Trồng rau tại nhà là một trải nghiệm tuyệt vời, vừa giúp bạn an tâm về vấn đề an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình, vừa trở thành thú vui tao nhã khi nhìn những mầm non mình đắp công vun trồng ngày càng phát triển tươi tốt. Ở Việt Nam, mặc dù phần lớn các hộ gia đình có diện tích nhà đất khá hạn chế, xu hướng trồng rau tại nhà trở nên ngày càng phổ biến hơn. Nếu bạn không có khu vườn lớn, bạn vẫn hoàn toàn có thể trồng rau tại nhà bằng cách tận dụng những khoảng không gian trống có nhiều ánh sáng như bện cửa sổ, lan can hay thậm chí trong gian bếp nhỏ của mình. Điều bạn cần chú ý chính là cách lựa chọn những loại rau trồng phù hợp với không gian nhỏ như hành lá, rau mầm, giá đỗ,… Quá trình trồng rau từ lúc gieo mầm đến lúc thu hoạch tưởng khó mà dễ nhưng cũng dễ mà khó. Ngoài những việc như lựa chọn không gian và giống cây trồng phù hợp, dưới đây là những lưu ý quan trọng đối với trồng rau tại nhà để bạn có được “vụ mùa bội thu”.
Chọn hạt giống
Khi bạn mới bắt đầu tập trồng rau tại nhà thì bạn nên chọn những loại cây dễ trồng như: hạt bí, tỏi, khoai tây, su su, gừng, v v… Tỏi cần được tách thành tép và trồng trên mặt đất; một củ khoai tây nên được cắt thành nhiều phần, mỗi phần có ít nhất một vài mắt và để khô trong một hoặc hai ngày trước trồng xuống đất; quả su su nên được trồng ở góc 45 độ. Tất cả đều cần ánh nắng mặt trời, trừ gừng, theo Thời báo Los Angeles .
Các loại rau như rau dền dễ dàng phát triển mà không cần chăm sóc nhiều. Chỉ cần rắc chúng lên luống trong vườn, phủ nhẹ chúng bằng đất và tưới nước thường xuyên. Chọn hạt giống từ những cây khỏe mạnh nhất, xem xét các đặc điểm của chúng như: kích thước, năng suất, độ chín, khả năng kháng bệnh,…
Chọn hạt giống từ những cây khỏe mạnh nhất. (Ảnh: pixabay / Muff 1.0 )
Chất lượng đất trồng quyết định thành quả
Đất trồng cần phải được đảm bảo chất lượng bằng độ tơi xốp, giữ ẩm cao và có đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như không chứa mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Đối với rau trồng tại nhà, đất Tribat hoặc đất hữu cơ được khuyên dùng bởi thành phần dinh dưỡng trong đất cao nên không cần phải bón thêm phân. Ngoài ra, bạn vẫn có thể tự trộn đất tại nhà nhưng cần lưu ý tránh lấy nguồn đất gần những nơi có nguồn chất thải gây hại.
Dinh dưỡng cho cây là yếu tố tối quan trọng
Cây trồng cũng có thể bị “suy dinh dưỡng” nếu không được bổ sung và chăm sóc cẩn thận. Vì vậy, bạn có thể sử dụng phân hữu cơ hoặc kể cả các loại chất thải hữu cơ như rau thừa, bã cà phê, bả đậu phụ, mùn cưa,.. ủ thành phân và bón cho cây. Lưu ý là những chất thải đó phải đến từ thực phẩm hữu cơ, sạch và an toàn để không ảnh hưởng đến cây trồng bạn nhé.
Tưới tiêu hợp lý thay vì càng nhiều càng tốt
Nhiều người thường có quan niệm tưới nước càng nhiều cây sẽ càng phát triển tốt, tuy nhiên bạn cần phải biết nước sẽ cuốn trôi chất dinh dưỡng trong đất nếu tưới quá nhiều. Thay vào đó, bạn có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách dùng ngón tay ấn vào đất, nếu đất bắt đầu khô cứng mới tưới thêm nước bạn nhé.
Sâu bệnh là kẻ thù của cây trồng
Bạn cần quan sát thân cây, đặc biệt là lá cây để phát hiện kịp thời những “kẻ thù không đội trời chung” của cây trồng bạn nhé. Tùy theo mức độ và cách điều trị với từng loại sâu bệnh, bạn có thể có nhiều phương pháp ngăn ngừa khác nhau. Trong đó, thuốc trừ sâu sinh học được khuyên dùng thay vì thuốc trừ sâu hóa học để tránh việc các độc tố bị tích tụ trong cây gây hại cho sức khỏe của bạn.
Thực ra trồng rau tại nhà không khó nếu bạn có kiến thức cơ bản về chăm sóc cây trồng. Giờ đây bạn có thể yên tâm thưởng thức rau trồng tại nhà tươi xanh nhưng vẫn an toàn rồi.
Theo Organicfood, Visiontimes