Ảnh: dkn.news

Khám Phá

Nguồn gốc và ý nghĩa của quan niệm “Nam tả nữ hữu” được áp dụng trong cuộc sống

By Đăng Dũng

October 20, 2021

Câu nói “nam tả nữ hữu” đã có từ xưa và cũng không xa lạ gì trong cuộc sống của người Việt Nam hiên đại. Câu nói như một quy tắc hợp lý, nhưng bạn đã biết nguồn gốc của câu nói, ý nghĩa của câu nói và nó được vận dụng trong các lĩnh vực nào trong cuộc sống chưa? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về câu nói này nhé!

Nguồn gốc nam tả nữ hữu

Theo truyền thuyết, quan niệm này bắt nguồn từ câu chuyện thủy tổ Bàn Cổ của người Trung Hoa xưa biến thành tiên. Theo cuốn “Ngũ vận lịch niên ký” có ghi chép rằng mắt trái của Bàn Cổ hóa thành Thần Mặt Trời, mắt phải hóa thành Thần Mặt Trăng. Trong dân gian lưu truyền “nam tả nữ hữu” chính là bắt nguồn từ câu chuyện này.

Đây không phải là một điều mê tín mà nó là một quy tắc hoàn toàn hợp lý và có cơ sở khoa học rõ ràng. Cơ sở khoa học của quan niệm này có liên quan mật thiết đến học thuyết thuyết âm dương của đạo gia trong triết học Trung Quốc cổ đại.

Theo thuyết này, mọi vật trong vũ trụ khi sinh ra đều có 2 mặt đối lập là âm và dương, sự vật trong tự nhiên là có lớn bé, dài ngắn, trên dưới, trái phải, v.v… hai thế lực đối lập nhau nhưng lại thống nhất với nhau trong vạn vật, là khởi đầu của mọi sinh thành biến hóa.

Âm dương không loại trừ nhau mà tạo điều kiện tồn tại cho nhau, là động lực của mọi vận động và phát triển. Quy luật âm dương chỉ rõ mọi sự vật đều có âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, âm thăng dương giáng, âm dương cân bằng thì sự vật tồn tại”.

Vận dụng nam tả nữ hữu trong hôn nhân

Học thuyết âm – dương quy định đàn ông là dương, phụ nữ là âm. Trong cùng một con người thì phía trên là dương, phía dưới là âm hoặc phía sau lưng là dương, phía trước bụng là âm; phía tay trái là dương phía tay phải là âm. Vận dụng quan niệm này vào trong cuộc sống, nhất là cuộc sống hôn nhân thì khi vợ chồng nằm cạnh nhau thì chồng nằm vị trí bên trái, còn vợ ở vị trí bên phải. Mặt khác, bên phải của nam là âm cần hợp với bên trái của nữ là dương, vậy nam nằm bên trái (tả) nữ nằm bên phải (hữu) nam là hợp quy luật âm dương.

Theo quy luật giới tính thì việc vợ nằm bên trái và gối đầu lên tay phải của chồng thì sẽ thấy yên tâm hơn, cảm giác an toàn vì được người chồng che chở và bao bọc. Còn về phía người chồng thì họ sẽ thấy tự hào và hãnh diện vì được là người chở che cho vợ. Tất cả cảm giác đó đưa họ vào giấc ngủ say và sâu hơn.

Theo quy luật sinh lý thì việc người chồng nằm ở bên tay trái để vợ nằm nghiêng về bên phải mình thì hô hấp dễ thông suốt, đồng thời làm cho thức ăn trong dạ dày đi vào ruột non được thuận lợi và có thể nằm lâu hơn. Còn nếu người chồng nằm bên phải vợ do tính chủ động của người đàn ông buộc anh ta phải nằm nghiêng bên trái mình để ôm vợ thì ở tư thế này không nằm lâu được vì tim bị chèn ép, do đó không có cặp vợ chồng nào nằm ở tư thế này thường xuyên.

Bàn thờ vận dụng theo nam tả nữ hữu

Bàn thờ theo nguyên tắc nam tả nữ hữu được áp dụng lâu đời để hài hòa âm dương, đem lại phong thủy tốt. Không ít gia đình thắc mắc việc sắp xếp ảnh thờ sao cho đúng, hợp phong thủy. Việc để ảnh thờ không đơn giản, không thể theo thói quen, không phải đặt sao cũng được vì như vậy là cách thờ không đúng.

Trong văn hóa phương Đông, việc thờ cúng rất thiêng liêng và hệ trọng thể hiện lòng tôn kính, phong tục truyền thống cao đẹp của người Việt. Trong đó, ảnh thờ phải để đúng quy định. Theo nét văn hóa truyền thống người Việt, ảnh thờ ông ở bên trái, ảnh thờ bà ở bên phải theo hướng bàn thờ ra ngoài.

