Văn Hóa

Nội hàm uyên thâm rộng lớn của chữ “Dung” trong dung chứa, bao dung, khoan dung độ lượng…

By Đăng Dũng

September 28, 2020

Người xưa thường hay nói: Biển lớn mới dung nạp trăm sông, dung chứa, bao dung, khoan dung độ lượng, công dung ngôn hạnh… vậy hàm nghĩa chữ dung đích thực muốn biểu thị điều gì?

Cổ nhân dùng chữ viết tượng hình chắc có hàm ý mà chúng ta chưa thể hiểu hết, nhưng suy ngẫm mới thấy mỗi chữ đều có mực đích lưu lại cho hậu thế một kho tàng kiến thức rộng lớn bác đại tinh thâm. 

Chữ Dung “Dung” (容) bao gồm các bộ sau tạo thành: Bộ “Miên” (宀) nghĩa là mái nhà, chữ “Bát” (八) nghĩa là số 8, chữ “Nhân” (人) nghĩa là người, và chữ “Khẩu” (口) nghĩa là miệng. Kết hợp lại có thể hiểu một cách đơn giản bề mặt là chữ Dung (容) giống như một căn nhà tuy chật chội nhưng vẫn chứa được “8 người”. 

Đây cũng chính là nói đến tấm lòng: Chỉ cần luôn bao dung rộng mở thì có thể đón nhận được nhiều người.

Ở một khía cạnh khác, bộ khẩu cũng có nghĩa là dùng lời nói để cảm hoá được “bát nhân” cũng như là bao dung được 8 kiểu người: Thân nhân (người thân), hữu nhân (người bạn), lộ nhân (người qua đường), ái nhân (người vợ hoặc chồng), lân nhân (người hàng xóm), ác nhân (người xấu), cừu nhân (người thù địch) và ngu nhân (người ngu ngốc).

Bao dung người thân: Những người luôn ở bên cạnh chúng ta không thể tránh khỏi những lúc khiến chúng ta bị tổn thương này khác, nhưng nếu càng chấp nhặt sẽ chỉ khiến mâu thuẫn ngày một tăng thêm, bởi vậy bao dung người thân là việc nên làm nhất.

Bao dung bè bạn: Trên đời chẳng có ai sống mà không có bạn bè, tuy là người không ở bên cạnh chúng ta như thân nhân nhưng sau thân nhân luôn là những người bạn tốt, bởi vậy bao dung bạn bè chúng ta để tâm hồn chúng ta luôn cảm thấy mình giàu có, vì người xưa nói: “giàu vì bạn, sang vì vợ”.

Bao dung với người qua đường: Chẳng ai trên đời muốn mình ra đường mà lại gặp phải chuyện không may, tuy nhiên mọi thứ bất ngờ đều có thể xảy ra khi ai đó va phải mình hoặc tạt ngang tạt ngửa làm mình hoa mắt chóng mặt không kịp xử lý tình huống hoặc có thể tệ hơn là làm mình bị ngã.

Khi đó hãy nghĩ rằng không ai là người truy cầu điều đó đến, biết đâu họ đang có việc gấp hoặc có việc gì bị mất kiểm soát, hãy tha thứ cho họ và coi nhẹ sự việc, trong đầu cố gắng giữ bình tĩnh, bao dung người khác cũng là rộng lượng với mình.

Bao dung vợ/chồng: Người xưa nói: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng.” Vậy nên chẳng có hà cớ gì mà không bao dung cho nhau được cả.

Bao dung hàng xóm: Hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, ai hẳn cũng quen thuộc với câu nói: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, vậy nếu không bao dung hàng xóm thì sao có thể mua?

Bao dung người xấu: Có một câu nói rằng: “Nếu Chúa không tha thứ cho những kẻ tội đồ thì thiên đường là một nơi trống vắng.” Không có tình yêu thì không có sự bao dung và không có sự tha thứ thì không bao giờ có tình yêu đích thực, mỗi người đều có thể gây ra lỗi lầm, và rồi chính chúng ta cũng cần có lúc được tha thứ, vậy nên tha thứ là hành động mà chúng ta đang làm cho chính mình chứ không phải làm cho người khác.

Bao dung người thù địch: Tại sao chúng ta luôn muốn ở bên cạnh những người từng trải, những người đã từng bị thất bại, từng đau khổ mất mát và đã tìm cách thoát ra khỏi vực sâu. Bởi những người này có lòng cảm ơn, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, năm tháng cho họ có được sự cảm thông, trầm ổn và quan tâm yêu thương sâu sắc.

Họ không thù hận người khác, vì chính những người đã đẩy họ xuống vực sâu lại là lúc cuộc đời dạy cho họ biết cách tự đi trên đôi chân của mình. Thế nên chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù vì biết đâu nhờ có họ mà chúng ta mới hiểu được giá trị kiếp nhân sinh, trải qua mưa gió nhấp nhô trong cuộc sống, thì không có gì là không tha thứ, không có gì là không thể buông tay.

Bao dung người ngu ngốc: Cũng chẳng ai muốn mình sinh ra trên đời mà lại ngu ngốc, bởi vậy hãy luôn quan tâm giúp đỡ khi người khác cần, ai cũng có sự vĩ đaị của riêng mình, và viên dung người khác cũng là một hành vi cao cả không của riêng ai.

Biển rộng lớn vì biển ở dưới thấp hơn cả trăm núi ngàn sông, có trăm con sông lớn rồi cũng sẽ chảy về với biển, có trăm ngọn núi cao thì suối cũng vẫn ngày đêm róc rách chảy về nguồn. Vì thế khoan dung độ lượng không chỉ khiến mình rộng lớn hơn mà cũng chính là đang tạo phúc báo cho mình.

Từ Thanh