Ảnh: youtube

Dạy Con Thông Thái

Quan niệm về hiếu thảo trong văn hóa truyền thống

By Đăng Dũng

August 11, 2021

Trong thời đầu triều đại Tây Chu, Chu Công Đán đã tổ chức các nghi lễ và âm nhạc, chủ trương rằng ý tưởng trung tâm của nghi lễ là “tôn trọng cha mẹ”. Ông tin rằng con người phải tôn kính trời, thần dân nên tôn kính vua, con cháu nên tôn kính cha mẹ tổ tiên, tất cả mọi người nên đối xử tử tế với bạn bè người thân của mình.

Là một phần của hình thức nghi lễ cổ xưa, đạo hiếu dần trở thành một trong những giá trị truyền thống quan trọng nhất của con người. Trong thời đại mà lòng hiếu thảo được phát triển mạnh mẽ, những người già yếu không bị bỏ lại một mình mà không được chăm sóc, người trẻ luôn nghĩ về uống nước nhớ nguồn, luôn sống biết ơn, làm cho gia đình viên mãn, xã hội phồn vinh. Vì vậy mà các bậc quân vương thời xưa thường khuyến khích lòng hiếu thảo và lấy đó làm gương cho bản thân. Khi bổ nhiệm một quan chức, thường chọn những người có tấm lòng hiếu thảo xuất sắc.

Đối với người xưa, lòng hiếu thảo được thể hiện trên nhiều phương diện. Ví dụ, coi trọng thân thể cũng là một dấu hiệu của lòng hiếu thảo, vì thân thể là do cha mẹ ban tặng. Hay khi cha mẹ mất, không ăn thịt, cá trong 3 năm, không mặc cẩm chức, khi để tang cho cha mẹ không sống ở nơi hào hoa xa xỉ, vì cha mẹ chăm sóc con cả ngày lẫn đêm sau khi con chào đời và không thể yên tâm dời con trong suốt 3 năm đầu đời.

Ngoài ra, cũng có những câu nói như: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương” nghĩa là cha mẹ còn sống, không nên đi xa, nếu đi xa thì phải cho cha mẹ biết nơi đến. Và “Sự tử như sanh” nghĩa là cung phụng cha mẹ khi đã khuất cũng như khi cha mẹ còn sống.

Trong chương trình giáo khoa phổ cập của triều đại nhà Thanh “Đệ Tử Quy” viết rằng: “Thân ái ngã, hiếu hà nan. Thân tăng ngã, hiếu phương hiền” nghĩa là được cha mẹ yêu quý thì hiếu kính cha mẹ là lẽ thường. Nhưng nếu có bị cha mẹ đối xử tệ bạc thì thân là con cái vẫn phải hiếu kính với cha mẹ, vì công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là to lớn nhất nên phải chăm sóc cha mẹ cho tốt.

Vào thời cổ đại, một trong mười ba tác phẩm kinh điển thì “Hiếu kinh” là một tác phẩm kinh điển nhất định phải đọc đối với các học sinh Nho học. Ngoài ra, còn có “Nữ hiếu kinh” là cuốn sách được viết bởi một người phụ nữ, nói về tầm quan trọng của đức hạnh, lòng hiếu thảo đối với nữ giới. Ví dụ như câu chuyện về Mộc Lan ở Trung Quốc xưa, đã được lưu truyền trong các bài hát dân gian từ thời Nam Bắc Triều. Mộc Lan nguyên là một cô gái khuê trung, thương cha già ốm yếu bị bắt đi lính trong thời kỳ loạn lạc, cô đã cải trang thành một người đàn ông, thay cha ra chiến trường. Năm 2009, đoàn nghệ thuật Thần Vận đã dựa trên câu chuyện đầy cảm hứng này, tái hiện trên sân khấu bằng loại hình nghệ thuật múa cổ điển Trung Quốc thuần túy và đẹp mắt. Vũ kịch “Lan Mộc tùng quân” đã được khán giả trên toàn thế giới đánh giá rất cao.

