Cảm Ngộ Nhân Sinh

Người thông minh tùy cơ ứng biến, có thể vì người khác mà tự mình thay đổi

By Đăng Dũng

June 14, 2021

Trong cuộc đời mỗi con người, nếu ai cũng có thể sống thuận theo thiên lý, sống biết vứt bỏ vị tư cá nhân, suy nghĩ cho người khác một chút, có thể vì người khác mà thay đổi bản thân thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn biết nhường nào.

Thực tế trong cuộc sống thực tại, có nhiều việc chúng ta có thể làm được cho người khác một cách dễ dàng, nhưng vì tính vị tư cá nhân nên chúng ta cảm thấy phiền lòng khi giúp đỡ người khác, vị tư chính là cách mà con người tự làm hại chính mình.

Nếu bạn quá cứng rắn sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với những người xung quanh!. Người xưa nói: “mềm nắn rắn buông”. Chúng ta cần biết lúc nào nên cứng rắn, lúc nào không nên để có đạo làm người được người khác coi trọng!

Các bậc trí thức, thánh hiền và trung thần nghĩa sĩ thời cổ đại đều thông qua tu thân dưỡng tính mà nhân phẩm đạt tới cảnh giới tinh thần cao thượng, có thể tùy cơ ứng biến, có thể vì người khác mà tự mình thay đổi

Họ đã vì hậu nhân mà để lại rất nhiều câu danh ngôn hàm chứa chân lý và đạo lý làm người, trải qua hàng ngàn năm đến nay vẫn là di sản tinh thần quý giá, nổi tiếng là câu nói: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” , hay “Thánh nhân tùy cơ ứng biến, trí giả thuận theo tự nhiên”.

Cuộc đời mỗi người sẽ thay đổi theo nhiều cách khác nhau: qua những người ta gặp, những việc ta làm và qua những cuốn sách ta đọc. Chính vì vậy hãy trân trọng những gì mình có, hãy để rắc rối trở thành cơ hội, hãy để khó khăn trở thành bàn đạp chứ không phải vật cản.

Bạn không thể mong đạt được những mục tiêu mới hay vượt qua hoàn cảnh hiện tại nếu bạn không thay đổi. Mỗi người thay đổi từng ngày từng ngày, và… sau vài năm trôi qua, đã trở thành người hoàn toàn khác.

Câu chuyện triết lý: Cái chân của tiểu hòa thượng sau sẽ mách bảo bạn nhiều điều trong cuộc sống:

Một hôm, thiền sư Mã Tổ có bắc một cái ghế ngồi trên con đường nhỏ phía sau chùa để đọc sách. 

Không lâu sau, có một tiểu hòa thượng đang đẩy chiếc xe đi từ phía vườn rau trở về chùa. Vì con đường quá hẹp, mà thiền sư Mã Tổ lại duỗi chân ra giữa đường, nên tiểu hòa thượng không sao đẩy xe qua được, bèn xin Sư phụ thu chân lại. 

Nhưng bất ngờ là thiền sư Mã Tổ không những không co chân lại, mà còn nói: “Chân ta luôn luôn duỗi ra, không bao giờ co lại”.

Tiểu hòa thượng vừa sững sờ, vừa có chút khó xử, rồi nói: “Sư phụ không thu chân lại, con không thể trở về chùa”.

Thiền sư Mã Tổ vừa nói, thậm chí còn không thèm nhìn tiểu hòa thượng: “Đó là việc của con”.

Tiểu hòa thượng suy nghĩ một chút rồi thưa: “Sư phụ, người chỉ duỗi ra chứ không co lại, cho nên con không thể đi qua chân của sư phụ. Vậy chúng ta đổi vị trí đi, con ngồi ở trên ghế, còn sư phụ tới đẩy xe!”.

Sau khi nghe điều này, Thiền sư Mã Tổ cảm thấy khá thú vị, liền đổi vị trí với đồ đệ.

Tiểu hòa thượng lúc này cũng bắt chước duỗi thẳng chân, nhưng khi Thiền sư Mã Tổ đẩy xe về phía mình, thì cậu bèn rụt chân lại.

Thiền sư Mã Tổ hỏi: “Tại sao con thu chân lại?”

Tiểu hòa thượng cười nói: “Sư phụ là người chỉ duỗi không co lại, nhưng con có thể co duỗi, cho nên con thu chân lại”.

Sau đó tiểu hòa thượng đẩy xe đi, còn Thiền sư Mã Tổ thì nhìn theo bóng dáng của đệ tử mình mà cười tâm đắc.

Nhiều năm sau, Thiền sư Mã Tổ đã truyền lại y bát cho tiểu hòa thượng này. Còn tiểu hòa thượng sau đó đã trở thành cao tăng ở Ngũ Đài Sơn, được gọi là Thiền sư Ẩn Phong.

Thế mới biết cái giá trị cao cả của sự thay đổi. Vị tiểu hòa thượng khi thấy sư phụ của mình kiên quyết không thay đổi thì cậu ta đã khéo léo xin sư phụ cho mình thay đổi vị trí. Cách ứng xử đó đã làm Thiền sư Mã Tổ hài lòng vì hòa thượng biết tôn trọng mình, biết mềm dẻo trong ứng xử, rất trí tuệ thông minh. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng câu chuyện đã truyền tải một thông điệp triết lý:

Nếu bạn không chịu thay đổi thì bạn sẽ không thành công. Nếu bạn không thay đổi nghĩa là bạn cố chấp vào ý mình, đó là bảo thủ là chưa mềm mỏng thuận theo tự nhiên. Bạn thay đổi đúng lúc, đúng thời điểm chính là bạn đang biến bại thành thắng, biến nguy thành yên, biến điều tưởng như thất bại thành kết quả tốt ngoài cả sức tưởng tượng của bạn.

Hãy thay đổi khi cần thiết bạn sẽ là con người chinh phục người khác một cách thông minh nhất. Như cổ nhân từng nói: Lùi một bước biển rộng trời cao. Đó là cái đích cuối cùng xứng đáng với tầm suy nghĩ của bạn.

Lão Tử từng  đã từng nói :”Nhân sinh và trời đất, bản lai và tự nhiên là một thể. Sinh lão bệnh tử của con người và xuân hạ thu đông của đại tự nhiên kỳ thực không có khác biệt. Tự nhiên mà sống, tự nhiên mà chết, thuận theo tự nhiên thì sẽ không mê mất bản tính. Trong tâm thường nghĩ công danh lợi lộc nên mới có u sầu trong tâm, mới có sinh ra phiền não”.

Chỉ có biết vứt bỏ vị tư cá nhân, hướng đến vị tha, cứ làm theo lý của tự nhiên, cứ nghe theo đạo của tự nhiên, nước ắt tự trị, người ắt tự chính”.

Trong cuộc sống, nếu ai cũng có thể sống thuận theo thiên lý, biết mềm mỏng đúng chỗ, cứng rắn đúng lúc, sống biết vứt bỏ vị tư cá nhân, suy nghĩ cho người khác một chút thì cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn biết nhường nào.

Chân Kiến biên tập