Trong tất cả mọi thứ, người Nhật luôn lấy sự hài lòng của khách hàng làm trung tâm. Sự hài lòng của khách hàng ở mọi khía cạnh. Khái niệm chất lượng là chất lượng toàn diện chứ không chỉ riêng chất lượng sản phẩm. Từ cách thức chăm sóc khách hàng, dịch vụ hậu mãi đến cách thức mà các nhân viên giao tiếp, bán hàng v.v.., tất cả xoay quanh chất lượng, và thành quả chính là sự hài lòng của khách hàng.
Mối duyên nợ hơn 25 năm với Toyota
Năm 1996, Tập đoàn Toyota đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, tôi đầu quân về đó, tính đến nay đã hơn 25 năm. Cách thức đào tạo phát triển con người trong Toyota là luân chuyển vị trí công việc, hoàn thiện các kỹ năng ở mọi lĩnh vực.
Sau khi đi gần như hết tất cả các bộ phận, từ hành chính nhân sự đến đối ngoại, quan hệ chính phủ, quản lý kế hoạch sản xuất, rồi kho vận, logistics đến sales & marketing, bây giờ tôi làm quản lý vùng.
Nhưng mà tôi đã không làm tốt được việc quản lý thời gian, cũng như không chú trọng đến việc phải cân bằng cuộc sống gia đình và công việc. Vậy nên, bên cạnh thành tích, ghi nhận, công danh, tiền bạc… tôi cũng đồng thời nhận về mặt trái của chiếc mề đay.
Đạt được thành công, con người phải đánh đổi không ít
Áp lực từ công việc và các dự án kinh doanh đưa tôi đến những bữa nhậu vượt giới hạn, Vodka, Whisky uống hàng lít, để rồi kết thúc là những cơn say quên cả đường về nhà.
Có lần uống say đến nỗi tôi mở toang cả bốn cánh cửa xe, đỗ ngay trên phố Nhà Chung, đánh một giấc, đến tờ mờ sáng có bác lao công khều khều cái chổi quét rác, tôi mới choàng tỉnh.
Lại có lần, say xỉn lái xe về đến tận cổng nhà, rồi ung dung nằm xuống ngáy o o ngay bên cạnh cái rãnh thoát nước. Vợ lúc đầu khuyên nhủ nhẹ nhàng, rồi thì cằn nhằn, khó chịu, chì chiết, riết rồi cũng chán.
Ở cơ quan, tôi còn khủng khiếp hơn. Với bản tính nóng nảy, bảo thủ và cầu toàn, tôi luôn áp đặt suy nghĩ của mình và đòi hỏi người khác phải làm theo. Tôi sẵn sàng trút sự nóng giận thường trực vì áp lực công việc lên nhân viên của mình.
Viện cớ muốn “đào tạo, giúp các bạn nên người”, đôi khi trong những cuộc nhậu anh em vui vẻ, tôi còn mượn rượu nặng nhẹ thậm chí mạt sát nhân viên cấp dưới. Nhiều nhân viên, đồng nghiệp đã bị khủng hoảng tinh thần, một phần vì tôi mà xin nghỉ việc.
Hết lòng vì hạnh phúc của người, nhưng lại mất đi hạnh phúc của chính mình
Càng có tiền, có danh, tính khí của tôi càng trở nên tồi tệ, hợm hĩnh, hống hách và coi thường người khác. Tôi sẵn sàng cao giọng với nhân viên nhà hàng nếu họ chậm phục vụ, tôi sẽ chửi thề thành lời với bất kỳ ai đi chậm trước mũi xe của tôi, ngay cả với những bác phụ nữ đang nặng nhọc chở một xe rau nặng phía trước.
Tôi hoàn toàn quên mất hình ảnh người mẹ từng lầm lũi chở dưa lê đi chợ bán đến suy nhược vì lo ăn từng bữa cho tuổi thơ tôi. Lòng trắc ẩn của một cậu bé vốn hiền lành, thiện lương đã bị những đồng tiền và những cái danh kia làm cho mai một.
Càng có nhiều tiền, càng quyền cao chức trọng tôi lại càng thấy mơ hồ về hạnh phúc. Nhân viên sợ tiếp xúc với tôi. Vợ con chán nản với một người chồng, người cha gia trưởng, cục cằn. Tôi bán những sản phẩm mang lại hạnh phúc cho người dùng, nhưng lại không có được hạnh phúc của chính mình.
Năm 2011, bố tôi đột ngột ra đi sau ca phẫu thuật K thực quản. Sự ra đi của người đàn ông vốn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của gia đình đã làm tôi hụt hẫng.
Tôi có quyền lực, có rất nhiều tiền, nhưng cũng chẳng thể làm gì để giúp bố tôi. Cuộc sống quá đỗi vô thường và mong manh. Lúc đó tôi có rất nhiều câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, về sự sống và cái chết. Cuối cùng thì hạnh phúc đời người thực sự là gì và ở kiếm tìm đâu?
Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời
Tôi thực sự bị chấn động bởi những kiến thức uyên thâm về vũ trụ, về nhân thể, được trình bày một cách hết sức khoa học và có hệ thống trong cuốn Chuyển Pháp Luân, những câu trả lời về nguồn gốc của loài người, căn nguyên của bệnh tật và tai họa mà con người phải gánh chịu, về quan hệ giữa Nghiệp và Đức với từng ý niệm, hành vi của mỗi người trong cuộc sống có ảnh hưởng như thế nào đến vận mệnh của chính bản thân họ…
Điều tôi bàng hoàng hơn cả là tôi nhận ra mình đã sống tồi tệ như thế nào khi mọi hành xử đều quá xa so với tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ.
Khi quát nạt nhân viên, mọi người, làm khổ vợ con, gia đình, kiếm tiền không chân chính thì tôi đã đổi bao nhiêu Đức để nhận lấy Nghiệp, chỉ còn chờ ngày trả mà thôi.
Càng đọc sách tôi càng thấy mình thật vô cùng may mắn đã được biết đến môn pháp tu Phật này. Mọi người hỏi tôi vậy rốt cuộc tu luyện Pháp Luân Công nghĩa là tu luyện như thế nào.
Với tôi, “Tu” chính là trong tâm luôn nghĩ cho người khác, tôn trọng người khác, luôn nhìn lại xem mình đã đủ Chân, đủ Thiện và đủ Nhẫn với mọi người hay chưa. Còn “Luyện” chính là hàng ngày tập 5 bài công pháp nhẹ nhàng mà tràn đầy năng lượng.
Nhiều bạn bè và ngay cả đến chính tôi cũng ngạc nhiên vì mình có thể bỏ được rượu chỉ nhờ sau ba lượt đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Cuộc sống của gia đình tôi từ khi có Pháp được cải thiện rõ rệt. Ai ai cũng đều hướng vào bản thân, tìm những gì chưa chính từ bản thân để tu sửa, nên không khí trong gia đình luôn nhẹ nhàng, vui vẻ, hòa ái.
Thay đổi quan niệm sự nghiệp: Thành công không cần phải trả giá đắt
Trước đây tôi áp đặt bao nhiêu, tôi gây áp lực với mọi người bao nhiêu, thậm chí khiến người ta phát khóc và uất ức muốn bỏ việc, thì bây giờ tôi thay đổi. Tôi lắng nghe mọi người nói, tôi không sốt ruột khi tiến độ chậm, tôi tĩnh lại cùng mọi người tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết. Như thế tạo ra không khí hoà ái và mọi người làm việc hiệu quả hơn.
Người ta vẫn hay nói: ‘Thương trường là chiến trường’, đấy là do cái tâm lý tranh đấu tha hoá xã hội mà thôi. Bản nguyên sinh mệnh nào cũng là lương thiện. Khi mà một nhân viên tiếp xúc với khách hàng chân thành, không gian dối, luôn kiên nhẫn và suy nghĩ làm thế nào để khách hàng được hài lòng nhất, thì tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời.
Bao nhiêu năm tôi gây áp lực với nhân viên, đồng nghiệp để làm khách hàng hài lòng. Chuyện đó quá là kỳ cục bạn có thấy không? Giờ tôi cố gắng sống Chân-Thiện-Nhẫn với nhân viên, đồng nghiệp, và nhân viên của tôi thực hành Chân-Thiện-Nhẫn với khách hàng thì đảm bảo đó là sự hài lòng cao nhất. Mà không kèm theo một cái giá nào phải trả như tôi trước kia.
Ngoại trừ Trung Quốc thì ở đâu Pháp Luân Công cũng được ủng hộ
Tôi đã đi rất nhiều nước và ở đâu Pháp Luân Công cũng được ủng hộ. Một số nơi ở Việt Nam xảy ra tình trạng sách nhiễu học viên, đó là do hiểu sai hoặc thông tin không đầy đủ. Tôi tin là tất cả mọi người rồi sẽ nhận ra vẻ đẹp và sự chân chính của môn tu luyện Phật gia này.
Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc là do chính sách độc đoán của cá nhân cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Vì tác dụng to lớn trong việc nâng cao sức khoẻ và đạo đức nhân loại, môn khí công Phật gia này đang được hàng trăm triệu người tập luyện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Không có nơi nào cấm tập Pháp Luân Công ngoài Trung Quốc, và ngay cả ở Trung Quốc trong hiến pháp của họ cũng không có điều nào nói cấm tập Pháp Luân Công. Việc đàn áp những người tu luyện Phật gia theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn là phi lý. Cả thế giới biết điều đó và đang mạnh mẽ lên án, phơi bày sự thật về cuộc đàn áp vô nhân tính.
Cả gia đình tôi đều tập Pháp Luân Công, từng hành động lời nói mỗi người đều chiểu theo Chân Thiện Nhẫn, và điều đó đã khiến chúng tôi sống chan hoà trong hạnh phúc. Gia đình là tế bào của xã hội. Nếu ai ai cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì đảm bảo đạo đức xã hội sẽ được nâng cao, đất nước sẽ thái bình và phồn thịnh.
Quản lý vùng Toyota
Doanh nhân Phan Hồng Hải