Nguồn ảnh: Internet

Văn Hóa

Trí tuệ quý giá của cổ nhân ngưng kết giá trị tinh thần

By Đăng Dũng

March 27, 2021

Vật đổi sao dời, bể dâu đã trải mấy ngàn năm, từ xưa cho đến nay biết bao bậc cổ Thánh tiên hiền, danh sĩ hào kiệt… đã để lại cho hậu thế biển trí tuệ vô cùng phong phú và quý báu để chúng ta tham khảo, học tập…

Dưới đây là 10 câu nói kinh điển hàm chứa giá trị uyên thâm, xin được chia sẻ để quý độc giả cùng chiêm nghiệm:

1. Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.

Câu nói có xuất xứ từ Đạo đức kinh này được truyền bá cực rộng, có năng lượng rất lớn, dường như người học văn hóa phương Đông thì không ai không biết câu này. Lão Tử thuật lại nội hàm thâm sâu rộng lớn quy luật của Trời, Đất, con người và cả những sinh mệnh trong toàn vũ trụ chỉ qua một câu nói.

Đạo thuận theo tự nhiên” đã tiết lộ đặc tính của cả vũ trụ, bao quát tất cả các thuộc tính của hết thảy các sự vật hiện tượng trong trời đất, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo quy luật tự nhiên của Đạo.

Câu danh ngôn trên của Lão Tử hợp với quy luật khoa học và triết lý tự nhiên nhất, là cội nguồn của văn hóa phương Đông: “Thiên – Nhân hợp nhất”.<

2.Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ.Câu danh ngôn này có xuất xứ từ Chu dịch, ý nói rằng vũ trụ này vĩnh viễn vận động. “Người quân tử tự cường không ngừng nghỉ” chính là nói cho mọi người biết, con người cần thuận theo, học theo trời đất, vĩnh viễn không ngừng trau dồi phẩm đức. Làm người cần phải biết đạo lý của trời đất, hiểu được rằng vũ trụ đang biến đổi, do đó bản thân cũng phải tự cường, lúc nào cũng xem xét lại mình, nỗ lực tu dưỡng, cần tiến lên mãi, đề cao tâm tính lên mãi, không ngừng nghỉ.

Tự cường không ngừng nghỉ” là một tinh thần khai phá sáng tạo, chính là điều gọi là: “phát triển đến tận cùng thì sẽ biến đổi, biến đổi thì sẽ thông suốt, thông suốt thì sẽ lâu dài“.

3. Địa thế khôn, quân tử đức dày chở vật.

Câu danh ngôn này có xuất xứ từ Chu dịch. Trái đất dày, hòa thuận, người quân tử đối nhân xử thế cần giống trái đất, dùng đức hạnh dày để tiếp nhận, gánh vác, mang chở. Về mặt làm người, làm việc, người quân tử cần có tấm lòng rộng lớn, khoan dung đối xử với mọi người, tích lũy đạo đức, dám gánh vác, đó chính là “khôn đức”.

4. Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ, tiêu diêu giữa trời đất.

Câu danh ngôn này có xuất xứ từ sách Trang Tử. Thời vua Nghiêu có lưu truyền một bài hát là Gõ đất hát như sau: “Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ. Đào giếng để uống, cày ruộng để ăn. Vua có công đức gì với ta đâu“.

Một phần bài ca dao này đã xuất hiện ở rất nhiều bộ sách, thể hiện ra cuộc sống của người xưa thuận theo tự nhiên, và niềm vui cuộc sống điền viên.

5. Lúc tử sinh hay khi cách biệt

Chẳng bỏ nhau, lời quyết thệ rồi Cầm tay nàng hẹn mấy lời: “Sống bên nhau mãi đến hồi già nua

Đây là bài thơ “Đánh trống” trong Kinh thi, ý tứ là: Bất kể trong hồng trần có bao nhiêu sinh tử hợp tan, ta vẫn giữ lời như đã nói với nàng, nhất định dắt tay nàng, cùng bước bên nhau đến bạch đầu giai lão…

Người phương Đông coi trọng cuộc sống gia đình: Cha mẹ còn khỏe mạnh, vợ chồng hòa thuận, vài đứa con cả trai lẫn gái, bình an yên ổn, đó chính là hạnh phúc gia đình.

