Nguồn ảnh: Đkn

Cảm Ngộ Nhân Sinh

‘Nhẫn’ là một phẩm chất đạo đức cao quý của con người

By Đăng Dũng

June 10, 2021

Cuộc sống này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có lúc xuôi chèo mát mái thì cũng có lúc đầy  mưa giông gió bão, đầy thử thách làm lay động đến cả tâm can. Trước những tình huống đó, con người hơn nhau ở khả năng Nhẫn nhịn để vượt qua, và kết quả sẽ hoàn toàn khác biệt giữa những người có thể Nhẫn và không thể Nhẫn.

Giới hạn cao nhất của lòng kiên nhẫn là: không nói, không cáu, không giận. Muốn phát tiết thật dễ dàng, muốn nhẫn nại lại rất khó khăn. Chẳng vậy mà người xưa nói: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng”.

Nhẫn việc đời mới gọi là bậc cao nhân, Nhẫn mà trong tâm không oán hận mới là cái Nhẫn của con người đại trí, đại nghĩa. Nhẫn đến mức người đời xem ta như một kẻ ngốc, đó thực sự là cái Nhẫn khiến người đời có lương tri khâm phục.

Nhẫn trong gia đình sẽ đem lại hòa khí êm ấm giữa những người thân, Nhẫn trong quan hệ bạn bè sẽ tạo nên những mối quan hệ hòa thuận đẹp đẽ. Con người có tâm Nhẫn nhịn thì trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng có cách ứng xử mềm dẻo nhất và không gây tổn thất cho mọi mối quan hệ, và họ là sứ giả của sự bình yên.

Hơn 10 năm trước, tại một huyện ở miền Bắc Trung Quốc, có một sự cố xảy ra. Trên phố, một nhóm côn đồ địa phương thay phiên nhau đánh đấm một người đàn ông trung niên cao to và khỏe mạnh. Sau khi im lặng chịu đựng trận đòn man rợ, mũi và miệng người đàn ông trung niên đã rớm máu. 

Tuy nhiên, điều lạ là ông không đánh lại, cũng không tránh những cú đấm và cú đá. Người xem đều cho rằng người đàn ông này thật khờ dại. Một cụ già không thể đứng xem cảnh này lâu hơn được nữa. Sau khi đám du côn rời đi, cụ già tới lau vết máu trên mặt người đàn ông trung niên. Cụ ngạc nhiên khi nhìn kỹ và nhận ra rằng đây là một huấn luyện viên trường võ thuật chuyên nghiệp ở một huyện gần đó. Thêm nữa, người đàn ông này đã đoạt giải quán quân trong một cuộc thi võ thuật danh tiếng!

Quá kinh ngạc, cụ già hỏi ông: “Với công phu của mình, ông thừa sức khuất phục mấy tên lưu manh đó. Tại sao ông không đánh lại khi bị đánh như vậy?” Người đàn ông trung niên điềm tĩnh đáp: “Những người luyện võ giảng về ‘võ đức’. Bị họ đánh vài lần không thể gây ra vết thương lớn nào đối với tôi. Còn nếu động thủ tôi có thể làm chết người ấy chứ. Ngoài ra, đánh nhau với đám du côn không biết võ đó có thể làm bẩn tay tôi”. 

Sau khi nghe điều này, một số người xem tỏ vẻ kính phục, trong khi những người khác chỉ thầm cười khẩy khi người đàn ông bước đi.

Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến điển cố “Hàn Tín chịu nhục chui háng”. Nếu khi ấy Hàn Tín lấy đầu kẻ vô lại bằng thanh bảo kiếm của mình, ông sẽ không phải chịu nỗi nhục chui dưới háng của hắn. Nhưng ông đã nhẫn chịu nỗi nhục này để tránh lấy đi một mạng người. Ngoài ra, ông làm vậy là bởi vì ông không còn đường lui. Bò dưới hai chân kẻ vô lại không phải hèn nhát, cũng không phải ngu ngốc.

 Đó là biểu hiện cao thượng của tâm đại nhẫn và đại trí. Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Hán Cao Tổ Lưu Bang và giúp ông sáng lập triều Hán. Công lao vĩ đại của Hàn Tín đối với triều Hán đã chứng minh ông là một bậc đại trí.

Một số người chỉ trích tư tưởng “tinh trung báo quốc” của Nhạc Phi triều Tống là “ngu trung”. Cũng có người coi hành vi của những bậc đại trí tuệ là “điên” và “khờ”. Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn ngược lại. 

Trong lịch sử Trung Quốc có cố sự gọi là “phong tăng tảo Tần” (tăng điên quét Tần Cối). Vị “tăng điên” này không phải điên thật, mà ông chỉ dùng trí tuệ của mình để bỡn cợt một đại gian thần làm Tể tướng đương triều, kẻ đã giết hại trung thần Nhạc Phi. Tần Cối, kẻ tự đóng mình lên cây cột sỉ nhục muôn đời mới là kẻ “điên” và “khờ” thật sự.

Theo đuổi sảng khoái và lợi ích nhất thời trong những việc nhỏ nhặt chỉ là sự khôn vặt của người đời. Bậc đại trí trông như kẻ khờ, bởi vậy người bình thường khó mà luận được anh hùng dựa trên được – mất ở thế gian. Chỉ người dùng tâm đại nhẫn mà thiện đãi thiên hạ mới đúng là biểu hiện của đại trí tuệ.

Dịch từ: Zhengjian

Nhung Nguyễn biên tập