Tu tâm là thay đổi cái tâm của mình, nghĩ điều tốt, làm việc tốt, luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình, có niềm tin vào sự thiện lương, chứ không phải là vứt bỏ những thứ vật chất bên ngoài.
Tấm lòng thờ kính Thần Phật là xuất phát từ tự tâm của mỗi người, nhưng mục đích của sự hướng đến Thần Phật thì không phải ai cũng giống nhau. Có người vì để được đắc chính quả, có người vì truy cầu những điều tốt cho cuộc sống của mình như sức khỏe, tiền tài, danh vọng, may mắn, có người vì để giải tỏa một vấn đề vướng bận trong tâm, muốn tìm về chốn an bình để nội tâm thư thái.
Cũng có những người vì cuộc sống mưu sinh, họ phải làm những công việc rất không lương thiện, họ rất trăn trở băn khoăn với chính cuộc sống của mình nhưng bế tắc không có đường giải thoát, nhưng khi nói đến Thần, Phật thì họ thấy rất chấn động.
Họ rất tin rằng có những bậc tối cao đang che chở cho con người, có thể họ rất hiểu cuộc sống mình đang sống là thế nào, kết cục sẽ ra sao, nhưng lực bất tòng tâm, họ không biết cách làm nào khác, nhưng cái tâm của họ thật sự luôn muốn hướng tới sự tốt đẹp ấy.
Có một câu chuyện như thế này: Xưa có một người làm nghề đồ tể, một hôm gặp hai người tu Phật trên đường sang Tây thiên gặp đức Phật. Họ khuyến khích người đồ tể kia cùng đi, nhưng người đồ tể nói: “Tôi nhơ bẩn quá, thật không xứng đáng. Thỉnh cầu hai vị mang trái tim của tôi đến gặp đức Phật” (thể hiện rằng người này tuy chức nghiệp xấu tệ, nhưng cái tâm đối với đức Phật là sùng kính và hướng thượng) nói rồi móc trái tim của mình ra đưa cho hai người kia (thể hiện rằng sự sùng kính và hướng thượng đối với đức Phật của cá nhân này quả không gợn chút vương vấn hay nghi ngờ gì cả).
Thế rồi hai hành giả kia mang trái tim người đồ tể theo đến Tây phương. Khi gặp đức Phật, đức Phật trỏ một chiếc vạc lớn đầy nước đang sôi lên sùng sục, hỏi xem họ dám nhảy vào đó chăng.
Hai người do dự, bèn nghĩ rằng thử bỏ trái tim của người đồ tể kia vào đó trước xem sao (thể hiện rằng hai vị này vẫn chưa hoàn toàn tin vào lời đức Phật, vẫn còn dùng cái tâm người thường để đo lường). Rồi họ bỏ trái tim người đồ tể vào đó, và trái tim đó hóa thành một kim Phật (ông Phật vàng) (đây là hình tượng thể hiện của cảnh giới chân thực nơi nội tâm người đồ tể kia).
Hai người thấy vậy liền vội vã nhảy vào theo (thể hiện rằng hai người này ngộ tính rất sai kém, vẫn còn lưu giữ tư tưởng rằng những gì mắt thấy là đúng, hơn nữa họ phải nhìn thấy rằng mình sẽ được những điều tốt rồi mới nghe theo lời đức Phật dạy). Kết quả họ hoá thành hai chiếc quẩy rán (hình tượng thể hiện của cảnh giới chân thực nơi nội tâm của họ).
Con người ta thường có một thuộc tính là phải nhìn thấy thì mới tin, không thấy thì không tin. Nếu thấy mới tin thì quá rõ ràng rồi, đâu còn gì để ngộ đạo nữa. Nhất là đối với những vấn đề tâm linh Thần, Phật thì lại càng không được thấy, mà phải tin trước thì mới được thấy sau.
Người xưa có nói: “Phật tại tâm trung”. Đúng như vậy. Tu tâm, dưỡng tính, làm người tốt, đó mới là người hành đạo. Tu tâm là thay đổi cái tâm của mình, nghĩ điều tốt, làm việc tốt, luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình. Không oán, không hận, không sân si hơn thiệt.
Khi con người giữ được cái tâm như thế thì cuộc sống của họ thật nhẹ nhàng, thanh thản. Hướng đến Thần, Phật thì phải có niềm tin, lấy điều tốt để tự ước thúc mình, kể cả trong suy nghĩ cũng luôn ý thức rằng mọi cái thuộc về mình sẽ đều có người biết.
Với những con người như thế, họ không cần bất cứ một đạo luật nào viết ra có tính cưỡng chế con người phải hành xử theo, mà tự trong tâm họ hiểu mình phải sống có đạo.
Đạo luật siêu thường nhất chính là đạo lý mà cái tâm con người chứng ngộ được và cảm nhận được. Một ngày họ làm được một việc tốt, họ thấy tâm mình thanh thản, một ngày họ làm một việc chưa tốt, tự họ nhắc nhở rằng mình không nên làm việc đó nữa. Tu là thế, hành thiện là thế!.
Nhung Nguyễn biên tập