Nguồn ảnh: Internet

Đời Sống

Nguồn gốc tục treo câu đối đỏ ngày Tết

By Đăng Dũng

February 09, 2021

Chơi câu đối Tết cũng là một phong tục truyền thống của Tết xưa. Các câu đối thường gửi gắm nguyện vọng trong năm mới như: trừ tà, tiêu tai giải hạn, phát tài, bình an, phúc, lộc, thọ, khang…

1. Nguồn gốc tục treo câu đối đỏ ngày Tết

Câu đối tết có khởi nguồn từ đào phù, tức là tấm bùa bằng gỗ cây đào. Đào phù bắt đầu từ thời nhà Chu, là hai tấm gỗ đào hình chữ nhật treo hai bên cửa. Theo “Hậu Hán thư – Lễ nghi chí” thì: “Đào phù dài 6 tấc (khoảng 20 phân), rộng 3 tấc (khoảng 10 phân), trên đào phù viết tên hai vị Thần chế phục ác ma là Thần Đồ và Uất Lũy. Ngày mồng 1 Tết, treo đào phù ở cửa, có thể khiến trăm loài quỷ đều sợ hãi tránh xa”. Đào phù có thể xua đuổi ma quỷ, trấn áp ma tà, tiêu tai giải họa, đón lành tránh hung.

Đến thời Ngũ Đại, trong cung đình nhà Tây Hán bắt đầu viết câu đối lên đào phù. Theo “Tống sử – Thục thế gia” có viết: Hậu Thục chủ Mạnh Sưởng lệnh cho học sỹ Chương Tốn viết lên đào phù 2 câu đối:

Tân niên nạp dư khánh

Gia tiết hiệu trường xuân.

   Tạm dịch:

Năm mới thừa phúc lành

Tết đẹp mãi trường xuân.

Đây chính là câu đối Tết đầu tiên trong lịch sử các nước Á Đông.

Nguồn gốc tục treo câu đối đỏ ngày Tết ở nước ta

Tương truyền, vào một năm, sắp tới giao thừa, vua Lê Thánh Tông dạo phố phường xem dân ăn Tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ góa, con trai đi vắng, vua sai lấy giấy bút đến và viết: Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ; Triều đình chu tử tổng ngõ gia (Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ; Đỏ tía triều đình tự cửa ta).

Tuy xuất hiện từ thời Ngũ đại nhưng phải đến đời Đường mới hình thành tục treo câu đối tết, nhưng vẫn chưa thật phát triển. Nhiều gia đình muốn có câu đối để treo nhưng không biết làm mà cũng chưa có tục viết và bán câu đối ngoài chợ.

Truyện dân gian còn kể rằng: một nhà nọ muốn có câu đối treo Tết nên lúc trang trí nhà cửa chuẩn bị đón xuân, gia chủ sửa sang cổng nhà thật đẹp, treo đèn lồng, làm hoa giấy sặc sỡ và dán ở hai bên cổng 2 băng giấy trắng, cạnh đó có một tờ giấy ghi lời mời: “Trân trọng đợi các văn nhân cho chữ”. Một nhà nho là Lưu Vũ Tích đi qua cổng nhìn thấy, hiểu ý chủ nhà muốn xin câu đối Tết nhưng ông lại nghĩ ra cách đùa vui nên ông lấy bút và đề: “Lưỡng xứ mang mang giai bất kiến nhất chỉ không văn”. (nghĩa là: Hai bên đều mờ mịt không hề nhìn thấy gì chỉ là tờ giấy trắng).

Khách qua lại, nhìn thấy câu đối ai cũng dừng lại ngắm nghía thưởng thức, từ ý nghĩa, vế đối, đến cảnh giới tâm hồn đều rất cao siêu, nét chữ rắn rỏi lại mềm mại bay lượn, bút lực mạnh mẽ, phóng khoáng khiến ai nấy đều trầm trồ thích thú.Tục lệ dán câu đối chỉ phát triển mạnh từ triều Minh. Nếu thiếu một đôi câu đối đỏ treo trong nhà thì ngày xuân chắc hẳn là chưa toàn vẹn. Đôi câu đối khiến người ta cảm thấy Tết cổ truyền trở nên thiêng liêng hơn, trang trọng hơn và đặc biệt hơn những ngày bình thường khác.

Câu đối Tết thường viết vào giấy màu đỏ vì màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, phù hợp với không khí thiêng liêng và có lẽ còn mang hàm ý của tục dùng màu đỏ để dọa giống quỷ có tên là Năm trong truyền thuyết. Ngoài ra, màu đỏ còn chống được hơi sương, khí ẩm của mùa đông buốt giá. Cũng có khi người ta dùng giấy vàng để viết nhưng ít hơn. Vì câu đối thường được viết bằng màu đen trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên được gọi chung là câu đối đỏ.

2. Ý nghĩa của tục treo câu đối

Câu đối Tết không chỉ dùng để trang trí cho vui cửa vui nhà trong ba ngày Tết, mà thông qua đó người dân Việt còn gởi gắm bao điều chúc tụng, ước mong. Mong cho mưa thuận gió hòa, mong cho dân giàu nước mạnh và cầu mong một năm sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt.

Câu đối là một nét đẹp văn hóa của người Việt nó thể hiện tài trí thông minh, nhanh nhạy, thể hiện phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử. Câu đối không dài, không nhiều chữ nghĩa như những bài văn bài thơ, tuy chỉ có hai vế nhưng nó vẫn thể hiện được những ý tưởng, quan điểm một cách rõ ràng, cô đọng và súc tích.

