Người xưa rất coi trọng nền nếp gia phong, chú trọng bồi dưỡng các đức tốt cho con cháu. Họ lấy “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín” và các tư tưởng hướng thiện, hướng Đạo của văn hóa truyền thống để dẫn dắt cháu con. “Trọng Đức tu thân” trở thành nội dung chính trong gia huấn của các dòng họ.
Các Thánh hiền thời xưa rất quan tâm thương yêu con cháu nhưng cũng yêu cầu nghiêm khắc, giúp chúng luôn luôn theo thiện, đi nghiêm chính trên bước đường đời, không có gì oán giận và hối tiếc. Trí tuệ trong những lời dạy của người xưa đã cho hậu thế rất nhiều kinh nghiệm quý báu.
Khổng Tử dạy con học “Thi” và “Lễ”
Khổng Tử là nhà tư tưởng và giáo dục thời Xuân Thu, tương truyền có 3000 học trò. Trong sách “Luận ngữ – Quý thị” ghi lại câu chuyện:
Một hôm, học trò của Khổng tử, tên Trần Kháng, hỏi con trai Khổng Lý của ông rằng: “Anh ở cùng thầy có nghe được lời dạy bảo nào mà không giống với người khác chăng?”
Khổng Lý nói: “Không có. Có lần cha tôi một mình đứng trong sân nhà, tôi bước nhanh qua, cha tôi hỏi: “Học Thi chưa”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Thi, không thể ăn nói được”. Thế là tôi liền đi học Thi. Lại có lần, gặp cha, tôi bước nhanh qua, cha hỏi: “Có học Lễ chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Lễ, không thể đứng vững được”. Thế là tôi lập tức đi học Lễ. Tôi chỉ nghe được 2 việc ấy thôi”.
Trần Kháng vui vẻ nói: “Tôi hỏi một câu hỏi, lại hiểu ra được 3 điều. Biết được đạo lý học Thi và học Lễ, còn biết được là người quân tử đối xử với con trai mình không khác gì những trẻ em khác”.
Thực sự, Thi và Lễ đều là nội dung trọng yếu mà Khổng Tử giáo dục học trò. Khổng Tử cho rằng dùng hình thức văn nghệ để giáo dục thường có hiệu quả cao hơn lối dạy bảo thông thường. Tương truyền “Kinh Thi” có 305 bài đều là ông tự mình biên soạn, nội dung nhiều, quan hệ với đạo lý tu thân, hiểu Mệnh, đi theo Đạo nghĩa.
Khổng Tử cho rằng tu dưỡng đạo đức con người là bắt đầu từ đây, có thể nâng cao năng lực quan sát của con người, ngoài ra thông qua việc đọc Kinh Thi sẽ học được rất nhiều tri thức lịch sử, tự nhiên và xã hội. Khổng Tử nói: “Hưng thịnh nhờ Thi, đứng vững nhờ Lễ, thành tựu nhờ Nhạc”.
Ông cho rằng Lễ chính là quy phạm hành vi lễ nghi và đạo đức của xã hội, bắt đầu từ học Lễ, giáo dục học trò xây dựng đức hạnh cho bản thân, từ thực tiễn dần dần bồi dưỡng ra những học trò có ý thức đạo đức tự giác, trở thành những trụ cột của xã hội sau này bằng tài đức tế thế an dân và thông hiểu Đạo Trời.
Khổng Tử dạy con học Thi học Lễ, so với các học trò khác thì đều yêu cầu như nhau, không vì Khổng Lý là con mình mà nới lỏng yêu cầu. Từ đó thấy được Khổng Tử đối xử rất bình đẳng với học trò, đồng thời gửi gắm nhiều hy vọng ở con trai. Người đời sau gọi phương pháp dạy con của Khổng Tử là “Thi Lễ truyện gia”.
Nhan Thị gia huấn
Nhan Chi Thôi là nhà tư tưởng và giáo dục thời kỳ Nam Bắc triều của Trung Quốc. Ông xuất thân gia đình trí thức, được ảnh hưởng bởi Lễ Pháp danh giáo của nhà Nho, lại kính trọng tin tưởng Thần Phật, vững tin vào nhân quả. “Nhan Thị gia huấn” là tổng kết kinh nghiệm lập nghiệp, xử thế, và học tập cả đời. Bộ sách này được người đời sau xem như quy phạm gia giáo, có ảnh hưởng rất lớn.
Cả quyển có 20 bài, nội dung chủ yếu nhấn mạnh tu dưỡng đạo đức. Cuốn sách lấy tư tưởng truyền thống của nhà Nho là “Thành tín, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để giáo dục con cháu, tuyên dương đạo lý cương thường cùng với tư tưởng báo ứng nhân quả của nhà Phật.
Đây là bộ sách có nội hàm văn hóa phong phú. Cho rằng giáo dục con cháu phải xác lập chí hướng và lý tưởng cao xa, có chuẩn tắc đạo đức nhân nghĩa như Nghiêu Thuấn, khi trải qua khổ nạn vẫn phải chú trọng bồi dưỡng khí tiết. Ông nói: “Người có chí hướng cao thượng, có thể rèn luyện, nhờ đó làm nên sự nghiệp”.
Nhan Chi Thôi cho rằng học tập mục đích chủ yếu là để mở mang tâm trí, hoàn thiện đức hạnh, hành Đạo làm lợi cho thế gian, đầu tiên phải có động cơ đoan chính, cần phải đọc sách Thánh hiền, thực hành đạo nghĩa. Về phương diện học tập, ông chủ trương chuyên tâm, chăm chỉ, rèn luyện, thực tiễn. Ông rất coi trọng việc giáo dục con cái từ khi còn nhỏ, hơn nữa càng sớm càng tốt, không nên để lỡ mất cơ hội. Mấy người con của Nhan Chi Thôi mới 3 tuổi đã bắt đầu đọc sách và đọc thuộc lòng kinh điển.