6. Khốn cùng thì thiện bản thân, hiển đạt thì giúp thiên hạ.

Câu danh ngôn này có nguồn gốc từ sách Mạnh Tử. Khi khốn cùng thì phải làm tu dưỡng bản thân, thành người tốt, khi hiển đạt thì làm việc lợi ích giúp cho mọi người.

Đây là giá trị quan của Nho gia, trước tiên cần tu dưỡng bản thân tốt, sau đó có điều kiện thì làm lợi ích cho nhân quần, xã hội. Đây là cảnh giới tinh thần của người quân tử. Khốn cùng hay hiển đạt là hoàn cảnh bên ngoài, không ảnh hưởng đến việc tu tâm dưỡng đức, chỉ có đạo nghĩa mới là căn bản, khốn cùng không mất nghĩa, hiển đạt không xa Đạo.

7. Phú quý không mê hoặc được, nghèo hèn không lay chuyển được, uy vũ không khuất phục được, đó gọi là đại trượng phu

Câu danh ngôn này có nguồn gốc từ sách Mạnh Tử. Đối diện với phú quý cũng không bị mê hoặc, không rối loạn tâm chí; đối diện với nghèo khổ cũng không thay đổi tiết tháo; đối diện với quyền thế uy vũ cũng không bị khuất phục. Người kiên trì đạo nhân nghĩa như vậy, giữ được nhân cách độc lập, thì mới gọi là bậc đại trượng phu

Câu danh ngôn trên đã trở thành phương châm sống của biết bao anh hùng hào kiệt, chí sĩ danh nhân.

8. Con người rồi cũng chết, có cái chết nặng như Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng. 

Câu danh ngôn này trong Báo nhiệm an thư của Tư Mã Thiên. Con người thì cuối cùng cũng phải chết, nếu phải chết thì hãy nghĩ sao để chết cho xứng đáng, đừng coi rẻ sinh mệnh.

Tư Mã Thiên không muốn cái chết của mình vô ích, “nhẹ như lông hồng“, nên mới nhẫn chịu nhục hình, chịu đạo nhục, chỉ để hoàn thành di nguyện của cha, đã hoàn thành trước tác vĩ đại: “nghiên cứu quan hệ giữa Trời và Con người, thấu hiểu lẽ biến thông cổ kim, thành tựu một gia phái“.

Câu danh ngôn này của Tư Mã Thiên đã lộ ra ý chí tinh thần bất khuất, đã ảnh hưởng đến giá trị quan và sự lựa chọn của rất nhiều người, nhất là các nhà Nho xưa, thậm chí cả người ngày nay.

9. Vì Trời Đất lập tâm, vì người dân lập mệnh, vì cổ Thánh kế tuyệt học, vì vạn thế mở thái bình.

Đây là câu nói của Trương Tái – bậc đại Nho đời Tống. Câu này nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại thì sẽ là:

Xây dựng giá trị tinh thần cho xã hội, xác lập ý nghĩa sinh mệnh cho dân chúng, kế thừa sự chính thống của học vấn xưa đã bị đoạn tuyệt, mở ra cơ nghiệp thái bình cho muôn đời sau“.

10. Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.

Sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia thì cho dù là một thường dân đi chăng nữa cũng cần phải có trách nhiệm.

Cây cao bóng cả là do rễ sâu gốc bền, con người mong muốn có trí tuệ và đạo đức cao thượng ắt phải kế thừa và phát huy trí tuệ người xưa. Nếu không có nền tảng đạo đức văn hóa lâu đời làm nền móng thì giống xây nhà trên cát, tuy to lớn đồ sộ nhưng e rằng khó lòng vượt qua được cơn bão táp của thời hội nhập.

Nguồn ntdvn.com

Trung Dung