Đời Sống

Pháp lý về phúc báo Đức và Nghiệp theo ghi chép người xưa

By Đăng Dũng

April 25, 2021

Tại sao có người công danh tài lộc cái gì cũng có, lại được rất nhiều người kính trọng; ngược lại có người bần cùng khắc khổ một đời, làm gì cũng không thuận lợi? Kỳ thực, đều có liên quan đến những phó xuất trong đời trước.

Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” có ghi chép một câu chuyện, kể về một lão phu nhân tên là Vương Khánh Tra, người này tuy là có thân xác người nhưng lại làm việc cho âm gian nên gọi là “Tẩu vô thường”.

Có một thê thiếp trong gia đình quý tộc hỏi bà: “Những người làm thiếp như chúng tôi, là do duyên cơ nhân quả nào đưa đến vậy?”

Lão phu nhân nghe xong liền trả lời: “Pháp luật ở âm gian là những việc làm thiện ác nhỏ thì có thể bù qua bù lại cho nhau, còn các việc làm thiện ác lớn thì không được phép như vậy. Các ngươi đều đã tích được thiện nghiệp nhỏ, vì thế đời này được ở trong gia đình quý tộc, nhưng cũng lại có ác nghiệp, vì thế nên các ngươi cũng không được hoàn mỹ.

Các ngươi nếu trong đời này tích được nhiều thiện nghiệp, thì có thể bù được ác nghiệp ở các đời trước, thiện nghiệp càng tăng lên, đời sau sẽ thập toàn thập mỹ. Nhưng nếu đời này tích nhiều ác nghiệp, làm cho thiện nghiệp bị tiêu dần, ác nghiệp tăng lên, thì đời sau sẽ không thể nào tưởng tượng được.

Tuy nhiên, tích thiện không phải là thắp hương cầu niệm; mà một đời hiếu thuận, kính trọng chính thất phu nhân, khiến cho gia đình thuận hòa, mới chính là tích thiện nghiệp”.

Lại có một người hỏi: “Có con, không có con, đây có phải là số mệnh đã định trước hay không? Lão phu nhân giúp tôi tra thử xem, có phải là trong sổ sách âm gian đã định là tôi không có con cái không? Nếu đúng vậy thì tôi cũng không nên mơ ước nữa đúng không?”

Lão phu nhân nói: “Không cần tra, chỉ cần làm nhiều việc thiện, với thiện tâm không phải vì truy cầu con cái, thì cho dù dưới âm gian đã định trước thì vẫn có thể thay đổi”.

Ông ngoại của Kỳ Hiểu Lam tên gọi Trương Tuyết Phong tiên sinh, là rể trong gia đình họ hàng của Vương Khánh Tra. Ông một đời chính trực thanh liêm, vốn rất ghét những bà mai mối, bà đồng, cũng như những tam cô lục bà suốt ngày đi đến hết nhà này nhà khác, thế nhưng ông lại thường mời lão phu nhân đến nói chuyện.

Ông nói: “Những điều lão phu nhân nói tuy nhìn không thấy nhưng đều đúng sự thật. Và bà cũng chưa bao giờ khuyên mọi người tích thiện bằng cách bố thí, mà phải dựa vào tu thân, sống tốt, làm việc tốt để tích đức”.

Vị lão phu nhân này xác thực là một cao nhân. Quả đúng như lời bà nói, bởi vì kính Phật không phải là xem lễ vật cúng Phật của bạn mang theo có nặng hay không, mà là xem thiện niệm của bạn như thế nào. Khổng Tử từng có câu: “Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích”. Nếu cha mẹ mình mà còn không thiện đãi được thì người ấy thiện ở chỗ nào? Vậy nên có bao nhiêu lễ vật cúng dường cũng không Thần, Phật nào bảo hộ.

Người miệng nói rằng tín Phật, nhưng ngày thường lại thường hay làm việc xấu, thì Phật sẽ không bảo hộ cho họ. Còn có người, cho dù không đốt hương, nhưng thay vào đó là có thiện niệm, hành thiện tích đức, trong tâm luôn cung kính Thần Phật, thì khi Phật nhìn thấy họ sẽ rất hài lòng. Trên đầu ba thước có Thần linh, tất các vị Thần sẽ đều muốn giúp đỡ những người này.

 

Theo nguồn tinhhoa.net Biên tập Thông Lộ