Chiếc bát để ăn cơm là vật dụng vô cùng quen thuộc với người châu Á, và đặc biệt là người Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, liên quan đến việc sử dụng chiếc bát còn có một số nguyên tắc phong thủy mà chúng ta nên nắm rõ và coi trọng.
Là vật dụng được sử dụng hằng ngày, nhưng hầu hết chúng ta đều không mấy chú ý tới chiếc bát. Ít ai biết rằng, vật dụng này lại gắn liền với không ít điều kiêng kỵ về phong thủy. Tôi có anh bạn vừa chuyển nhà mới, và qua câu chuyện của anh tôi hiểu được tầm quan trọng về những kiêng kỵ gắn liền với chiếc bát ăn hằng ngày của chúng ta.
Như một thói quen của rất nhiều gia đình, khi chuyển tới nhà mới anh Lưu bạn tôi liền mang bán hết những đồ dùng gia đình ở nhà cũ, hơn nữa còn tiện tay thu dọn những chiếc bát cũ lâu ngày bỏ vào thùng rác. Thế là sau khi chuyển tới nhà mới, chừng nửa năm sau gia đình anh liên tục gặp những điều không may mắn. Làm ăn kinh doanh thì liên tục thất bại, vợ anh thì bỏ nhà theo người đàn ông khác, bản thân anh cũng bắt đầu xuất hiện các chứng bệnh mà trước đó chưa hề mắc. Quá lo lắng anh đã đi hỏi rất nhiều thầy tướng số phong thủy, và câu trả lời mà anh nhận được đều giống nhau khiến anh sững sờ: Đều là họa do anh vứt bỏ những chiếc bát cũ.
Quả thực, người xưa đối với chén bát, vật dụng trên mâm cơm hàng ngày đều rất quý trọng, hơn nữa có rất nhiều kiêng kỵ. Dưới đây là những điều kiêng kỵ đã được đúc rút lại quang hàng ngàn năm qua, hy vọng sẽ hữu ích cho tất cả chúng ta:
1. Không được tùy tiện vứt bát cũ
Khi chuyển nhà mới hoặc sắm sửa vật dụng sinh hoạt mới, nhiều người chúng ta thường hay quan niệm nhà mới thì đồ đạc cũng cần mới nên thường bán hết đồ cũ mua đồ mới. Và cũng thường tiện tay vứt bỏ những chiếc bát cũ đã sứt mẻ. Đây chính là một thói quen “phá tài” điển hình, khiến rất nhiều người gặp trắc trở về đường tài vận, tình duyên, sức khỏe.
Bất luận là mới hay cũ, chiếc bát đều tượng trưng cho “công ăn việc làm” của gia chủ. Nếu đem chiếc bát vứt đi, chẳng khác nào bạn đang tự hất bỏ “chén cơm” của mình. Trong tiếng Hán từ bát “碗” được đọc là “Wǎn”, nó đồng âm với từ 〝完〞đọc là “wán” trong từ 〝完蛋〞đọc là “wándàn”, nghĩa là kết thúc, là hết. Bởi vậy, những chiếc bát đã cũ dù không dùng cũng không được tùy tiện vứt bỏ đi.
2. Bát không dùng nữa thì xử lý như thế nào?
Bát cũ không thể vứt bỏ một cách tùy tiện, vậy thì xử lý thế nào?
Các chuyên gia phong thủy Trung Quốc cho rằng, đối với những chiếc bát vẫn còn dùng được, bạn nên cho hoặc tặng người khác, chỉ riêng bát chúc thọ là không thể tùy tiện đem cho.
Nếu là bạn thân, bạn tốt, việc tặng bát còn có thể kéo dài tình hữu hảo, tăng thêm sự thân thiết, gắn bó.
Theo quan niệm của người xưa, đối với những chiếc bát đã sứt mẻ đến nỗi không dùng được, bạn cũng có thể vứt đi, nhưng cần lưu ý phải bọc bát bằng vải đỏ rồi mới đem vứt.
3. Bát ăn cơm tự nhiên nứt vỡ nói lên điều gì?
Nhiều người làm kinh doanh, tối kỵ nhất là bát nứt vỡ làm đôi khi đang dùng bữa. Có một doanh nhân nọ, đang mời khách dùng cơm tại nhà hàng 5 sao thì bỗng nhiên chiếc bát ông cầm trên tay nứt vỡ làm đôi, ông ngạc nhiên và sợ hãi đến không nói nên lời.
