Từ một chàng trai có ngoại hình “như hoa như ngọc”, có công việc ổn định, tương lai xán lạn nhưng chàng trai 29 tuổi – Thích Minh Tâm vẫn không thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và cuối cùng anh đã quyết định đi tu.
Khi nói về cuộc đời mình, Thích Minh Tâm giải thích rằng, thực ra anh cũng như bao người khác, sống để theo đuổi hạnh phúc. “Cuộc đời của mỗi người đều là một cuộc tu hành, tu một cái tâm dịu dàng và thanh thản. Tâm thanh tịnh rồi, thế giới tự nhiên sẽ đẹp đẽ hơn!”, Thích Minh Tâm nói.
Đó là sự an bài của số phận
Thích Minh Tâm sinh năm 1980 tại Vĩnh Gia, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Ở tuổi 29, chàng trai quyết định từ bỏ công việc ổn định để bước vào Phật môn, trở thành trụ trì của chùa Phổ An, tỉnh Chiết Giang.
Vì sự lựa chọn cho là khó hiểu này, vị trụ trì rất được quan tâm trên mạng xã hội. Anh từng được coi là một hiện tượng đặc biệt của giới trẻ. Nhiều người so sánh anh với nhân vật Đường Tăng trong tác phẩm “Tây Du Ký”.
Từ khi có trụ trì mới, nhiều người thường xuyên tới chùa Phổ An, không phải để bái Phật mà để ngắm Thích Minh Tâm. Thậm chí, không ít phụ nữ giàu có theo đuổi anh, người xung quanh nhìn thấy vậy nói: “Anh ta kiểu gì cũng hoàn tục thôi”. Nhưng Thích Minh Tâm lại nói, ngay cả khi chưa xuất gia, anh chưa từng gặp cô gái nào vừa lòng mình, bởi vậy cả đời này không có suy nghĩ kết hôn và sinh con. Để làm mình già và bớt đẹp trai, anh nuôi râu. Nghe có người chê mình xấu, anh cười đáp: “Xấu xí là có tác dụng rồi”.
Nhiều người tò mò đặt câu hỏi, vì sao một người đẹp trai, có công việc ổn định lại lựa chọn xuất gia? Thích Minh Tâm giải thích: “Đó là sự an bài của số phận”.
Gia đình của người đàn ông này có ba anh chị em, ba mẹ đã rất vất vả để nuôi dưỡng các con ăn học. Anh từ nhỏ là một đứa trẻ ngoan, dù thích chơi game nhưng thành tích học tập vẫn xuất sắc.
Tốt nghiệp cấp 2, để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, anh chọn học trung cấp kế toán để nhanh được đi làm. Sau khi ra trường, anh tham gia kỳ thi tuyển công chức, vượt qua 140 người để được tuyển dụng với điểm số cao thứ 4. Thời điểm đó, công việc nhà nước là niềm ao ước của nhiều người tại vùng quê Vĩnh Gia.
Vừa làm, Thích Minh Tâm vừa học lên đại học, tương lai rất xán lạn. Trong mắt nhiều người, anh là một người khá toàn vẹn khi vừa có tri thức, công việc tốt, lại có ngoại hình ưa nhìn. Tuy nhiên anh lại luôn cảm thấy buồn chán và thất vọng.
“Tôi không thích cuộc sống yên ổn rồi tìm người kết hôn, sinh con. Cũng không thích kiểu cuộc sống đi làm kiếm tiền một cách danh lợi hóa thế này”, Thích Minh Tâm nói. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã luôn đau đáu một vấn đề: “Con người ta sống ở đời, rốt cuộc có ý nghĩa gì?”
Là một người nhạy cảm, anh luôn dằn vặt về sinh ly tử biệt, nghĩ tới một ngày nào đó bố mẹ mất đi, lòng anh lại nặng như núi đè. Thích Minh Tâm thú nhận điểm yếu của mình, không muốn kết hôn sinh con cũng vì muốn bớt đi những lần sinh ly tử biệt. Anh cũng từng tiết lộ từ nhỏ không thích mặc áo sơ mi, comple mà chỉ yêu thích chiếc áo choàng của các nhà sư.
