Trong mắt những người vô Thần, nhân quả báo ứng chỉ xuất hiện trong truyền thuyết, không có thật ở ngoài đời. Nhưng rất nhiều câu chuyện và bài học giáo huấn chính diện trong lịch sử đã chỉ ra rằng điều tưởng như là truyền thuyết ấy lại đang hiện hữu từng phút, từng giờ ngay bên cạnh người ta.
Phật gia tuyên giảng: Kiếp trước đã làm điều gì xấu với ai, lừa dối ai, thậm chí đoạt đi sinh mệnh của ai, thì đều phải hoàn trả. Kiếp này không trả hết thì kiếp sau chịu cảnh giày vò, đau đớn khôn xiết, rồi cuối cùng vẫn phải đầu thai làm trâu làm ngựa trả nợ người ta. Nhiều người nghĩ đó là chuyện tâm linh và huyền hoặc, nhưng những trường hợp báo ứng nhãn tiền quả thực là kể không hết được.
Chuyện kể rằng, ở vùng Hoài Tây có một vị tú tài tên là Diệp Chư Lương, vì hoàn cảnh gia đình khốn khó nên ông phải hành nghề dạy học để kiếm tiền mưu sinh, sau ông được vị phú hào họ Mã đến mời về để kèm cặp cho hai quý tử trong nhà.
Diệp Chư Lương vốn là người tài giỏi, mưu trí, tài hoa hơn người, chẳng mấy chốc đã được gia chủ trọng dụng. Mỗi năm nhà họ Mã đều trả Diệp Chư Lương hàng trăm lượng, đãi ngộ rất hậu hĩnh, thậm chí còn cho ông vay tiền để kinh doanh kiếm sống. Diệp Chư Lương cảm nhận được sự đức độ cũng như tấm lòng nhiệt thành của gia chủ nên cũng rất tận tâm tận lực dạy dỗ hai đứa trẻ.
Chỉ sau vài năm đó, Diệp Chư Lương đã tích lũy được nghìn lượng vàng, bước vào hàng ngũ của những người giàu có. Tuy nhiên, đúng lúc này Mã phú hào chẳng may qua đời vì bạo bệnh, hai quý tử nhà họ Mã lại quen thói tiêu xài xa xỉ. Tất cả tài sản trong nhà, từ ngân lượng cho đến đất đai, đều qua tay của Diệp tú tài mà bán mất. Diệp Chư Lương ngày đêm vận dụng tâm kế, không chỉ mưu đồ chiếm đoạt toàn bộ gia sản mà thậm chí còn nhẫn tâm đẩy hai đứa nhỏ đến hoàn cảnh bần cùng, lưu lạc.
Hai đứa trẻ bỗng chốc trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa, lại không biết kiếm tiền, không có kế sinh nhai nên thân thể hốc hác tiều tụy, tình cảnh trông rất bi thảm.
Đêm nọ, Diệp Chư Lương gặp ác mộng, thấy mình bị rơi xuống âm tào địa phủ. Trên công đường là một vị quan sắc mặt uy nghiêm, còn Diệp Chư Lương thì khép nép đứng dưới bậc thềm. Vị quan xem hồ sơ tội trạng của Diệp Chư Lương bèn nổi cơn thịnh nộ, mắng rằng ngươi là kẻ vong ơn bội nghĩa, cần bị đọa kiếp súc sinh, mang thân trâu bò mà đền tội.
Diệp Chư Lương cảm thấy vô cùng sợ hãi, cuống quýt cầu xin, thỉnh cầu đức quan khoan dung mà ân xá cho ông một cơ hội để làm lại từ đầu. Ông hứa rằng nếu được quay trở về, nhất định sẽ trả lại toàn bộ tài sản cũng như chăm sóc chu đáo hai công tử nhà họ Mã.
Vị quan địa phủ nói: “Vì ngươi đã sám hối nên ta sẽ cho ngươi về. Nhưng nếu nhà ngươi không thực hiện lời hứa thì sẽ bị đày xuống địa ngục A Tỳ vĩnh viễn”. Địa ngục A Tỳ còn được gọi là ngục vô gián, chỉ những kẻ thập ác bất xá mới bị đọa vào đây.
