Lập sơ đồ khuôn mặt là một phương pháp cổ truyền của Trung Quốc được cho là có thể xác định sức khỏe của một người dựa trên tình trạng mụn trên khuôn mặt của người đó. Khi cơ thể bị bệnh tật tấn công, một số bộ phận trên da mặt bắt đầu nổi mụn. Vị trí của mụn này cho thấy bộ phận nào trên cơ thể bị ảnh hưởng bởi bệnh.
Tuy nhiên, vội vàng kết luận bất kỳ một nốt mụn trứng cá nào đều có liên quan đến một số căn bệnh nặng là sai lầm. “Trước hết, chúng ta cần đảm bảo rằng những đốm đen hay mụn trên da không phải là do vệ sinh kém hoặc nhiễm trùng da. Nếu các triệu chứng vẫn xảy ra sau bảy ngày làm sạch da hay điều trị cho da hàng ngày thì chúng ta có thể xem xét đến việc lập sơ đồ gương mặt”, Chapman Lee, người sáng lập một dòng sản phẩm chăm sóc da cho biết.
Lập sơ đồ khuôn mặt và mụn
1. Mụn chứng cá xuất hiện ở cằm
Rối loạn nội tiết là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mụn ở cằm. Tình trạng này có thể xuất phát từ chứng rối loạn hormone hay căng thẳng quá mức. Hoặc do buồng trứng, tử cung… có vấn đề. Đối với phụ nữ, mụn trứng cá mọc ở vùng trên thường xảy ra vào chu kỳ kinh nguyệt. Việc sản xuất bã nhờn tăng lên dẫn đến mọc nhiều mụn đầu đen và mụn đầu trắng.
Để xóa mờ vết thâm do mụn để lại, hãy cố gắng ngủ đủ giấc và giảm thiểu căng thẳng hết mức có thể. Chế độ dinh dưỡng trong trường hợp này là tăng cường ăn nhiều trái cây và rau quả tươi.
2. Mụn vùng quai hàm
Mụn vùng quai hàm có thể do dị ứng mỹ phẩm: kem dưỡng ẩm, kem cạo râu,… hoặc từ dây đeo của mũ bảo hiểm không được vệ sinh tốt. Ngoài ra mụn vùng quai hàm có phản ánh tình trạng rối loạn hormone trong cơ thể hoặc do hội chứng buồng trứng đa nang.
3. Mụn mọc ở trán hoặc quanh chân tóc
Việc vùng trán lấm tấm mụn cho thấy bạn đang có các vấn đề về tiêu hóa, gan cũng như chế độ sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, thiếu ngủ. Đặc biệt, đối với những bạn đang trong trạng thái stress do áp lực học hành, thi cử hoặc công việc thì tình trạng này ngày càng tồi tệ và dai dẳng.
Để khắc phục tình trạng trên, hãy tập cho mình lối sống điều độ. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước lọc hoặc nước ép trái cây, ăn nhiều rau củ và trái cây. Hạn chế bia rượu, thuốc lá hoặc những thức ăn cay, nhiều dầu mỡ. Thường xuyên tập luyện thể dục, nhất là những bài tập ra nhiều mồ hôi để đẩy hết chất độc ra khỏi cơ thể.
Mụn trứng cá mọc trên trán hoặc dọc theo đường chân tóc thường là kết quả của việc sử dụng quá nhiều sản phẩm chứa dầu lên da vùng này. Khi tóc nhiều dầu thì dầu có thể tràn ra trán và cuối cùng dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông. Để giảm thiểu tình trạng này, hàng ngày khi chăm sóc tóc nên hạn chế sử dụng dầu và các sản phẩm có chứa dầu.
4. Mụn mọc ở má
Khi chúng ta ngủ thường áp má vào gối. Vì vậy, vi khuẩn có thể dễ dàng theo đó xâm nhập vào lỗ chân lông, gây ra viêm nhiễm. Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là thay vỏ gối sạch mỗi tuần. Nếu việc dùng vỏ gối sạch không làm giảm mụn trên má thì có thể do sự mất cân bằng ở ruột non. Tránh dùng thức uống lạnh và chỉ tiêu thụ đồ uống ở nhiệt độ phòng. Má cũng có thể bị mụn nếu dạ dày bị viêm.
Ngoài ra, mụn ở má có thể đơn thuần là do điện thoại, khẩu trang hoặc tay bẩn tiếp xúc với mặt. Bất cứ thứ gì chạm vào mặt bạn một lúc lâu cũng có thể truyền các chất bẩn gây tắc lỗ chân lông hay vi khuẩn tới da. Vì vậy, hãy làm sạch khẩu trang của bạn thường xuyên và từ bỏ thói quen đưa tay lên mặt.
5. Mụn mọc ở mũi hoặc môi
Mụn trứng cá mọc ở mũi hoặc môi trên thường do mồ hôi và tiếp xúc với bụi bẩn. Vì trong ngày chúng ta thường xuyên chạm vào mũi nên bụi bẩn hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập vào, gây ra mụn. Nếu bạn không chạm vào mũi thường xuyên thì mụn mọc nhiều ở khu vực này có thể liên quan đến sự rối loạn ở dạ dày, lách hoặc thận. Khi này bạn nên bỏ thói quen hút thuốc lá nếu có và thường xuyên ăn thực phẩm giàu chất xơ hơn.
Hiệu ứng tâm lý của mụn
Với nhiều người, mụn nhiều làm căng thẳng tinh thần. Điều này đặc biệt đúng với những thanh thiếu niên trải qua giai đoạn bị ám ảnh bởi ngoại hình.
“Bọn trẻ có thể bị bắt nạt. Những đứa trẻ khác đặt biệt danh ‘mặt nở hoa’ cho những đứa trẻ đang nổi mụn. Việc bị bắt nạt có thể dẫn đến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Nó sẽ khiến các em cảm thấy khó chịu đến mức chúng chỉ muốn ở một mình. Chúng sẽ có ít bạn”, theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ.
Cũng có những người mắc phải một tình trạng gọi là mụn trứng cá dị hình. Có thể họ chỉ có một vài nhược điểm trên khuôn mặt, nhưng họ vẫn sẽ coi đó là mụn trứng cá nghiêm trọng, và cuối cùng phải chịu tổn thương tâm lý tương tự. Trong một vài trường hợp, những người như vậy có dấu hiệu rối loạn tâm thần và có thể cần trợ giúp về điều trị tâm lý.
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn: ntdindonesia