Nguồn ảnh: ĐKn

Văn Hóa

Nguồn sạch nước tự trong, đại tín hành thiên hạ

By Đăng Dũng

July 03, 2021

Người xưa rất xem trọng tu dưỡng đạo đức, lấy thành tín là nội dung tu dưỡng căn bản nhất trong tư cách đạo đức, cũng như trong quy phạm đạo đức “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Thời đầu những năm Trinh Quan (627-647) triều đại nhà Đường, có người đệ trình thư thỉnh cầu trừ bỏ nịnh thần. Đức Vua Đường Thái Tông hỏi: “Trẫm bổ nhiệm quan viên, là để họ trở thành những hiền thần. Theo khanh, làm thế nào phân biệt ai là nịnh thần?”

Người đã viết thư đó trả lời: “Tâu bệ hạ, hạ thần ở nơi dân chúng, không biết rõ ai là nịnh thần trong cung. Nếu bệ hạ muốn biết, thì bệ hạ giả vờ nổi giận để thử lòng người. Nếu ai không sợ hãi mà đứng ra can gián, thì đó chắc chắn là người cương trực. Còn ai thuận theo mà a dua xu phụ thì quả nhiên là nịnh thần.”

Bấy giờ, Đường Thái Tông nói với Phong Đức Di: “Dòng nước chảy kia trong hay đục, ấy cũng là từ nguồn nước định ra. Vua ví như nguồn nước, trăm họ tựa như dòng. Vua tự thân làm điều giả dối, lại còn muốn triều thần công minh chính trực là sao? Đầu nguồn đã dơ bẩn, lại đòi có nước trong? Như thế không hợp đạo lý.

Trẫm xưa nay vẫn cho rằng Nguỵ Vũ Đế giảo trá, nên tự trong lòng khinh bỉ ông ta lắm. Lấy lối hành xử đó làm gương sao được?” Xong, Đường Thái Tông bảo người đã dâng thư: “Trẫm vẫn mong lấy ‘đại tín’ làm phương châm cho hành xử trong thiên hạ. Không dùng ‘lừa dối’ để giáo hoá dân chúng. Lời của khanh dẫu có chỗ hay, nhưng Trẫm không thể làm theo được.”

Đến năm Trinh Quan thứ 17, Đường Thái Tôn nói với triều thần: “Trong Tả Truyện có viết ‘khứ thực tồn tín’ (bỏ miếng ăn để giữ chứ ‘tín’), Khổng Tử viết ‘dân vô tín bất lập’ (với dân mà không có ‘tín’ thì không thể đứng được). Năm xưa khi Hạng Vũ đem quân tiến vào Hàm Dương là đã khống chế được thiên hạ rồi. Nếu ông ta biết đề cao ‘nhân lễ nghĩa trí tín’, thì sau này Lưu Bang làm sao đoạt nổi thiên hạ?”

Nghe vậy Phòng Huyền Linh nói: “Vẫn nói ‘nhân lễ nghĩa trí tín’ là ‘ngũ thường’. Trong năm cái đó, thiếu một cái là không được. Biết khéo dùng cho đủ, sẽ ích lợi vô cùng. Vua Ân đời nhà Trụ khinh mạn chê bai ‘ngũ thường’, sau bị Vũ Vương lấy mất thiên hạ. Hạng Vũ không giữ chữ ‘tín’, sau bị Hán Cao Tổ lật đổ. Quả đúng như lời hoàng thượng nói.”

Người xưa từ trong quá trình trời đất tạo thành vạn vật, nhận ra đặc tính không ngừng vươn lên của vạn vật trong đất trời, liền lấy đặc tính đó gọi là “诚”(Thành). Từ đó mở ra chuẩn mực hành vi cho con người: “Thị cố thành giả, thiên chi đạo dã; tư thành giả, nhân chi đạo dã” (nguồn gốc sự thành tín, là đạo của trời; thành tín của cá nhân, là đạo của con người). Chỉ ra con người ứng với sự thành tín mà tương thông với đạo trời.

“信”(Tín) theo kết cấu tạo chữ, “lấy lời nói của con người làm tin”, những luận thuật liên quan đến chữ tín có “Nhất nặc thiên kim” (Một lời hứa đáng giá nghìn vàng), “Ngôn tất tín, hành tất quả” (Lời nói nhất định phải thành thật, làm nhất định phải có kết quả),“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”(Một lời đã nói, bốn con ngựa cũng khó đuổi kịp) …

Làm người thành tín, là căn bản trong xử thế, là một loại mỹ đức, càng là một loại trách nhiệm. Người xưa thường dùng tiêu chuẩn “Chí thành” (thành tâm thành ý) để ước thúc bản thân, cân đối quan hệ với người khác, đề cao tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Chúng ta nên tuân theo tiêu chuẩn đạo đức đã được người xưa đời đời lưu truyền này. Nguồn: Minhhui

Gia An biên tập