Cha mẹ của bạn đã chăm sóc bạn không chỉ trong những năm đầu tiên của cuộc đời mà ngay cả khi bạn đã lập gia đình riêng! Bây giờ chính là lúc bạn cho họ thấy rằng bạn sẽ ở bên họ khi họ cần. Nguồn ảnh: afamily.vn

Làm Cha Mẹ

Những bí quyết chăm sóc ba mẹ lớn tuổi

By Đăng Dũng

May 15, 2021

Người ta hay nói: “Ba mẹ nuôi con bằng trời bằng biển, con nuôi ba mẹ tính tháng tính ngày”, việc chăm sóc ba mẹ lớn tuổi từ xưa đã là một đạo hiếu làm con mà không phải ai cũng có thể làm tròn. Vậy làm sao để bạn có thể phụng dưỡng ba mẹ một cách chu đáo ngay cả khi bận rộn đây?.

Dưới đây là một số việc con cái nên làm để cha mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Ghi nhớ ngày sinh của cha mẹ và chuẩn bị những món quà xinh xắn bất ngờ dành tặng cho cha mẹ và không quên nói rằng: “Con yêu cha mẹ! Con nhớ cha mẹ!”

Cố gắng thu xếp thời gian về bên cha mẹ nhiều hơn. Nếu không thể làm được thế thì một tuần hãy gọi điện thăm hỏi cha mẹ đôi lần! Có thể bạn không biết phải nói gì, thì hãy cứ để cha mẹ huyên thuyên những gì muốn nói. Bạn chỉ cần lắng nghe và đôi khi bày tỏ vài lời thích hợp là được rồi.

Hàng năm hay vài năm có thể mời cha mẹ tới một nơi nào đó, để cùng trải nghiệm và thay đổi không khí. Nhưng bạn phải nhớ rằng cha mẹ già rồi nên sẽ ngại ra ngoài vì bất tiện. Bạn hãy chuẩn bị thật chu đáo cho chuyến đi, để cha mẹ yên lòng, không phải hốt hoảng khi rời xa mái nhà thân thuộc của mình.

Thường xuyên chụp ảnh cùng cha mẹ, đặc biệt là nên dẫn theo bạn gái, hay vợ con bạn. Hãy để cha mẹ có cảm giác mình vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Chăm chỉ trả lời tin nhắn hỏi han của cha mẹ. Đừng vì những cuộc điện thoại ‘càm ràm’ của cha mẹ mà tỏ ra khó chịu hay giận dỗi. Có thể bạn quá bận rộn và không muốn bị cắt đứt dòng suy nghĩ lúc đó. Hãy nói cho cha mẹ biết khi nào có thể gọi cho bạn hay bạn có thể gọi lại, để họ yên lòng.

Hãy tìm cho cha mẹ những người bạn già có thể cùng nhau chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Bởi lẽ có những điều chúng ta không thể thấu hiểu khi chưa có những trải nghiệm của những người cao tuổi.

Thường xuyên trò truyện, tâm sự với cha mẹ. Hãy kể về công việc, cuộc sống của mình, về những người bạn mới hay những chuyện thú vị của bạn. Cha mẹ sợ nhất là trở thành một người thừa trong cuộc sống của bạn, sợ bạn không cần đến họ nữa, sợ sự cô đơn của tuổi già gặm nhấm trái tim họ. Hãy để họ bước vào cuộc sống của bạn và yên lòng vì biết rằng con của họ vẫn ổn.

Thức ăn phải được nấu thật chín, thật mềm. Bởi lẽ răng của cha mẹ không còn chắc như xưa. Nó đã yếu và lỏng hơn rất nhiều rồi. Đôi khi cha mẹ chỉ có thể nhai lạo xạo vài miếng và nuốt vào cho no bụng.

Vào những ngày đông lạnh lẽo, hãy chuẩn bị những đồ giữ ấm cho cha mẹ, như một đôi dép bông đi trong nhà cho khỏi lạnh bàn chân, những chiếc túi sưởi, hay những chiếc chăn ấm, đệm êm, để cha mẹ có thể ngủ ngon giấc.

