Chùa là nơi thanh tịnh nên mỗi khi gặp chuyện buồn hay gặp khó khăn mọi người thường lên chùa để tìm sự bình an và thanh thản.
Người xưa tin rằng Thần linh nhìn rõ được thiện tâm của mình, tâm tính tốt thì tất sẽ được thuận lợi và phúc báo giống như câu “cảnh tùy tâm chuyển”. Cho nên họ đi chùa không phải cầu điều này, điều kia. Vậy người xưa đi chùa thường không cầu những điều sau
1. Cầu không ốm đau, bệnh tật
Đi chùa đứng trước tượng Phật không nên cầu khỏi ốm đau, cầu không bệnh vì đó chính là tâm chấp trước. Bệnh tật là do nghiệp lực của mình tạo ra, hành thiện tích đức, tu thân dưỡng tính thì tự nhiên bệnh sẽ tiêu tan.
2. Cầu không gặp trắc trở
Nếu không gặp trắc trở trong cuộc sống thì đó không phải là cuộc sống của người thường mà đó là cuộc sống của Thần tiên. Vậy làm thế nào để không gặp trắc trở thì chỉ có thể do chính mình tạo ra đó là hành thiện, tích đức
3. Cầu cả đời được bằng phẳng
Nếu như không có chướng ngại thì việc tu tâm dưỡng tính sẽ bị trì trệ, lười biếng mà không tiến lên. Từ đó trong tâm cứ tưởng rằng mình đã là một người tốt, không còn chút nghiệp lực nào. Hãy coi chướng ngại là mục đích cho sự tôi luyện về đích!
4. Cầu làm việc dễ dàng thành công
Dễ dàng thành công sẽ tạo ra con người tính cách kiêu ngạo, hung hăng và mất đi tính kiên nhẫn, từ đó dẫn tới tâm lười biếng.
5. Cầu vụ lợi cho bản thân
Cầu lợi cho bản thân thì chính là tâm tham mà người muốn tu luyện viên mãn thì cần vứt bỏ tâm tham.
6. Cầu mọi chuyện thuận theo mình
Mọi chuyện thuận theo ý mình sẽ nảy sinh ra tâm thái ngạo khí và từ đó chấp trước vào những thứ mình nhìn thấy là chính xác. Coi thường những điều người khác góp ý
7. Cầu tranh giành phải trái đúng sai
Khi người khác hiểu lầm đừng cứ tranh cãi để giải thích và lấy cái đúng về mình nó chỉ càng làm cho tâm mình vướng bận chi bằng im lặng và mở một nụ cười cho qua. Là người tu luyện cần buông bỏ những chấp trước, toan tính, cái tốt cần học hỏi, cái xấu cần loại bỏ.
Biên tập: Thiên Hà