Nếu như gia chủ đứng nhìn vào bàn thờ thì ngược lại, ảnh ông ở bên phải, ảnh bà ở bên trái. Khung ảnh cân đối kích thước phù hợp với không gian thờ. Theo cách đặt ảnh thờ này mà gia chủ áp dụng để đúng phong thủy âm dương và truyền thống dân tộc. Khi nhìn lên bàn thờ, gia chủ sẽ thấy được sự hài hòa và cân đối, thể hiện được sự tôn kính của con cháu.

Đặt mộ theo nam tả nữ hữu

Tương tự với ảnh thờ cúng, huyệt mộ cũng áp dụng quy tắc nam tả nữ hữu theo hướng từ mộ nhìn ra ngoài. Hướng gia chủ đứng ở ngoài nhìn vào trong mộ là ngược lại. Mộ ông bà thì ông nằm bên trái, bà nằm bên phải theo quy tắc này. Theo ông bà xưa, nam bên trái tượng trưng cho thanh long, nữ bên phải tượng trưng cho bạch hổ.

Thanh long và Bạch hổ thuộc về tứ tượng trong khái niệm thuyết âm dương để xem hướng tốt phù hợp phong thủy được lưu truyền từ nhiều đời. Gia thế dòng họ lớn gia chủ rất chú trọng việc xây dựng mộ phần gia tiên, ông bà cho đúng phong thủy. Vì như thế, con cháu mới được tổ tiên phù hộ thuận lợi làm ăn, bình an trong cuộc sống.

Dân gian thường nói “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên khi chúng ta tin tưởng thờ cúng tôn kính, đúng mực thì sẽ có linh ứng tốt, được phù hộ, độ trì. Những việc không may mắn, không hợp phong thủy nên né tránh để không gặp phải điều xấu. Một quy tắc đơn giản, là truyền thống của dân tộc và nếu tuân theo sẽ mang lại nhiều bình an trong cuộc sống.

Áp dụng nam tả nữ hữu trong tranh mừng thọ

Biểu tượng song hành với quy tắc nam tả nữ hữu trong bức tranh mừng thọ giống với biểu tượng thanh long và bạch hổ, thể hiện vai trò của đàn ông và đàn bà trong gia đình. Thanh long sẽ tạo nên cuộc sống tốt đẹp và may mắn. Trong khi đó, bạch hổ giúp tạo dựng, duy trì những điều này lâu dài hơn, chắc chắn hơn.

Thông thường thì bạch hổ nằm bên phải ngôi nhà, theo hướng từ trong nhà nhìn ra là phía tây, thấp hơn thanh long. Nguyên nhân là do bạch hổ có khí thế mạnh mẽ lấn át thanh long sẽ làm mất cân đối trong phong thủy. Áp dụng theo quy tắc nam tả nữ hữu khi thiết kế tranh mừng thọ sẽ giúp cụ ông, cụ bà sống trường thọ, vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu hơn.

Một số nghi thức khác áp dụng nam tả nữ hữu

Trong thực tế cuộc sống, nam tả nữ hữu không phải chỉ là quan niệm tâm linh như đặt di ảnh thờ cúng, đặt bài vị, đặt mộ bia… mà trong các nghi thức trang nghiêm trong các nghi lễ lớn cũng áp dụng đúng quy tắc này. Cụ thể như sau:

Trong các nghi lễ quốc gia, nước chủ nhà là dương nên quốc kỳ, nguyên thủ quốc gia, thủ tướng đều ở vị trí bên trái. Nước ngoài là khách mời là âm ở vị trí bên phải. Điều này bạn cũng có thể dễ dàng thấy được trong các trận bóng giao hữu.

Nghi lễ hợp tác quốc gia, văn kiện, ký kết hợp đồng,… của các quan chức cấp cao nhà nước vẫn áp dụng theo quy tắc nam tả nữ hữu. Nếu bạn hay theo dõi tin tức thế giới thì sẽ dễ dàng nhận thấy quy tắc này được áp dụng khá nhiều.

Khi xây nhà ở cũng áp dụng cho phù hợp quy tắc nam hữu tả nữ. Ngôi nhà là nơi sinh sống cả đời, cho nên hướng nhà hợp phong thủy rất quan trọng. Nếu chọn đúng hướng phù hợp với gia chủ thì sẽ đem lại may mắn, bình an, tài lộc. Và đây cũng là điều cực kỳ quan trọng, được gia chủ đặc biệt coi trọng.

Vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu qua về quan điểm truyền thống “nam tả nữ hữu”, quy tắc này rất thường gặp trong cuộc sống của chúng ta. Hy vọng qua bài viết này bạn đã tích lũy được ít nhiều điều có ích trong cuộc sống. Nguồn: dkn.news Quang Minh tổng hợp