Phần Lan là đất nước có hệ thống giáo dục bắt buộc được xếp hạng đứng đầu châu Âu trong 16 năm qua. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) thường đưa ra kết quả cho thấy học sinh Phần Lan đạt điểm cao trong các môn đọc, toán và khoa học đồng thời nằm trong nhóm có thứ hạng cao tại châu Âu.
Phần Lan là quốc gia có triết lý giáo dục thật đặc biệt: trẻ em được học ít, chơi nhiều. Từ những năm 1970, giáo dục Phần Lan tập trung mạnh vào các môn âm nhạc, nghệ thuật, thủ công, nghiên cứu xã hội cũng tương tự như sự chú trọng vào các môn đọc, toán và khoa học. Đằng sau những biểu hiện này, là một cuộc cải cách toàn diện của họ, với triết lý cốt lõi là hướng tới học sinh. Với người Phần Lan, các cải cách của họ hướng tới mục đích xây dựng một ngôi trường tốt cho mọi đứa trẻ, thay vì một ngôi trường xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng giáo dục quốc tế. Và thật ngạc nhiên, chính điều đó lại mang cho họ vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu trong suốt 4 kỳ khảo sát gần nhất của PISA. Đồng thời, học sinh Phần Lan luôn xếp thứ hạng nhất nhì môn khoa học và môn đọc, hạng ba ở môn toán, vượt xa thứ hạng của học sinh Mỹ, một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.
- Quá trình xét tuyển giáo viên gắt gao
Vào mỗi đợt tuyển dụng giáo viên tại Phần Lan hàng năm, chỉ có 10% ứng viên đứng ở top đầu mới được duyệt để trở thành giáo viên chính thức. Điều đó có nghĩa để trở thành giáo viên ở Phần Lan không hề dễ. Vì thế nên công việc sư phạm tại Phần Lan luôn được mọi người kính trọng và có vị trí cao trong xã hội không khác gì nghề bác sĩ hay luật sư.
Công việc giáo viên tại Phần Lan có thu nhập cao nhưng không phải làm việc quá nhiều nếu so với các quốc gia phát triển khác. Thông thường giáo viên ở Phần Lan chỉ dành khoảng 4 đến 5 tiếng mỗi ngày cho việc giảng dạy. Thời gian còn lại họ sẽ dùng để họp giao ban, lên kế hoạch giảng dạy với đồng nghiệp hoặc gặp gỡ đối tác để đầu tư cho bài giảng.
Giáo viên tại Phần Lan thậm chí còn được phép tự do sáng tạo trong phương pháp giảng dạy miễn cách thức đó phù hợp. Họ cũng không phải tuân theo quy chuẩn đánh giá năng lực học viên qua các bài kiểm tra mà có thể tự đưa ra khung đánh giá khác. Với những yếu tố trên thì không ngạc nhiên khi công việc giáo viên luôn được người Phần Lan mong muốn và theo đuổi.
- Thời gian nghỉ giải lao nhiều
Học sinh Phần Lan thì cứ mỗi 45 phút học trong lớp thì sẽ có 15 phút nghỉ giải lao. Không chỉ có giờ nghỉ nhiều, giờ học của học sinh tại Phần Lan cũng không bao giờ rơi vào trường hợp quá tải. Đối với các em học sinh lớp 1 và lớp 2 thì mỗi tuần chỉ có khoảng 20 giờ học trên lớp. Càng lên bậc học cao hơn thì giờ học sẽ tăng từ từ.
Không những có thời gian nghỉ nhiều ở lớp mà học sinh tại Phần Lan còn có nhiều thời gian để vui chơi khi về nhà do không phải làm quá nhiều bài tập. Học sinh ở Phần Lan được khuyến khích dùng thời gian ở nhà để tham gia các hoạt động ngoại khóa khác.
- Trẻ em không cần phải nhập học sớm
Trẻ em ở Phần Lan bắt đầu đi học tương đối muộn, lúc 7 tuổi. Quan điểm trẻ em cần thời gian và không gian để tăng trưởng và phát triển là một nguyên tắc quốc gia.
Trước khi vào lớp 1, từ cột mốc 8 tháng tuổi trở đi thì tất cả mọi trẻ em ở Phần Lan cũng đều nhận được chế độ chăm sóc sức khỏe và giữ trẻ miễn phí. Chính sách này đã được áp dụng từ năm 1996 cho đến nay. Các môn học ở giai đoạn dưới 7 tuổi không bao gồm đọc viết hay làm toán mà sẽ liên quan đến thiên nhiên, động vật và sự sống để các bé vừa học vừa chơi.
- Không có gánh nặng thi cử
Học sinh tại Phần Lan không phải trải qua quá nhiều kỳ thi chuẩn hóa áp lực như các nền giáo dục khác trên thế giới. Trong suốt quá trình học tập, chỉ có một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc cho học sinh Phần Lan là bài thi đại học quốc gia (National Matriculation Examination) sau khi kết thúc lớp 12. Nhưng bài thi trên chỉ dành cho bạn nào chọn học cấp 3 từ lớp 10 đến lớp 12. Đối với những bạn chọn học nghề sau khi kết thúc lớp 9 thì không cần phải dự thi bài này. Số lượng học sinh chọn học nghề tại Phần Lan chiếm khoảng 50%.
Kỳ thi đại học của Phần Lan cũng không tạo nhiều áp lực đè nặng lên vai người học. Bài thi chủ yếu đánh giá các kỹ năng và kiến thức quan trọng. Nhìn chung thì hệ thống giáo dục Phần Lan chủ yếu tập trung vào sự phát triển của người học hơn là các bài kiểm tra. Cách tiếp cận này giúp học sinh tại Phần Lan bớt áp lực trong học hành và phát triển được khả năng tư duy tự lập và sáng tạo.
Biên tập: Thông Lộ