Người xưa rất coi trọng các phép tắc lễ nghi đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày. Chỉ nói riêng về việc trên bàn ăn cũng có không ít lễ nghi, cổ nhân đối với cách sử dụng đũa càng đặc biệt chú trọng. Gia giáo của một người, tu dưỡng như thế nào, cũng có thể từ việc cầm đũa này mà thể hiện ra.
Văn hóa truyền thống chủ trương “hòa hợp giữa con người và thiên nhiên ”. Và khi quan sát kỹ chiếc đũa, chúng ta sẽ thấy rằng một đầu là hình vuông và một đầu là hình tròn, đầu vuông tượng trưng cho đất và đầu tròn tượng trưng cho bầu trời, tượng trưng cho triết lý cổ xưa là “đất vuông, trời tròn”.
Vì nguyên liệu làm đũa trước đây đều từ thiên nhiên nên nó cũng phản ánh quan điểm về sự thống nhất giữa thiên nhiên và con người. So với thói quen ăn uống của người phương Tây sử dụng dao, nĩa và các dụng cụ khác để cắt thức ăn, đũa có cấu tạo đơn giản có khả năng gắp, chọc, kẹp, trộn và các chức năng tiện lợi đa dạng cũng cho thấy người phương Đông đã biết tiết chế và dè dặt hơn khi dùng đũa gắp thức ăn một cách thanh lịch.
Người xưa đối với việc dùng đũa rất coi trọng, còn tổng kết ra 12 điều cấm kỵ khi sử dụng đũa.
1. Kỵ đũa gõ bát
Dùng đũa gõ vào bát, bình thường bị coi như là ăn mày xin cơm. Bởi vì trong quá khứ chỉ có ăn mày mới dùng đũa gõ vào bát để xin cơm, âm thanh phát ra cộng với lời xin ai oán khiến người ta chú ý mà bố thí. Đây cũng bị coi là hành vi hạ tiện, bị mọi người khinh ghét. Bởi vậy khi ăn cơm mà gõ đũa vào bát là một điều kiêng kỵ.
2. Kỵ đũa cắm bát cơm
“Đương chúng thượng hương” có nghĩa là dâng hương trước mặt mọi người. Thời cổ, khi cúng tế người chết sẽ lấy một đôi đũa cắm vào trong bát cơm, cách làm này cho tới hôm nay vẫn được lưu hành tại nhiều nơi. Vậy nên lúc ăn cơm nếu như dở chừng cần rời khỏi bàn ăn, có thể thả đũa sang một bên bát. Nhưng tuyệt đối không thể vì bớt việc, đem đũa cắm vào trong bát cơm, loại hành vi này sẽ bị người khác coi là đại bất kính.
3. Kỵ đũa gác bát không
Đũa đặt trên cái bát không có nghĩa là “giá không”. Chúng ta khi đến tiệm cơm ăn cơm, thường sẽ thấy có giá chuyên để gác đũa, mục đích là phòng ngừa việc đặt đũa lên trên chiếc bát trống không.
4. Kỵ xới một chiếc đũa trong đồ ăn
Khi ăn cơm chỉ dùng một chiếc đũa xới vào đĩa thức ăn, sẽ bị cho rằng đó là làm sỉ nhục những người cùng bàn. Đây cũng là hành vi cấm kỵ.
5. Kỵ gác chéo đũa lên bàn
Trong lúc dùng bữa, đem đôi đũa tùy tiện gác chéo trên bàn, sẽ bị cho rằng là hành vi phủ định toàn bộ những người cùng bàn, tính chất cũng giống như học sinh làm bài sai bị thầy cô gạch chéo bài.
Ngoài ra, đây cũng là hành vi không tôn trọng bản thân, bởi trước đây khi tội nhân ký tên vào bản cung khai, mới bị quan trên đánh dấu chéo vào. Không nghi ngờ gì, đây cũng chính là hành vi tự phủ định mình.
6. Kỵ đũa dài ngắn không bằng nhau
Trước hoặc trong quá trình dùng bữa, kỵ đem hai chiếc đũa dài ngắn không bằng nhau đặt lên bàn. Cách làm này bị cho là điềm cực xấu, người ta thường gọi là “tam trường lưỡng đoạn”, đại biểu cho tử vong.
Bởi vì người xưa cho rằng, người chết nằm trong quan tài, nắp quan tài chưa đóng lại, bộ phận tổ thành quan tài gồm trước sau 2 mảnh ván ngắn, 2 bên hông và dưới đáy là 3 mảnh ván dài, cả 5 mảnh hợp thành vừa đúng là “tam trường lưỡng đoạn”, cho nên đây là điều đại kỵ.