Nghe xong, Diệp Chư Lương chợt đột nhiên tỉnh giấc. Sau khi hoàn hồn ông mới quay sang nói với vợ mình: “Vinh quang phú quý mà chúng ta được hưởng ngày hôm nay, thực chất đều là gia sản của nhà họ Mã. Thậm chí nếu trả hết thì chúng ta vẫn là phú gia, cần chi phải kết oán với quỷ Thần làm gì?”.
Sớm ngày hôm sau, ông tìm đến nơi ở của hai công tử nhà họ Mã, thấy họ đang sống trong cảnh nghèo khó ở nơi hoang vu, tình cảnh thê thảm thật vô cùng đáng thương. Hai người trông thấy Diệp lão sư ngày nào thì bất giác cất tiếng khóc. Thấy vậy, ông cũng nhớ đến tình sư đồ, ôm hai học trò vào lòng rồi bật khóc.
Diệp Chư Lương đưa hai trò nhỏ về nhà, thay y phục mới, rồi gửi trăm lượng bạc để hai trò có thể tạm thời vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt. Vài tháng sau, ông lại thu xếp hoàn trả tất cả tài sản. Ông còn giúp hai trò tính kế sinh nhai, một người mở tiệm kinh doanh còn người kia ra ngoài buôn bán.
Hai quý tử nhà họ Mã đã trải qua những khó khăn, vất vả và gian nan, cảm nhận được sự lạnh lẽo và ấm áp trên đời, nên từ đó đã quyết tâm sửa đổi những sai lầm trước đây và tập trung chăm chỉ làm ăn. Sau vài năm tích lũy được gia sản kếch xù, họ bèn tính cả vốn lẫn lời đem trả lại cho Diệp lão sư. Thế nhưng Diệp Chư Lương kiên quyết không nhận, nói: “Trước đây ta rất nghèo khó, được phụ thân của hai con hậu đãi ta mới có ngày hôm nay. Các con đừng bận tâm, cũng đừng khách khí. Đây là mối thâm giao của ta với phụ thân các con. Như vậy thì khi xuống suối vàng gặp lại phụ thân hai con, ta mới có thể nhìn ông ấy mà cười được”.
Hôm ấy là tết Trung Thu, Diệp Chư Lương vừa uống rượu ngắm trăng, nằm say dưới cửa sổ. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, ông thấy Mã phú hào đến trước mặt, cảm tạ ông và nói rằng: “Những việc trước đây đều là việc không đáng có. Nhưng dù sao các con ta từ nhỏ đều đã quen thói xa hoa, nếu đem tài sản giao cho chúng thì chúng tất sẽ phung phí. Chúng trải qua gian khổ, khó khăn, giờ mới biết hối hận nên mới có thể sửa chữa lỗi lầm và đạt được thành tựu như ngày hôm nay – tất cả chính là nhờ tiên sinh. Ân đức này ta sẽ báo lại với các vị quan dưới âm phủ, nhờ họ chuyển lời tấu lên Thượng Đế. Tiên sinh từ nay sẽ phúc đức dài lâu, ta tới đây chỉ để phụng báo”. Mã phú hào cảm tạ vài lần nữa rồi mới cáo biệt.
Kể từ đó trở đi, mọi việc kinh doanh của Diệp Chư Lương đều thuận buồm xuôi gió, tài sản ông tích góp được cũng nhiều gấp bội so với trước đây, các con ông đều chuyên tâm vào việc đèn sách. Về sau, họ Mã cũng trở thành gia đình quý tộc chức tước, danh gia vọng tộc.
Luật nhân quả và nguyên lý “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” chi phối điều hành khắp vũ trụ này, nếu chỉ một chút không công bằng, thì vũ trụ này sẽ không còn trật tự. Cách duy nhất để có một tương lai tươi sáng là tích đức hành thiện, tránh xa cái ác, hãy cố gắng tích đức, tạo dựng phúc báo đời này cho mình để những kiếp về sau có thể sống trong an lạc. Con đường duy nhất để thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi thống khổ duy nhất chỉ có tu luyện, tu dưỡng, tích đức hành thiện. Người tu luyện đạt đến một cảnh giới tinh thần cao thượng thì khiêu xuất ra khỏi tam giới, ngũ hành, đời đời hưởng phúc báo.
Nguồn: Epochtimestv
Lan Hòa biên tập