Ảnh: Internet

Văn Hóa Thần Truyền

Phương thuốc nào chữa được bách bệnh?

By Đăng Dũng

May 01, 2021

Nhân sinh tại thế, cho dù là làm bất kể sự việc gì, đều cần phải nỗ lực làm cho thật tốt, từng bước đặt dấu chân lên đó. Đừng vội gấp gáp tham công hám lợi, cũng đừng bày mưu tính kế, càng không thể không từ thủ đoạn mà đoạt lấy lợi ích, nếu không sẽ lầm đường lạc lối…

Chuyện kể rằng có một người đàn ông nọ sau khi chết gặp được Phật tổ, anh ta liền quỳ xuống khóc lóc mà thưa với Đức Phật rằng: “Phật Tổ ơi, Người tại sao lại nhẫn tâm như vậy, Người để con ban ngày thì bận rộn không ngơi, mà thu về lại không được chút gì; ban đêm hồn con lại bị tra tấn không thôi, quả thực không có ngày nào là không sống trong đau khổ!”.

Phật Tổ hỏi anh ta: “Tại sao lại như vậy? Con hãy kể rõ đầu đuôi ta nghe!”

Người đàn ông kính cẩn đáp: “Ban ngày vì để xoay sở kiếm tiền sống qua ngày, nên những lời con đã nói, nhiều việc con đã làm đều trái với lương tâm của mình, tuy nhiên con làm vậy là để sinh tồn, hơn nữa cuối cùng một đồng một cắc rồi con cũng chẳng tiết kiệm được gì. Mỗi khi màn đêm dần buông xuống, con lại trằn trọc mất ngủ, tâm hồn giống như bị giam cầm trong địa ngục vậy. Phật Tổ à! con đường nhân sinh quả là không dễ dàng, nhưng tại sao con vẫn bị hành hạ dằn vặt như vậy?”

Phật Tổ nghe xong bắt đầu giảng Đạo cho anh ta: “Con à, vì để kiếm sống mà con đi lừa lọc người khác, hơn nữa không phải thông qua một phương thức chính đáng để sinh tồn. Ta từ bi với chúng sinh như nhau, cho nên quyết không để một người chân chính đi vào con đường tuyệt vọng. Tâm linh con đã dung chứa đầy cỏ độc, cần phải có một liều thuốc giải, mới có thể trừ dứt”.

Người đàn ông nghe xong vội vàng hỏi Đức Phật: “Đó là loại thuốc gì vậy ạ? Xin Người chỉ cho con biết tên loại thuốc, con lập tức liền đi mua ngay!”.

Phật Tổ nói: “Thuốc tên là ‘đạo đức’. Đạo đức là một loại linh dược siêu thường có thể phòng trừ tất cả các loại bệnh tật”.

Quý ở hai chữ chân chính 

Cao tăng Huệ Năng (là một vị Thiền sư vĩ đại trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa. Sư kế tiếp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Quốc, tổ sư là Đức Đạt Ma) vì để khảo nghiệm huệ căn của các chúng tăng trong chùa, vậy nên đã xây dựng một pháp tượng Đạt Ma trang nghiêm trên đỉnh núi Phi Lai, và quảng truyền đến chúng tăng trong chùa rằng: “Ai có thể chính đại quang minh chạm được vào huệ nhãn của tổ sư thì sẽ được kế truyền ‘y bát’” (*).

Chúng tăng nghe xong liền bàn tán xôn xao, trưởng lão trụ trì Huệ Năng đã chuẩn bị sự việc này từ trước, vì muốn xây dựng thân thể vàng kim của Đức Đạt Ma và để tìm người kế tụng nên ông đã ban bố rằng ai có thể chạm được huệ nhãn (mắt) của Tổ sư, thì người đó có thể trở thành trụ trì kế nhiệm tiếp theo của chùa. Tương truyền đường lên đỉnh núi vô cùng khó khăn hiểm trở, thậm chí còn có những cao tăng đã viên tịch trong lúc bộ hành! Có thể thấy được con đường lên đỉnh khó khăn nguy hiểm đến nhường nào!