Câu đối ngày xưa, vốn được sử dụng trong nhiều dịp, nhiều hoàn cảnh và không gian văn hoá của người Việt như: Đối đáp, hỉ sự, trang trí, văn đàm, giáo huấn, thờ phụng, thể hiện tầm vóc trí tuệ gia chủ, thể hiện niềm tự hào về gia huy, hay thậm chí là món quà tao nhã và giá trị mà các bậc quân vương dùng để ban tặng hay bạn bè tri kỉ gửi đến nhau.

Ngày nay, câu đối đỏ treo trong nhà ngày Tết vẫn có chỗ đứng riêng biệt và mang một hình ảnh ấn tượng khó thay thế trong các gia đình lễ giáo gia phong Việt Nam từ xưa đến nay.

Cảnh vật ngày xuân muôn màu muôn vẻ, câu đối Tết cũng vậy, không chỉ lắm màu lắm vẻ bởi những nét bút như phượng múa rồng bay, mà bản thân câu đối chứa đựng nhiều ý nghĩa cát tường, đó là những lời cầu mong chúc tụng và đồng thời gửi gắm tâm tư, ước vọng của bao nhà, bao người trong những ngày thiêng liêng đầu năm mới. Cầu cho suốt năm sức khỏe dồi dào, tấn tài tấn lộc, mưa thuận gió hòa và quốc thái dân an.

Nguồn ảnh: Internet

 3. Những câu đối chúc xuân ngắn gọn, ý nghĩa

Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc – Đời vui, sức khỏe, Tết an khang.

Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ – Xuân khắp dương gian, phúc khắp nhà.

Chúc Tết đến trăm điều như ý – Mừng xuân sang vạn sự thành công.

Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố – Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian.

Xuân an khang đức tài như ý – Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên.

Trai gái cười vui mừng đón Tết – Trẻ già hoan hỉ đón xuân sang.

Ngày xuân hạnh phúc bình an đến – Năm mới vinh hoa phú quý về.

Phúc rạng rỡ niềm vui tươi hy vọng – Lộc đủ đầy no ấm suốt quanh năm.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Cung chúc tân xuân phước vĩnh cửu – Chúc trong gia quyến được an khang.

 Mai vàng nở rộ mừng năm mới – Đào hồng khoe sắc đón xuân sang.

Trời thêm năm tháng người thêm tuổi – Xuân khắp đất trời phúc khắp nhà.

Tết đến gia đình vui sum họp – Xuân về con cháu hưởng bình an.

Cung hỷ phát tài – Tấn tài tấn lộc.

Cát tường như ý – Cung chúc tân xuân.

Những câu đối chúc Tết hay và ý nghĩa bằng tiếng Hán

  1. Sơn thủy thanh cao xuân bất tận – Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh.

Dịch nghĩa: Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi – Thần tiên vui thú cảnh đời đời.

  1. Tổ tông công đức thiên niên thịnh – Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương.

Dịch nghĩa: Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh – Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay.

  1. Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức – Bố y tùy phận, cầu phúc đức lai tài.

Dịch nghĩa: Nhà cỏ ở yên, tích kim quang được đức – Áo vải an thân, cầu phúc đức đến tài.

  1. Tứ thời xuân tại thủ – Ngũ phúc thọ vi tiên.

Dịch nghĩa: Bốn mùa xuân trên hết – Năm phúc thọ đầu tiên.

  1. Tân niên, hạnh phúc bình an tiến – Xuân nhật, vinh hoa phú quý lai.

Dịch nghĩa: Năm mới, hạnh phúc bình an đến – Ngày xuân, vinh hoa phú quý về.

  1. Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ – Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.

Dịch nghĩa: Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ – Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà.

  1. Niệm tiên tổ, duật tu quyết đức – Khải hậu nhân, trường phát kỳ tường.

Dịch nghĩa: Nhớ tổ tiên, đẹp điều nhân đức – Tin cháu con, bền sự lạ hay.

  1. Môn đa khách đáo thiên tài đáo – Gia hữu nhân lai vạn vật lai.

Dịch nghĩa: Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến – Nhà có người vào lắm vật vào.

  1. Địa sinh tài, thế nghiệp quang huy – Thiên tứ phúc, gia thanh hiện thái.

Dịch nghĩa: Ðất sinh tài, nghiệp đời xán lạn – Trời ban phúc, nhà tiếng tốt tươi.

  1. Niên niên như ý xuân – Tuế tuế bình an nhật.

Dịch nghĩa: Năm năm xuân như ý – Tuổi tuổi ngày bình an.

Các câu đối chúc Tết 4 chữ

  1. Cung chúc tân xuân – Vạn sự như ý.
  2. Phát tài phát lộc – Công thành danh toại.
  3. Cung hỷ phát tài – Tấn tài tấn lộc.
  4. Xuân dinh tứ hải –  Mai khai ngũ phúc.
  5. Thành công liên miên – Hạnh phúc triền miên.
  6. Túi luôn đầy tiền – Sung sướng như tiên.
  7. Ngàn lần như ý – Vạn sự như mơ.
  8. Vạn sự như ý – Đắc lộc toàn gia.
  9. Triệu sự bất ngờ – Tỷ lần hạnh phúc.
  10. Hòa khí sinh tài – Tân niên vạn phúc.

 Biên tập: Đăng Dũng

Nguồn: dkn