Nhưng người sợ hãi hơn là chủ khách sạn 5 sao nọ. Dù ông ấy đã rối rít xin lỗi, tặng khách hàng toàn bộ hóa đơn ăn uống ngày hôm đó, nhưng sau vụ “bê bối” đó ông dính phải kiện tụng liên miên, làm ăn thất bát.
Nhiều nhà phong thủy học đã phân tích rằng, bát nứt tượng trưng cho việc điềm rủi ập đến, thậm chí còn là điềm dữ như bệnh tật hoặc người thân đã khuất tìm về. Ai vốn không hiếu thuận hoặc làm ăn bất minh, nếu gặp điềm này đều sẽ gặp quả báo nhãn tiền.
4. Bát ăn cơm bị mẻ có thể dùng tiếp được không?
Nhiều người dân Việt chúng ta vì thói quen tiết kiệm nên khi bát đã mẻ vẫn có thói quen tiếp tục sử dụng. Nhiều cửa tiệm nhỏ lẻ, ít kinh phí cũng thường cho khách dùng bát sứt mẻ. Thật ra, chúng ta nên tránh dùng bát đã vỡ, sứt, nứt khi ăn cơm. Nguyên nhân là bởi bát ăn cơm có ngụ ý để chỉ việc làm ăn, công việc ‘kiếm cơm’ của chúng ta. Bởi vậy nếu bạn sử dụng bát đã sứt mẻ ăn cơm thì công việc của bạn sẽ không ổn định và chắc chắn. Nguồn thu nhập cũng sẽ sụt giảm đi đáng kể, đã vậy lại thường xuyên bị kẻ tiểu nhân phá quấy. Vì thế, nếu chẳng may làm mẻ bát hãy gói gọn chúng vào vải đỏ như đã nói ở trên.
5. Nên sử dụng bát mẻ vào lúc nào?
Chỉ ở vào những trường hợp đặc biệt mới có thể sử dụng những chiếc bát mẻ mà không được phép sử dụng những chiếc bát lành lặn. Ví dụ người ở miền bắc Trung Quốc, mỗi khi có việc ma chay người ta thường dùng một chiếc bát mẻ xới đầy cơm, sau đó thắp hương lên trên và đặt trên quan tài. Theo quan niệm của người dân ở đây, điều này có thể giúp linh hồn người quá cố được thanh thản ra đi. Và chiếc bát này vĩnh viễn sẽ không được dùng nữa mà lưu lại như một vật bày tỏ sự tưởng nhớ người đã khuất.
6. Tại sao lại có thể lấy trộm bát?
Bạn đừng nghĩ rằng đây là câu hỏi buồn cười! Nhiều nơi, khi làm tiệc thượng thọ cho người cao niên trong làng, đều có tập tục tặng bát. Người đến ăn cỗ mừng thọ đều có thể thoải mái ‘lấy trộm’ bát mang về.
Gọi là ‘lấy trộm’ nhưng thật ra ai cũng có thể tùy tiện cầm đi mà không gặp sự cản trở nào của người nhà hay chủ cỗ. Bởi lẽ, mang bát đi đồng nghĩa với việc nhân rộng niềm vui và giúp người cầm bát “lây” sự trường thọ như chủ nhân.
Nhiều bậc phụ huynh còn chia sẻ rằng, những chiếc bát mừng thọ này, khi mang về cho con cái sử dụng sẽ có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ và xui xẻo, giúp người già tăng thêm sức khỏe, giúp trẻ nhỏ chiêu tài chiêu lộc.
7. Đập vỡ bát có thể coi là bình an được không?
Một vài nước trên thế giới như ở Đan Mạch, Đức, Hy Lạp và ngay chính ở Trung Quốc, vào dịp năm mới hoặc trong đám cưới, hoàn toàn có thể thoải mái đập vỡ bát đĩa để cầu bình an và may mắn, sau đó lấy khăn hoặc vải đỏ bọc kín lại rồi vứt đi.
Phong tục này ngược lại hoàn toàn với quan niệm của người Việt Nam, phải kiêng làm vỡ, sứt bát đĩa vào ngày lễ Tết. Kỳ thực trong một tình huống cụ thể đập vỡ bát nhất định là có liên quan đến một điềm báo nào đó.
