Ảnh: adventurejourney.vn

Khám Phá

Những câu chuyện kỳ lạ về vị thiền sư có pháp thuật cao siêu, ông tổ nghề đúc đồng ở Việt Nam

By Đăng Dũng

September 15, 2020

Nguyễn Minh Không hay Lý Quốc Sư  là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử, là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam, được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng và cũng là ông tổ nghề Đông y Việt Nam.

 Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành thời trẻ ở chùa Quốc Thanh, sau lên đường sang Tây Trúc tầm sư học đạo cùng Từ Đạo Hạnh, Giác Hải và sau đó cả ba đều đắc đạo trở về.

Có câu truyện khi còn đang học đạo, trong khi dạo chơi ở khu rừng, Từ Đạo Hạnh giả tiếng hổ dọa Nguyễn Minh Không, tuy nhiên bị Minh Không đoán ra, Người nói: “Nếu ngươi muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế.” Từ Đạo Hạnh hối hận: “Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi đệ sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, huynh với đệ có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu đệ;

Từ Đạo Hạnh biết được thiên cơ, ông muốn làm vua nên đã đầu thai chuyển kiếp làm con Sùng Hiền Hầu, rồi được vua Nhân Tông nhận làm con nuôi, ông được Vua yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế.

Năm hai mươi tuổi, đột nhiên vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, lông mọc khắp cơ thể, tâm trí rối loạn, đau đớn gầm rú như hổ, các lương y đều bó tay cứu chữa. Bỗng có đứa trẻ cất tiếng hát: “Dục trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không”

(Muốn chữa bệnh cho vua, phải tìm Nguyễn Minh Không). Triều đình bèn sai sứ thần đi tìm Minh Không.

Triều đình mang 500 quân ngự lâm đến đón ông, khi đó đã trưa, ai nấy đều đói. Ông đón sứ thần và đám lính chèo thuyền bằng một nồi cơm nhỏ, ăn với muối vừng, ấy thế mà chẳng hiểu sao cả đám năm trăm người cứ múc cơm ra thì nồi lại tự đầy, cả đám quân lính ăn no căng bụng mới thôi. Nguyễn Minh Không dặn mọi người cứ nhắm mắt ngủ cho lại sức, một lúc thì trời nổi gió to, thuyền lao đi vun vút, chốc lát sau thuyền đã về đến kinh đô, khiến ai nấy đều kinh ngạc.

Khi Minh Không tới, các bậc học sĩ khinh ông quê mùa không thèm chào. Minh Không móc trong tay nải ra chiếc đinh dài năm tấc rồi dùng tay không đấm chiếc đinh ngập sâu vào cột, lại nói: “Có nhổ được đinh này hãng nói chuyện chữa bệnh”. Chẳng ai dám nhổ, Minh Không bèn lấy hai ngón tay trái mà nhổ, đinh bật phăng ra khiến ai nấy kính phục. Đoạn tới đối mặt vua Thần Tông, lên tiếng:

Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bề, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy? Vua nghe nói thì run lên cầm cập.

Tiếp đó, ông nói lấy một vạc dầu lớn đun sôi, cho thả vào đó một trăm chiếc kim và hỏi: Có ai dùng tay lấy đủ 100 chiếc kim trong này ra không?. Tất cả đều rùng mình lắc đầu không dám. Ông liền thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục, quậy lên khoảng ba bốn lần rồi vớt đủ 100 cái kim. Sau đó, ông lấy nước dầu sôi tắm cho nhà vua, lấy kim châm vào các huyệt, khi dầu dội đến đâu, lông lá trút hết đến đó. Bệnh liền bớt ngay. Nhà vua, các quan thần cũng như những người có mặt ở đó vô cùng kính phục trước tài phép của Nguyễn Minh Không. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng của ông, vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư. Ông trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu.

Tên tuổi Không Lộ vượt qua cả biên giới Đại Việt. Vua Tống bị chứng bệnh hiếm gặp, các thái y chữa mãi không được. Sứ giả bèn sang Đại Việt tìm người, vua Lý chỉ sang gặp ông. Ông lập tức sang phương Bắc và sau đó chữa khỏi bệnh cho vua Tống. Vua muốn trả ơn, bèn hỏi ông muốn thích gì, ông chỉ xin đồng đen đem về đúc tượng vừa đủ … cái tay nải. Vua thấy cái tay nải giỏi lắm là bỏ được 5 cân là kịch nên đồng ý ngay. Quan giữ kho đồng khi dắt thiền sư vào lấy đồng còn chỉ tượng con trâu bằng vàng nguyên khối trước cửa kho và nói:

– Đại sư nhắm lấy được số đồng nặng bằng con trâu này không? Lấy được, tôi tặng cả kho.

