một người như thế nào thì hành vi và hoàn cảnh của người ấy cũng là như thế. Nếu trong tâm của người chứa đầy những điều lương thiện thì tự nhiên lời nói và việc làm của họ cũng sẽ giống như vậy. 

Người nào coi danh vọng, tiền tài và tình cảm của con người mới là nguồn gốc của hạnh phúc, thì từ lời nói và việc làm của họ đều sẽ thể hiện ra là họ đang theo đuổi mục tiêu này.

Người nào trong tâm toàn nghĩ đến tranh đấu hơn thua thì gặp bất cứ chuyện gì cũng sẽ khiến lòng họ khó chịu, những người này thường dễ bị cảnh vật bên ngoài chi phối phối cảm xúc của mình.

Có một anh nông dân trẻ, chèo một con thuyền nhỏ, nhận vận chuyển nông sản của thôn dân. Ngày đó thời tiết rất nóng, anh nông dân ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn vội vàng chèo thuyền nhỏ hi vọng nhanh chóng kết thúc công việc vận chuyển nông sản trong ngày.

Đột nhiên, anh phát hiện một chiếc thuyền nhỏ xuôi theo dòng sông, lao rất nhanh về phía mình, hai chiếc thuyền nhỏ như sắp đâm vào nhau mà chiếc thuyền kia không có ý né tránh.

Anh nông dân sốt ruột dùng hết sức hướng về phía chiếc thuyền đang lao đến quát to: “Tránh ra. Nhanh lên tránh ra”.

Tuy nhiên, tiếng gào thét của anh hoàn toàn vô dụng, mặc dù anh ta nhanh chóng điều khiển chiếc thuyền nhỏ của mình né tránh, nhưng đã muộn. Chiếc thuyền kia vẫn nặng nề đâm sầm vào thuyền của anh ta.

Anh nông dân nổi giận lớn tiếng mắng chửi: “Ngươi có biết điều khiển thuyền hay không. Mặt sông rộng như vậy mà ngươi lại đâm vào thuyền nhỏ của ta!”

Khi anh nông dân nhìn kĩ thuyền nhỏ kia thì phát hiện, trên chiếc thuyền không có một bóng người, thứ mà anh ta hô to gọi nhỏ, lớn tiếng mắng chửi nãy giờ chỉ là một con thuyền không người trôi theo dòng nước.

Có rất nhiều tình huống, bạn giận dữ mắng chửi, chỉ trích nửa ngày nhưng người nghe có thể chỉ là một ‘con thuyền không người lái’. Cho nên bạn cần phải hiểu rõ rằng không thể để cho nó trở thành phiền não của bạn, bất kể bạn vì nó mà có bao nhiêu phẫn nộ thì nó cũng sẽ không vì bạn mà động tâm. Vì thế thay vì oán hận, bạn nên nhìn lại để sửa chính mình.

Tâm tĩnh như nước là đạo xử thế của người có đạo đức cao thượng

Người trí tuệ, bậc quân tử có tấm lòng trong sáng vô tư, dù bên ngoài là biến nghịch gì cũng không thể đụng chạm tới tâm linh họ. Làm người nếu có thể thanh tâm quả dục, không quan tâm nhiều đến được mất hơn thua thì tự nhiên có thể đạt được cảnh giới tâm tĩnh lặng như nước.

Năm đó, Phạm Trọng Yêm viết trong Nhạc Dương Lâu ký: “Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn”. Khi đó ông đang ở trong những năm tháng khó khăn nhất của đời người, bị cách chức và bị giam giữ tại Đặng Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. 10 chữ này của ông lại không hề phản ánh khó khăn mà ông đang trải qua lúc đó, trái lại, cho thấy sự bình thản của người quân tử, điều này cho thấy nội tâm của Phạm Công quá kiên cường.

Con người sống trên thế gian này, không thể cầu nguyện cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ, con đường đi bằng phẳng. Khi bạn đang ở giữa chông gai, nếu có thể, đừng quên những lời này của Khổng Tử: “Nội tâm thật sự mạnh mẽ, không phải là dùng vũ lực đấu tranh với khó khăn, mà là sự dũng cảm của bậc thánh nhân khi gặp đại nạn không cảm thấy sợ hãi”. Sau đó dần dần thấm nhuần những tư tưởng mà Khổng Tử đã khổ công đúc kết vào trong trái tim bạn. 

Khi một người có thể nhẫn nhịn và im lặng chờ đợi, chủ yếu là vì anh ta tin rằng một thời điểm thích hợp sẽ mang đến cho anh ta những điều tốt đẹp. Chỉ đáng tiếc là, thời đến vận chuyển không phải chỉ qua một đêm, thời gian quá lâu khiến nhiều người mất đi lòng kiên nhẫn, biến thành thất vọng và đau buồn. 

Trong Luận ngữ, Khổng Tử có viết một câu nói nổi tiếng: “Qua những ngày tháng lạnh lẽo rồi mới biết cây tùng, cây bách”. Những lời này là muốn nói với mọi người trên thế gian: Trong những ngày tháng khó khăn nhất, kiên nhẫn vượt qua, bạn mới biết mình mạnh mẽ đến thế nào.

Cổ nhân có câu “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta đều là do cái tâm của chúng ta diễn hóa ra. Nguồn gốc của sức mạnh bên trong nằm ở bên trong nội tâm của chính mình. Chính vì vậy là người thông minh không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn.

Chân Kiến biên tập