Năm 2006, một bài hát Phật giáo đã khơi dậy sự hứng thú của anh đối với con đường tu hành và bắt đầu có suy nghĩ sẽ xuất gia. Xuất gia không đồng nghĩa với việc không có thất tình lục dục, không vấn không vương, cầu Phật lại càng không có nghĩa là sẽ dập tắt mọi dục vọng của con người. Tư tưởng của Phật gia nằm ở chỗ giáo dục con người nhận thức được sự tàn khốc của thế giới. Chấp nhận tất cả những gì đã mất đi, an tĩnh hoan hỉ mới có thể “có được”.
Cuộc đời của mỗi người đều là một cuộc tu hành
Tháng 12/2006, Thích Minh Tâm từ bỏ mọi thứ, tìm tới một ngôi chùa có tên Quốc Thanh xin xuất gia, ở chùa để tiếp nhận khảo sát. Không ngờ mấy hôm sau bố mẹ anh tới tìm, khóc lóc để buộc con phải về nhà. Nghe con trai nói ý nguyện xuất gia, họ lại khóc hết nước mắt.
Cha mẹ anh vẫn ám ảnh việc nối dõi tông đường, hơn nữa trong quan điểm xưa, chỉ có người bế tắc mới chọn con đường đi tu, trong khi sự nghiệp của Thích Minh Tâm vẫn hết sức hanh thông, tốt đẹp. Anh chán nản tới mức nhiều lần nghĩ quẩn, nhưng ơn dưỡng dục của cha mẹ còn phải báo đáp, anh đành nhẫn nại, âm thầm chờ đợi cơ hội.
Mỗi năm người đàn ông này đều dành một tháng để ở trong chùa, đồng thời tham gia một khóa tu ngắn hạn mặc quần áo nhà Phật tới Tây Tạng cùng mọi người, gặp được nhiều Phật tử khác. Ở Tây Tạng, dân địa phương rất tôn trọng các nhà sư, không giống như ở quê anh, các nhà sư thường bị coi thuộc về “tộc người khác”.
Nhận được sự tôn trọng khi ở Tây Tạng, Thích Minh Tâm lại càng kiên định với lựa chọn của mình, từ bi độ nhân là chuyện tốt, không cần phải vì chuyện này mà tự ti và hoài nghi. Anh nói: “Nếu ba mẹ có thể vui với niềm vui của con, con sẽ là người hạnh phúc nhất trên thế gian này.”
Năm 2009, sau ba năm kiên nhẫn thuyết phục, cuối cùng ba mẹ cũng đồng ý cho Thích Minh Tâm đi tu, nhưng họ đưa ra yêu cầu: “Không được về chùa ở quê, nếu có về thăm nhà thì cũng phải mặc quần áo bình thường, không được để hàng xóm biết chuyện xuất gia, nếu không sẽ khiến cả nhà bị cười nhạo”.
Nhận được sự đồng ý, Thích Minh Tâm sau đó thi đỗ vào Học viện Phật giáo Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu đi khắp đất nước để tìm nơi tu hành. Bố mẹ nhìn thấy con trai nhận được sự yêu mến và kính trọng của mọi người, bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Thay vì bất an, lén lút, giờ họ đường hoàng tới những nơi con trai tu hành thăm nom, thi thoảng còn mang thức ăn cho con tẩm bổ.
Cuối cùng, Thích Minh Tâm lựa chọn ngôi chùa Phổ An làm nơi dừng chân cho mình. Đây là ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm nhưng bị xuống cấp đổ nát, không có nhà sư nào ở đây trong nhiều năm. Thích Minh Tâm cảm thấy mình có thể thay đổi tình hình này. Tại đây, song song với công việc tu sửa, anh trồng đủ các loại cây hoa. Ngôi chùa từ chỗ suy tàn, đổ nát nay trở nên đẹp đẽ và tràn đầy sức sống, ngày càng có nhiều người tìm tới để bái Phật.
Khi nói về cuộc đời mình, Thích Minh Tâm giải thích rằng, thực ra anh cũng như bao người khác, sống để theo đuổi hạnh phúc. “Cuộc đời của mỗi người đều là một cuộc tu hành, tu một cái tâm dịu dàng và thanh thản. Tâm thanh tịnh rồi, thế giới tự nhiên sẽ đẹp đẽ hơn!”, Thích Minh Tâm nói.
Nguồn: vnexpress.net