Tôi có anh bạn vào ngày mùng 2 Tết năm ngoái, khoảng tầm hơn 9h tối đi nấu mỳ. Khi đang múc mì vào tô thì nhìn thấy một con gián trong bát làm anh sợ quá buông cả bát mỳ rơi xuống đất vỡ toang. Bởi lúc đó không có ai ở nhà và anh cũng biết bị vỡ bát vào dịp Tết là không may mắn nên sợ ngây người không biết nên xử lý ra sao. Phải vài phút sau mới lấy lại bình tĩnh đi thu dọn những mảnh bát vỡ và mang chổi định đuổi con gián nhưng không thấy nó đâu. Ngay sáng hôm sau, cha mẹ anh xảy ra xô xát cãi nhau lớn rồi vài tháng sau ly hôn.
8. Dùng bát như thế nào khi ăn cơm?
Khi ăn cơm nên dùng bát như thế nào? Có rất nhiều người nghĩ rằng đây không phải là vấn đề đáng để hỏi.
Khi ăn cơm nên dùng đĩa lót vào bát rồi ăn là tốt? Hay bưng bát cơm lên ăn là tốt? Hay đặt bát cơm trên bàn và ghé miệng xuống tận bàn và cơm là tốt? Kỳ thực tất cả những điều này đều cần được chú trọng và mọi người hãy lưu ý: Tốt nhất không nên đặt bát cơm trên bàn và ghé miệng xuống và cơm ăn.
Theo thuyết phong thủy của người phương Đông, bát ăn cơm kỵ nhất là để lên bàn, sau đó dùng đũa gắp cơm lên miệng. Khi ăn cơm, nhất định phải dùng tay cầm bát, không nên đặt bát lên bàn rồi và cơm. Đây vừa là lưu ý về phong thủy, cũng là vừa thể hiện lễ tiết trước mặt người lớn tuổi.
9. Sử dụng bát phong thủy như thế nào?
Một ngày nọ tôi có người bạn nhờ tư vấn: “Anh mới được công ty phát bộ bát phong thủy nhưng không biết nó là gì và sử dụng như thế nào?”. Bát phong thủy, nghe qua tưởng chừng chỉ là chiếc bát nhỏ, chuyên dùng để đựng cơm nhưng thực ra không phải vậy. Nó là bát chuyên dùng trong phong thủy, đặc biệt là ở chốn công sở.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy tài vận không tốt hoặc có người so đo theo dõi, hãy sắm ngay một chiếc bát phong thủy và đặt tại bàn làm việc hoặc tại nhà của mình.
Bát phong thủy sử dụng cần hợp với bản mệnh của mình theo ngũ hành, ví dụ có thể dùng bát bằng gốm sứ, đồng, gỗ.. Với bát lòng rộng hoặc bát rỗng, bạn có thể đựng chút nước rồi để vài đồng tiền xu bên trong, với hàm ý Kim sinh Thủy. Cách làm này sẽ giúp vượng tài, vượng khí, và an ổn về tâm lý. Tốt nhất nên để cạnh cửa sổ bàn làm việc, vì đó là nơi thu nạp khí tốt nhất.
10. Tại sao cần đập vỡ bát khi nhà có việc ma chay?
Nói chung khi gặp phải đám ma hoặc có những nơi khi đang tổ chức đám cưới, đang đón dâu bỗng nhiên gặp phải đám ma thì đều nên đập vỡ bát. Kỳ thực đây là một phong tục tập quán của người xưa với ngụ ý cầu mong được đại cát đại lợi, may mắn xua đuổi tà khí.
Nhiều người trong mơ còn thấy mình đập vỡ rất nhiều bát đĩa. Nếu cố tình đập mà bát không hề sứt mẻ, thì giấc mơ này cho thấy, quan hệ giữa người đó với mẹ ruột đang rất thắm thiết, tình cảm. Ngược lại mới chỉ đập khẽ mà bát đã nứt vỡ thành nhiều mảnh, thì có nghĩa là quan hệ mẹ con đang có vấn đề gay gắt.
Từ một chiếc bát, vật dụng tưởng chừng quen thuộc trên bàn ăn, lại có rất nhiều những kiêng kỵ và phong thủy. Điều đó đủ để thấy rằng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải lưu tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Và phong thủy ấy chính là điều được cổ nhân lưu lại, không phải để hù dọa hay làm ‘mê tín’, mà là những đúc rút để nhắn nhủ con người hãy trọng đức tu tâm, sống hòa hợp với tự nhiên đất trời và biết quý trọng, hài lòng với những gì mình đang có.
Đăng Dũng biên tập