Trong những ngày mùa đông giá rét như hiện nay rất nhiều gia đình phải đóng kín cửa để hạn chế khí lạnh xâm nhập vào bên trong nhà. Tuy nhiên, khi đóng kín cửa như vậy tiểm ẩn nhiều nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng tới sức khỏe của những người sinh sống ở bên trong….
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, 6/10 bệnh có tỷ lệ chết cao nhất liên quan tới ô nhiễm không khí, ‘đặc biệt là không khí trong nhà’. Khác với ô nhiễm ngoài trời chủ yếu liên quan tới bụi, ô nhiễm không khí trong nhà còn kết hợp với các yếu tố liên quan tới nấm mốc, vi khuẩn sản sinh ra từ các vật dụng, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người…
Hiện nay tại các thành phố lớn, người dân thành thị dành phần lớn thời gian sinh hoạt và làm việc ở bên trong nhà.
Tại nông thôn, người dân vẫn đang sử dụng nguồn nhiên liệu là củi khô, lá cây và rơm rạ để đung nấu, nhiều trường hợp còn sử dụng than, củi để sưởi ấm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, thấm chí là ung thư.
Một số loại ô nhiễm gây chết người, trong đó có oxide nitrogen và các hạt nano, cũng là những hạt nhỏ, mịn nhất – nhỏ đến mức chúng thừa sức đi xuyên không chỉ các vách ngăn của phổi và xâm nhập tới mạch máu, cho nên dĩ nhiên là chúng dễ dàng lọt qua những kẽ hở của cánh cửa đóng kín để vào nhà.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hàng triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà. Chất lượng không khí trong nhà kém có liên quan đến một loạt bệnh tật, như hen suyễn, viêm phổi, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính và bệnh tim mạch…
Nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà phát sinh từ đâu?
Những sinh hoạt thường nhật gây ô nhiễm không khí: Các hạt mịn được giải phóng từ các hoạt động như nấu ăn (đặc biệt là chiên rán và nướng), chùi rửa, đốt lửa và thắp nến… Đây là lý do tại sao các chuyên gia nhấn mạnh rằng mọi người nên luôn sử dụng quạt hút mùi hoặc mở cửa sổ khi nấu ăn.
Hóa chất: từ những thứ chúng ta tiếp xúc hàng ngày có thể phát tán trong không khí trong nhà. Những hóa chất này tồn tại sẵn trong keo dán đồ nội thất cũng như trong sơn, keo gắn mạch tường, mạch gỗ, trong gỗ và trong các loại vật liệu xây dựng.
Ngoài ra còn có VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi): phát tán từ các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, sản phẩm vệ sinh cá nhân như sữa tắm và nước hoa, keo dán, mực và chất tạo mùi thơm cho không khí. Nếu bạn cần phải sử dụng sản phẩm làm sạch có mùi thơm hoặc chất làm thơm không khí trong phòng, hãy làm một cách chừng mực và nhớ giữ cho căn phòng thông thoáng.
Hút bụi cũng là một nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà nếu máy hút không sử dụng các bộ lọc cao cấp phù hợp. Lau nhà bằng các sản phẩm tẩy rửa nhất định cũng có thể làm tăng mức độ hóa chất trong không khí.
Các chất ô nhiễm khác còn có bào tử nấm mốc và các mảnh nấm mốc do ẩm ướt và đọng hơi nước.
Bếp gas, than, củi, nến, đèn dầu và hút thuốc sản sinh ra: monoxide carbon, dioxide carbon và oxide nitrogen. Các khí như dioxide nitrogen cũng xuất hiện trong không khí ngoài trời, nhưng chúng lại tích tụ ở nồng độ cao hơn nhiều bên trong nhà.
Chó, chim, mèo, các loài bò sát… cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà. Lông, phấn, động vật ký sinh… trên cơ thể vật nuôi cũng là nguồn gây dị ứng cho nhiều người. Do đó, nếu gia đình có nuôi thú cưng, bạn nên hạn chế không cho chúng chơi đùa trong phòng khách, nhà bếp, đặc biệt là phòng ngủ để đảm bảo sức khỏe.
Vậy làm thế nào để khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà?
Để giảm các chất ô nhiễm không khí trong nhà, thì việc loại bỏ nguồn gây ô nhiễm và tăng biện pháp thông gió là hai giải pháp then chốt:
1. Không hút thuốc
2. Hạn chế nấu ăn bằng bếp gas, than trong nhà
3. Kiểm soát sự phát triển của nấm mốc
4. Hạn chế sử dụng các sản phẩm có mùi thơm
5. Thông gió, lọc không khí trong nhà
6. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, vật dụng, hạn chế dùng thảm, trồng thêm cây xanh.
Cần mở cửa thường xuyên (nếu có thể) để đảm bảo lưu thông không khí và ánh sáng mặt trời để hạn chế nấm mốc, vi khuẩn. Nên giữ độ ẩm trong nhà ở mức dưới 60% để hạn chế nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi. Trong trường hợp bạn sống gần một con đường đông đúc, trong trung tâm đô thị hoặc gần nguồn phát thải khí bụi thì tốt nhất là bạn không nên mở cửa sổ, nó chỉ làm tăng thêm ô nhiễm trong nhà mà thôi.Khi đó tốt nhất bạn nên dử dụng máy lọc không khí sử dụng bộ lọc Hepa (Bộ lọc không khí có hiệu suất cao), có thể loại bỏ hiệu quả các hạt có kích thước 0,3 micromet trở lên. Tuy nhiên, một hạt 0,3 micromet vẫn là lớn hơn nhiều lần so với phân tử oxide nitrogen hoặc các hạt nano – vì vậy bộ lọc Hepa cũng chưa phải là thuốc chữa bách bệnh….