Những người hiếu thảo luôn mang giữ trong tâm chính nghĩa và lòng bác ái. Ví như câu chuyện về Mẫn Tử Khiên (hay còn gọi là Mẫn Tốn), Mẫn Tốn là một đệ tử của Khổng Tử, mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, cha ông tái hôn và có hai em cùng cha khác mẹ. Người mẹ kế rất yêu thương hai đứa con của mình, nhưng lại ghét đứa con riêng của chồng là Mẫn Tốn và thường xuyên ngược đãi ông.

Vào mùa đông, bà cho hai người con của bà mặc quần áo ấm áp, nhưng lại chỉ cho Mẫn Tốn mặc áo lót bông lau không đủ ấm. Một ngày nọ, trong khi kéo xe đưa cha đi ra ngoài, vì lạnh quá cóng tay, thân thể run rẩy mà làm rơi dây quai xe xuống đất. Mẫn Tốn bị cha quở trách và đánh đập, làm đường may của quần áo bị rách, lớp bông lau mỏng manh bung ra bên ngoài. Khi đó, người cha mới biết Mẫn Tốn đang bị mẹ kế ngược đãi.

Người cha định trở về đuổi mẹ kế đi, Mẫn Tốn quỳ xuống, khóc cầu xin cha: “Cha đừng đuối mẹ kế đi, vì nếu cha không đuổi mẹ kế đi thì chỉ mình con chịu rét thôi, nhưng nếu cha đuổi mẹ kế đi thì cả 2 đứa em của con cũng sẽ phải chịu đói rét khổ sở”. Người cha cảm động và đáp ứng theo, khi trở về ông đã thuật lại câu chuyện cho người vợ kế nghe. Người mẹ kế khi nghe được điều đó đã hối hận về lỗi lầm của mình và yêu thương Mẫn Tốn như con ruột. Khi nghe được điều này, Khổng Tử đã khen ngợi rằng: “Tử Khiên là một người con có hiếu thực sự”.

Có vô số tấm gương về lòng hiếu thảo trong các tài liệu cổ và các câu truyện dân gian. Với sự suy tàn của văn hóa truyền thống, tư tưởng về chữ hiếu dần bị tư tưởng hiện đại lấn át, số người già neo đơn không nơi nương tựa ngày càng gia tăng.

Nhưng vẫn còn rất nhiều người chăm sóc người thân của họ rất tốt, kính trọng người lớn tuổi, cố gắng hết sức chăm sóc chu đáo cho cha mẹ già. Khi sống với cha mẹ không làm trái ý bố mẹ, ngay cả khi cha mẹ sai vẫn lễ phép, nhẹ nhàng thuyết phục cha mẹ.

Hoàng đế Khang Hy đã từng tổ chức đại lễ “Thiên Tẩu Yến” (Một bữa tiệc mừng tuổi thọ được tổ chức bởi hoàng đế tại hoàng cung cho một nghìn người già) tượng trưng cho hòa bình và trường tồn của quốc gia. Người cao tuổi có thể sống lâu hơn nếu họ khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và lòng hiếu thảo được phổ biến rộng rãi. Hầu hết những người cao tuổi trường thọ, họ đều được tận hưởng những năm cuối đời một cách bình lặng. Nó phản ánh chân thực đạo đức của dân tộc và đạo đức của con người.

Văn hóa truyền thống rất rộng lớn và sâu sắc, những giá trị rộng lớn và sâu sắc đó khiến nó trở thành kho báu của nhân loại trên toàn thế giới. Văn hóa truyền thống đề cao phẩm giá đạo đức, bất kể hình thái xã hội thay đổi như thế nào, những tư tưởng đạo đức chính thống như lương thiện, nhân hậu, dũng cảm và nhẫn nại vẫn luôn ở trong lòng mọi người.

Nguồn: epochtimes.jp Mộc Hương biên dịch