Nguồn ảnh: Sohu

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Những lời dạy của người xưa giúp ta nhận thức cuộc sống tốt hơn

By Đăng Dũng

July 21, 2021

Những kinh nghiệm quý giá được tồn tại và lưu truyền từ thời cổ đai cho đến ngày nay luôn hàm chứa những đạo lý mà người xưa muốn nhắn gửi lại thế nhân. Cho dù chưa hẳn đã khiến chúng ta hiểu ngay, nhưng ít nhất sẽ mang lại cho chúng ta ít nhiều những thụ ích cho bản thân.

“Kiến dị tác nan/ Kiến nan tác dị”. Nghĩa là: Ở đời mọi việc đứng ngoài nhìn thì dễ, nhưng khi làm thì khó. Ngược lại, có việc chưa làm thì thấy khó nhưng khi bắt tay làm thì thuận lợi. Điều này khắc phục cả hai loại tư tưởng tiêu cực: Hoặc là, chủ quan đơn giản, không học hỏi nghiên cứu thấu đáo mọi việc để làm; Hoặc là, ngại ngần không dám làm bất cứ điều gì.

Tri vi tri, bất tri vi bất tri, vị tri giả”. –  Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết – Đó chính là người có hiểu biết!

Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. – Có cái lo thì lo trước thiên hạ. Có điều vui sướng, hạnh phúc thì hưởng sau thiên hạ. “Kiến ngãi bất vi vô dũng giã” – Nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng cảm.

“Bần gia tri hiếu tử/ Thế loạn thức trung thần” – Nhà nghèo mới biết con có hiếu. Khi nước có biến loạn (chiến tranh, đảo chính, loạn lạc), thì mới biết ai là người trung thành với Tổ quốc, với chế độ.

“Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” –  Nhà nghèo dù ở giữa thành phố cũng chẳng có ai đến thăm hỏi. Ngược lại, nhà giàu , ở vùng rừng núi vẫn luôn có người tìm đến giao hảo.

“Họa hổ họa bì, nan họa cốt/ Tri nhân tri diện, bất tri tâm” – Vẽ hổ chỉ vẽ được bề ngoài, khó vẽ được bộ xương (kết cấu bên trong) của nó. Biết người chỉ biết được bề ngoài của họ, khó biết trong lòng (tâm địa, bản chất) họ thế nào. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – Có điều gì không tốt xảy ra, thì trước hết phải tự trách mình; Sau đó mới trách người khác.

Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu” –  Những người ngậm máu phun người, thì trước hết là họ tự làm bẩn miệng mình (ngã khẩu).

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng” –  Con người ta có duyên với nhau thì có cách nhau nghìn dặm cũng có thể thường xuyên gặp gỡ (trực tiếp hoặc gián tiếp). Ngược lại, không hợp duyên nhau thì ở ngay trước mặt cũng chẳng hợp tác được.

“Nhân bất khả hữu khinh ngạo thái/ Nhiên, bất khả vô khinh ngạo cốt” – Con người chẳng ra gì, nếu có thái độ coi khinh người khác; Ngược lại, con người cũng chẳng ra gì nếu trong lòng, trong cốt cách của họ không có sự khinh miệt, lên án những cái xấu ở đời.

“Nhân bất khả vô sỉ” –  Người không biết xấu hổ là người không ra gì.

“Nhân bất học bất tri lý/ Ấu bất học lão hà vi” –  Người không học thì không biết tri thức, lý luận. Khi còn trẻ không học thì lớn lên chẳng làm được gì, dù là việc nhỏ.

“Thanh bất thanh trung hương thủy /Thân bất thân cố hương nhân”- Nước tuy trong nhưng chưa chắc đã sạch nếu nước đó chảy từ trong làng ra. Gặp người cùng quê cũ, tưởng là thân nhưng chưa chắc đã thân, vì nhân cách, trí tuệ, nhu cầu thẩm mỹ…khác nhau.

“Nhẫn nhất khắc phong bình lãng tịnh / Thoái nhất bộ hải khoát thiên không” – Kiên trì, nhẫn nại, nhẫn nhục trong một khoảnh khắc (thời điểm) nhất định, thì mọi khó khăn sẽ qua đi (gió yên, sóng lặng). Lùi một bước, thì trước mặt mình là trời biển mênh mông. Tóm lại, ở đời, con người có sự kiên trì nhẫn nại – thậm chí chịu thua thiệt – trong một thời gian, không gian, sự việc, hoàn cảnh nào đó, thì rồi sẽ vượt qua mọi thử thách gian nan, giành thắng lợi về sau.

Trang Tử dạy: “Danh chỉ vô thực, nghĩa thiết vu thích”. Danh và thực phải phù hợp với nhau. Làm việc phải thích hợp với đặc tính của sự việc. Có như vậy mới thành công”. “Học hải vô nhai, cần học bất chuyết”. Đời người có hạn nhưng kiến thức thì vô cùng. ”Đại mỹ bất ngôn, thành lý bất thuyết”. Cái tuyệt đẹp cũng như lý luận đúng tự nó không cần nói nhiều.

Gia An sưu tầm