7. Kỵ mút đũa phát ra tiếng
Lúc dùng đũa gắp thức ăn, không nên dùng miệng mút đũa, thậm chí phát ra âm thanh, càng không thể coi đũa như cây tăm đi xỉa răng. Đây là hành vi bị cho rằng là không có giáo dưỡng, khiến người ta chán ghét.
8. Kỵ dùng đũa bới đồ ăn và rơi vãi
Khi các món ăn được bưng lên bàn, thường sẽ có người cầm đũa đảo khắp mâm, không biết nên ăn món nào.
Lúc dùng đũa gắp thức ăn bỏ vào bát của mình, tay chân lóng ngóng khiến thức ăn rơi vãi vào đĩa khác hoặc trên bàn. Hành vi này bị coi là thất lễ nghiêm trọng.
Cũng không nên cầm đũa xới tung đĩa thức ăn mà mình thích. Đây đều là hành vi thuộc về thiếu giáo dưỡng.
9. Kỵ chỉ đũa và rung đũa
“Chỉ đũa” tức là lúc cầm đũa ngón trỏ duỗi về phía trước.
Thời cổ đại, dùng ngón tay trỏ chỉ người là có ý khiêu khích, cách làm này giống như là mắng chửi người khác, điều này là cấm kỵ. Lúc cầm đũa ngón trỏ duỗi về phía trước cũng giống như vậy.
Rung đũa thì là chỉ lúc gắp thức ăn theo thói quen rung mấy lần, khiến nước canh bị rớt xuống, đây cũng là hành vi vô cùng thất lễ.
10. Kỵ đũa chỉ món ăn
Tay cầm đũa đưa tới đưa lui trên các đĩa thức ăn, không biết nên gắp món nào. Loại hành vi này là biểu hiện điển hình cho sự thiếu tu dưỡng, rất phản cảm trong mắt mọi người khác.
Tại bữa tiệc, người chủ thường sẽ dùng đũa chỉ các món ăn, giới thiệu cách làm và hương vị món ăn này, mời mọi người thưởng thức. Kỳ thực cách làm này cũng là rất không lễ phép.
11. Kỵ đũa rơi xuống đất
Lỡ tay làm rơi đũa xuống đất, đây cũng là một loại biểu hiện sự thất lễ. Người xưa cho rằng, tổ tiên đang yên nghỉ dưới đất không nên bị quấy rầy, đánh rơi đũa đồng nghĩa với việc quấy rầy tổ tiên, đây là điều đại bất hiếu, vì thế hành vi này cũng không được chấp nhận.
Tuy nhiên, làm người khó tránh khỏi những lúc phạm sai lầm. Bởi vậy, đối với loại tội không cố ý này người xưa cũng có một cách hóa giải: Khi đánh rơi đũa, ngay lập tức dùng đôi đũa đó căn cứ vào chỗ ngồi của mình vẽ một chữ “thập” trên mặt đất, trước tiên là theo hướng Đông Tây, sau đó là hướng Nam Bắc, ý nghĩa là: con sai rồi, không nên làm kinh động tổ tiên, cầu xin tổ tiên tha thứ.
12. Kỵ dùng đũa ngược đầu nhau
Ý nói khi ăn cơm dùng đũa ngược đầu nhau, đây cũng là hành vi bị người khác xem thường. Làm như vậy sẽ bị người ta cho rằng: bụng đói ăn quàng, đến mức không nghĩ tới sĩ diện. Điều này tuyệt đối nên tránh.
Chỉ với việc dùng đũa thôi nhưng người xưa cũng hết sức chú trọng lễ tiết, đặt ra rất nhiều điều kiêng kỵ. Qua đó cho thấy người xưa đối với phép tắc, lễ nghi trong cuộc sống là đặc biệt coi trọng như thế nào. Làm được như vậy mới có thể tu dưỡng, khiến cho phẩm hạnh đạo đức con người ngày càng thăng hoa. Đây là điều mà con người hiện đại chúng ta cần phải quay về truyền thống để học tập cổ nhân.
Kỳ thực, người thông minh, trong khi giao tiếp sẽ biết cách cư xử, nói năng khéo léo, nhưng cũng là bề mặt, khéo mấy cũng không thể che được bản chất qua những điều nhỏ nhặt thường ngày. Một người biết tu dưỡng bản thân, sở hữu một nội tâm lương thiện, luôn biết nghĩ cho người khác, thì mỗi hành động đều là chân thành, xuất phát từ nội tâm, điều này cũng không khó để nhận ra, cũng không dễ mà bắt chước được. Vậy mới nói, tu dưỡng bản thân chính là cốt yếu để làm con người chân chính là như vậy.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: NTD