Khi các con hỏi: “Chúng ta biết cần phải đọc sách, nhưng tại sao lại sớm thế?”, Nhan Chi Thôi dạy: “Tiếp xúc với kinh sách Thánh hiền càng sớm càng tốt, giờ trí nhớ tốt, thuộc lòng rồi thường là cả đời không quên”. Nhan Chi Thôi còn giáo dục con cái suốt đời đều cần học tập, siêng năng biết quý tiếc thời gian, bất kể là thời chiến tranh hay khi cuộc sống nghèo khổ, ông đều đôn đốc con cái chuyên cần học tập kinh sử.
Ông còn nói: “Đọc sách thấu hiểu đạo lý, vào bất cứ lúc nào, nhất là khi nguy cấp hay mỗi khi gặp chuyện lớn thì hiểu biết rõ cần phải làm sao”. Các con ông sau này đều có thành tựu rất lớn về kinh sử, đều trọng tiết tháo, làm việc có tinh thần trách nhiệm rất cao.
Phạm Trọng Yêm dạy con trọng đức hạnh
Phạm Trọng Yêm là nhà giáo dục và tư tưởng lớn thời Bắc Tống Trung Quốc. Ông thông hiểu kinh điển nhà Nho, còn sùng kính Phật Pháp, làm quan tới chức Tham tri chính sự. Trong tác phẩm “Nhạc Dương lâu ký” ông viết: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” , trở thành câu danh ngôn ai ai cũng đều biết.
Ông tề gia rất nghiêm, dạy con cái có phương pháp, rằng làm người buộc phải chính tâm và tu dưỡng bản thân, tích đức làm việc thiện. Nhờ sự dạy bảo ấy mà 4 người con trai của ông đều đã thông hiểu kinh thư, việc học thành tựu, làm người chính trực. Gia phong nhà họ Phạm rất cần kiệm giản dị, nhưng cũng đầy thiện tâm và hay bố thí giúp người.
Có lần Phạm Trọng Yêm sai người con thứ 2 tên là Phạm Thuần Nhân tới Tô Châu vận tải lúa mạch. Phạm Thuần Nhân trên đường trở về thì gặp người quen tên là Thạch Mạn Khanh, biết được người ấy đang có tang, không có tiền đưa linh cữu về quê nhà, cho nên phải dừng lại ở đó. Phạm Thuần Nhân bèn cho Thạch Mạn Khanh nguyên chiếc thuyền đầy lúa mạch, giúp anh ta về quê.
Phạm Thuần Nhân trở về nhà, không biết thưa chuyện với cha thế nào nên đứng mãi bên cạnh cha thật lâu không nói. Phạm Trọng Yêm hỏi: “Con gặp bạn ở Tô Châu à?”. Phạm Thuần Nhân trả lời: “Khi đi ngang qua Đan Dương, tình cờ gặp Thạch Mạn Khanh, cậu ấy vì gặp đám tang người thân không có tiền đưa linh cữu về quê, nên bị mắc lại ở đó”. Phạm Trọng Yêm liền nói: “Con sao không lấy hết số lúa mạch ấy tặng cho cậu ta?”. Phạm Thuần Nhân trả lời: “Con đã tặng rồi”. Phạm Trọng Yêm nghe con trai nói xong thì rất vui, khen con làm vậy là rất đúng.
Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn, nhưng Phạm Trọng Yêm không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện, cứu khổ phò nguy, truyền đức nhân lấy việc thiện làm vui ấy cho con cháu. Con trai cả của ông là Phạm Thuần Hữu mới 16 tuổi đã theo cha chiến đấu với Tây Hạ, lập được chiến công liên tiếp, là trợ thủ đắc lực của cha.
Con trai thứ Phạm Thuần Nhân sau này làm Tể tướng, suốt 50 năm làm quan luôn tận tụy với trách nhiệm công tác. Người con thứ 3 là Phạm Thuần Lễ làm quan tới Thượng thư. Con trai thứ 4 Phạm Thuần Túy làm tới Thị lang bộ Hộ. Tất cả những người con của Phạm Trọng Yêm đều được ảnh hưởng của cha, lời nói và việc làm đều gương mẫu, đều là những người chính nghĩa, dám nói thẳng, yêu thương dân.
Họ đều nổi tiếng thanh liêm, tác phong giản dị, trước sau như một. Những bổng lộc làm quan họ đều dùng hầu hết vào việc thiện, cứu khốn phò nguy, tiếp bước và mở rộng thêm chí hướng của cha, trong khi cuộc sống của bản thân họ và gia đình lại vô cùng giản dị.
Giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất. Làm cha mẹ, ai cũng muốn để lại cho con cháu những gì tốt đẹp nhất. Thực ra dù có chu cấp tiền của nhiều đến đâu cũng chỉ là vật ngoài thân, giáo dục chúng trọng đức hướng thiện mới đúng là mang lại phúc đức lâu dài cho con cái. Bởi vì Đức là căn bản nhất của con người, là thứ tốt đẹp và trân quý nhất, là cội nguồn của tất cả phúc phận, và là thứ đáng tin cậy nhất mà chúng ta có thể để lại cho con cháu mình.
Lan Hòa tổng hợp/biên tập