Nguồn ảnh: Vietnamnet

Khám Phá

Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ báo Tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ và lời người “Man di” hiện đại

By Đăng Dũng

July 16, 2021

Nguyễn Văn Vĩnh cũng như những như những bậc trí giả khác ở Thế kỷ 20 nhận thấy sự suy đồi của trí thức lẫn đạo đức của xã hội. Họ đều mong muốn dùng cái sở học của mình để truyền bá, lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Họ chọn đứng ngoài dòng chảy quyền lực, tiền tài và danh vọng.

Các giáo sĩ người Pháp có thể được xem người sáng tạo ra bộ chữ cái Latinh Tiếng Việt thay cho chữ Nôm tượng hình. Nhưng hoàn thiện Tiếng Việt là do công sức các học giả người Việt. Người ta thường hay nói công sinh chưa bằng công dưỡng. Nên cái vai trò của các học giả Việt Nam thật quan trọng để Tiếng Việt có diện mạo như ngày hôm nay. Nhưng nhắc đến Tiếng Việt mà không kể đến Nguyễn Văn Vĩnh thì quả là một thiếu sót lớn.

Nguyễn Văn Vĩnh là ai? Câu hỏi thảng thốt đến đau lòng!

Đó là “Title” của một bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ Online vào ngày 26/12/2017 nhân dịp Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức chiếu bộ phim “Mạn đàm về người Man di hiện đại” nói về học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).

Chưa vội bàn về vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực báo chí, dịch thuật, văn học, chỉ cần xem xét về những nỗ lực truyền bá chữ quốc ngữ và dùng nó trong việc khai dân trí, canh tân đất nước, thì mỗi một người chúng ta hôm nay chỉ cần viết được tên mình thôi cũng đã phải nên biết đến Nguyễn Văn Vĩnh.

Năng khiếu ngôn ngữ

Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 trong một gia đình nghèo khó, tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Tám (8) tuổi đi làm nghề kéo quạt ở trường Thông ngôn của Pháp ở Đình Yên Phụ, Hà Nội. Ngồi kéo quạt nhưng Nguyễn Văn Vĩnh chăm chú nghe giảng. Năm 1893, Ông dự thi tốt nghiệp vào lớp thông ngôn tập sự ngạch Tòa công sứ cùng với 40 học sinh của khóa học, và đỗ thứ 12 khi mới 10 tuổi.

Hiệu trưởng trường đặc cách xin học bổng cho Nguyễn Văn Vĩnh và nhận ông làm học sinh chính thức của khóa học tiếp theo. Ông đỗ thủ khoa khóa này khi mới 14 tuổi và được tuyển đi làm thông ngôn ở Lào Cai. 15 tuổi Ông đã học thêm tiếng Trung Quốc và tiếng Anh để thuận tiện cho công việc hàng ngày.

Ý tưởng dùng Tiếng Việt mới để canh tân đất nước

Nhận thấy Tiếng Việt (mới) với các mẫu tự Latinh đơn giản và dễ tiếp cận tri thức Tây Phương hơn chữ Nôm tượng hình, Nguyễn Văn Vĩnh ôm ý tưởng sử dụng Tiếng Việt để giúp cho nhiều người Việt học hỏi mở mang kiến thức, giúp dân tộc tự cường. Ông dịch những bài văn hay của Pháp ra Tiếng Việt, bắt đầu bằng những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine.

Theo nhà sử học Chương Thâu, Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp và người đầu tiên đưa Truyện Kiều lên màn hình “chớp bóng” những năm đầu thế kỷ 20.

Năm 1906, nhân cơ hội tham gia tại Hội chợ thuộc địa ở Marseille, được tận mắt chứng kiến nền văn minh phương Tây, ông trở về nước với quyết tâm phát triển nền công nghiệp xuất bản mà đầu tiên là phát hành báo chí, để qua đó truyền bá chữ Quốc ngữ và bài bác các hủ tục phong kiến lạc hậu, nhằm canh tân đất nước, vì vậy ông đã xin thôi làm công chức và trở thành nhà báo tự do.

Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội. Ông xuất bản tờ báo “Đăng cổ Tùng báo”, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ. Sau ngày Thực dân Pháp đóng cửa Đăng cổ tùng báo, Ông tiếp tục làm Chủ bút tờ tuần báo Đông Dương tạp chí, Chủ bút – Chủ báo tờ Trung Bắc tân văn, Chủ nhiệm tờ Học báo – tờ báo có chuyên đề về giáo dục do Trần Trọng Kim lo việc bài vở.

Năm 1936, bị ép trả nợ, Nguyễn Văn Vĩnh phải sang Lào làm phu đào vàng. Vào một ngày tháng 5/1936, người ta tìm thấy Nguyễn Văn Vĩnh một mình trên con thuyền độc mộc, một tay vẫn cầm bút và tay kia cầm quyển sổ, trôi giữa dòng Sê Băng Hiêng.

Lời người Man di hiện đại

Nguyễn Văn Vĩnh cũng như những như những bậc trí giả khác ở Thế kỷ 20 nhận thấy sự suy đồi của trí thức lẫn đạo đức của xã hội. Họ đều mong muốn dùng cái sở học của mình để truyền bá, lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Họ chọn đứng ngoài dòng chảy quyền lực, tiền tài và danh vọng.

“Man di” thường được hiểu là thuật ngữ để chỉ một người hay nhóm người bị cho là thiếu văn minh hoặc còn hành xử theo kiểu nguyên thủy so với các giá trị chuẩn mực của thế giới hiện đại. Lời người “Man di” hiện đại là tên bộ sách tập hợp các bài viết tiêu biểu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong suốt 30 năm làm báo (1907-1936).

Những người đi ngược dòng

Suy cho cùng cái việc “Khai dân trí” mà Nguyễn Văn Vĩnh làm suốt cả cuộc đời thì mục đích vẫn là đề cao giá trị đạo đức của con người và xã hội trở lại mà thôi. Vì sứ mệnh ấy mà Ông đã luôn chọn đứng ngoài chính sự để làm một nhà báo, một học giả, một nhà tư tưởng. Ông đã chọn công cụ là ngôn ngữ Tiếng Việt mới và văn hóa Tây phương.

Nguyễn Văn Vĩnh cũng chọn rời bỏ vị trí công chức Chính phủ, không nhận lời mời làm Thượng thư Triều đình, không nhận Bắc Đẩu Bội Tinh, không nhận Kim khánh của vua Khải Định. Ông chọn làm nhà báo tự do để canh tân xã hội. Chế độ nhà Nguyễn, chế độ thuộc địa, những người theo chủ nghĩa vô sản đều rất ngại nói đến Nguyễn Văn Vĩnh…”. Cả đời đi ngược, Ông chỉ chịu xuôi dòng khi nằm bất động trên dòng Sê Băng Hiêng.

Nguyễn Văn Vĩnh là một học giả, nhà tư tưởng, nhà báo hiếm có của dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Mãi cho đến gần đây người ta mới công nhận sự đóng góp to lớn của Ông với dân tộc. Dẫu sao Trí thức vẫn là dòng chính của xã hội. Nhưng đứng trước cái vòng xoáy của danh lợi tình thì có mấy người không lo sợ bị cuốn theo. Mà nếu thế thì xã hội này, thế giới này sẽ về nơi đâu.

Mừng thay, cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21 trong bối cảnh của thời kì loạn thế mạt pháp này chúng ta vẫn còn được thấy sự xuất hiện của những con người sẵn sàng ngược dòng để truyền đi những giá trị tốt đẹp, những mong đề cao đạo đức xã hội trở lại. Họ có thể không sắm vai là trí thức hay học giả, không phải nhà báo, cũng không phải nhà tư tưởng lỗi lạc. Họ chọn đứng ngoài Danh Lợi Tình để cổ súy cho trăm cái đẹp, vạn điều hay, và hồng dương các giá trị Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ này.

10/7/2021

Nam Vũ biên tập