Trong chùa khi này có một vị tăng nọ, anh sớm đã phát hiện được con đường tắt dẫn lên đỉnh núi, men theo lối đó có thể lên trên đỉnh, hơn nữa lộ trình còn rút ngắn được một nửa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Một số tăng nhân khác thấy vậy tập hợp lại thành một nhóm xuất phát theo con đường bằng phẳng sau núi, lộ trình tuy dài, nhưng lại yên bình, cũng không gặp bất cứ chướng ngại nào hết.

Còn có một vị tăng nhân khác tên là Tâm Thiền, anh lại quyết định đi theo con đường phía trước để lên núi. Phía trước của đỉnh Phi Lai, núi cao dốc trắc trở, con đường đi quanh co và đầy chông gai. Nhưng Tâm Thiền vẫn từng bước từng bước quyết tâm vượt khó khăn đi lên, bị gai đâm chảy rất nhiều máu, mồ hôi đầm đìa.

Khi lên tới đỉnh núi, Tâm Thiền phát hiện được chúng sư huynh đệ ở trong chùa sớm đã đứng trước tượng Phật vàng son của Đạt Ma, chứng kiến sự xuất hiện muộn màng của Tâm Thiền. Anh không hề xấu hổ, chậm rãi từng bước tiến đến tượng Phật, sờ vào huệ nhãn của Tổ sư.

Khi này cao tăng Huệ Năng bước ra và tuyên bố rằng, Tâm Thiền có đầy đủ huệ căn, có thể kế tục y bát của ông, và quyết định tương lai sẽ để Tâm Thiền làm trụ trì đời kế tiếp. Chúng tăng nghe xong mười phần kinh ngạc, có người bất bình phàn nàn nói: “Tâm Thiền tới muộn nhất, chọn dùng cách đi lại dễ mất mạng nhất, không có linh tính nhạy bén. Chức vị trụ trì làm sao có thể để anh ấy tiếp nhận được?”.

Trưởng lão trụ trì Huệ Năng đáp lại rằng: “Con người tu hành tại thế gian, quý tại hai chữ chân chính. Lời nói chân chính, tư tưởng chân chính, hành vi chân chính. Mọi người đi tìm đường tắt, duy chỉ có Tâm Thiền bắt đầu từng bước khổ hạnh bước đi từ phía trước ngọn núi; mọi người tìm đường lớn để đi, duy chỉ có Tâm Thiền phải qua những vách núi nhỏ quanh co trắc trở, cam chịu đổ máu và mồ hôi. Đồ đệ ấy là đi trên con đường Chính Phật, các con lại không phải như vậy. Ta làm sao có thể đem chùa giao cho những người có hành vi không chính đáng đây? Cần nhớ kỹ: Phải theo chính đạo!”.

Mọi người nghe xong liền câm nín không ai nói năng gì nữa.

Lời nói chân chính, tư duy chân chính, hành vi chân chính là thước đo của Phật, cũng chính là tu hành thành Phật. Đối diện với sự nghiệp hay ái tình của bản thân, rất nhiều người ban đầu đều nghĩ rằng muốn tìm đường tắt; thậm chí còn có những người bước lạc sang con đường phản diện. Cả hai cách đều không phải là hành vi sáng suốt. Nhân sinh tại thế, cho dù là làm bất kể sự việc gì, đều cần phải nỗ lực làm cho thật tốt, từng bước đặt dấu chân lên đó. Đừng vội gấp gáp tham công hám lợi, cũng đừng bày mưu tính kế, càng không thể không từ thủ đoạn mà đoạt lấy lợi ích, nếu không sẽ lầm đường lạc lối.

Cần phải nhớ kỹ: phải theo chính đạo, giữ gìn đạo đức mới là phương thuốc tốt nhất chữa bách bệnh trong cuộc sống này.

Trúc Lâm 

Nguồn: Secretchina