– Thiện tai thiện tai, ếch chết tại miệng, quả này thí chủ vỡ mồm…

Lạ thay, tay nải của Minh Không vung lên một cái đã trùm hết lên cả gian nhà kho, tay nải tưởng chừng không đáy, cả kho đồng đen của nhà Tống cũng có thể nhét vừa. Quan coi kho đang há hốc mồm ngạc nhiên thì cả cái kho đã bị khoắng sạch, cái tay nải đã trở lại bình thường… Minh Không bèn quẩy tay nải lên vai và vái chào:

– Thiện tai thiện tai, có không giữ, mất đừng tìm …

Rồi ông nhắm hướng nam đi thẳng về Đại Việt. Quan coi kho biết phen này vỡ mồm rồi, vội chạy vào cung bẩm báo Hoàng đế Tống, hoàng đế nghe qua mặt rồng biến sắc, vội sai kỵ mã cấp tốc rượt theo. Lại nói Minh Không đi sắp về tới biên giới Đại Việt chợt thấy phía sau bụi cuốn mù trời, biết vua Tống cho truy binh đuổi theo, bèn dừng lại. Bọn lính trông thấy vội hô to:

– Đại sư dừng bước! Hoàng đế nhà ta bệnh cũ tái phát, mời đại sư quay lại hoàng cung gấp một chuyến!

– Ta biết bệnh của vua bọn bay rồi, bệnh tiếc của chứ có gì đâu. Bảo với hoàng đế là ta chỉ lấy kho đồng đen, xem như chữa bệnh giá rẻ rồi, ví thử ta lấy kho vàng thì hoàng đế cũng phải trả.

Rồi ông quăng cái nón lá đang đội trên đầu xuống nước, lộn một vòng là người đã đứng trên cái nón, lại khẽ vươn người một cái, cái mũ chở ông chạy băng băng trên mặt nước… bọn lính thấy công phu Thủy Thượng Phiêu đến mức cao siêu như thế thì đều bội phục, đành cho một tên về triều báo tin dữ, còn cả đám sợ tội nên rủ nhau bỏ lên núi làm cướp, sau này xưng là Lương Sơn Hảo Hán…

Các câu chuyện về tổ nghề đúc đồng thường cho rằng thần Khổng Lồ là tục danh nhà sư Nguyễn Minh Không, hiệu Khổng Lộ, một cao tăng đời Lý có tài biến nhỏ thành to. Ông lấy đất sét nặn thành hình khuôn rồi rót đồng chảy vào, chế thành những món đồ dùng như mâm, hũ đến tượng Phật. Quốc sư Minh Không khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông.

Nguyễn Minh Không được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng. Với vai trò là quốc sư triều Lý, ông đã tham gia chỉ đạo gây dựng nhiều công trình phật giáo. Ông được xem là người xây dựng nhiều chùa nhất Việt Nam với 500 chùa, Lý Quốc Sư là người đúc tượng phật chùa Quỳnh Lâm; đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên 12 tầng, cao 70m góp phần tạo nên An Nam tứ đại khí là những báu vật nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý – Trần. Ông là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, tinh hoa của văn minh Đông Sơn, văn minh người Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng.

Trong tín ngưỡng Việt Nam trước đây cho rằng ông là một trong 4 vị thần trong nhóm tứ bất tử cùng với Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, sau này có quan điểm thay ông bằng Công Chúa Liễu Hạnh. Tuy nhiên dù ông có trong tứ bất tử hay không, với những cống hiến của mình, ông vẫn là người có công lao to lớn, đóng góp hết sức tích cực vào sự phát triển văn hóa, tinh thần dân tộc Việt về các mặt: Nhân sinh quan, đạo đức, Y học, kiến trúc, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, nâng cao lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của văn hóa tinh thần Việt Nam.

Biên tập: Kiên Chính