Hãy học một vài cách dưỡng sinh tốt cho sức khỏe của cha mẹ và xem cha mẹ có hứng thú không. Hãy chuẩn bị chu đáo những loại thuốc thường dùng trong nhà như thuốc đau đầu, sổ mũi, cảm cúm, đi ngoài… Hay sắm những vật dụng bảo vệ sức như ghế mát xa, bồn ngâm chân…tùy vào điều kiện kinh tế của bạn.

Hàng năm hãy giúp cha mẹ rửa chân một lần, đấm lưng một lần, chải đầu một lần, cắt móng chân móng tay một lần. Thuở ấu thơ cha mẹ vẫn thường làm những việc ấy cho chúng ta với lòng yêu thương bao la. Có khi nào chúng ta để ý rằng mắt cha mẹ đã mờ, lưng cha mẹ không thể cúi xuống để làm những việc đơn giản, nhỏ bé như vậy không?

Để ý xem cha mẹ thích ăn gì, và hãy tự mình làm cho cha mẹ một vài món. Bạn còn nhớ khi nhỏ cha mẹ đã làm cho chúng ta rất nhiều món ngon và hạnh phúc ngắm nhìn chúng ta ăn ngon lành không?

Lắng nghe cha mẹ kể chuyện ngày xưa, kể về những hồi ức trong quá khứ. Nếu có thể hãy ghi âm để làm ấm nóng lại những ký ức của cha mẹ.

Nếu cha mẹ bị ốm thì bạn phải hiểu rằng tình thân luôn là số một, sự nghiệp mới là số 2. Trong thời gian cha mẹ lâm bệnh nếu có thể thu xếp được thì hãy tự mình chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho cha mẹ, không được sợ bẩn, sợ nọ sợ kia. Hãy nhớ lại khi xưa chúng ta còn nhỏ ốm đau cha mẹ đã lo lắng, chăm sóc cho chúng ta như thế nào.

Hãy ở bên cạnh cha mẹ vào những ngày quan trọng, để cha mẹ biết rằng bạn vẫn luôn nhớ tới họ và coi cha mẹ là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình.

Người già hay thích nói nhiều vì sợ cô đơn và thấy mình không còn có ích nữa. Hãy lắng nghe cha mẹ và giúp cha mẹ mở được nút thắt vướng bận trong tâm.

Nếu bạn đã lập gia đình, hãy yêu thương và kính trọng lẫn nhau. Nếu hai vợ chồng nhất thiết phải tranh cãi, thì cũng cần tránh lúc cha mẹ có mặt ở đó. Người già kỵ nhất là trong nhà bất hòa.

Nếu bạn đã lập gia đình thì vợ chồng cần bao dung, tôn trọng và thực lòng kính yêu cha mẹ của hai bên. Hai vợ chồng tôn trọng, yêu thương nhau, đừng để cha mẹ phải lo lắng, tức giận hay bị tổn thương.

Hoàn thành những tâm nguyện cha mẹ chưa thể thực hiện khi còn trẻ:  Dẫu là cảm giác bay bổng giữa bầu trời bao la hay ngắm những con sóng dạt dào ngoài biển khơi, hay leo lên những đỉnh núi cao…

Cùng đi dạo, nói chuyện và tập thể dục với cha mẹ.

Dẫn cha mẹ đi xem phim, cùng cha mẹ hát karaoke để cùng hòa nhập và trải nghiệm hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Ủng hộ những sở thích riêng tư lành mạnh của cha mẹ một cách vô điều kiện, tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của cha mẹ.

Khi chúng ta lớn lên, trưởng thành rồi va vấp trong cuộc sống xô bồ này, sẽ đến một lúc chợt nhận ra rằng: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.

Tình cảm của mẹ cha dành cho những đứa con vẫn luôn cứ bao la dạt dào như thế. Vậy nên, nếu ai đó vẫn may mắn có mẹ cha bên đời, hãy yêu thương và quan tâm mẹ cha hơn nữa, hãy trân trọng từng giây phút ở bên họ, bởi bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì sẽ đến với bạn ngày mai.

 

Thiên Hà biên tập

Nguồn: dkn.tv